Tiềm năng địa phương

Đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà

Huyện Đông Anh là một trong những điểm sáng trong triển khai xây dựng Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP của Tp. Hà Nội. Và nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của xã Vân Hà là một trong nghề có nhiều sản phẩm được Tp. Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và giải thưởng nông thôn tiêu biểu.
Chúng tôi gặp anh Đỗ Danh Nam - nghệ nhân của làng nghề mộc Vân Hà là người đã có hơn 30 năm làm nghề và đào tạo cho nhiều người dân ở Vân Hà cũng như các tỉnh khác học về nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ. Anh Nam cho biết, xã Vân Hà có 5 thôn làm nghề mộc truyền thống gồm Thiết Úng, Hà Khê, Cổ Châu, Thiết Bình và Vân Điềm. Các sản phẩm rất đa dạng và phong phú bao gồm tranh, tượng, bàn ghế, đồ lưu niệm… Các sản phẩm được sáng tạo theo nhiều trường phái, sở thích hoặc làm theo yêu cầu ý tưởng của khách hàng.

Để làm được một sản phẩm thì gỗ được người dân Vân Hà làm từ nhiều loại gồm gỗ trắc, gỗ hương, gỗ gụ, gỗ mu… Thường trước khi làm thì người thợ phải phác họa hình ảnh tác phẩm định làm, sau đó sẽ dùng cưa xích để tạo hình thô. Sau đó, người thợ sẽ tiến hình đục từng chi tiết để tạo hình rõ nét sản phẩm, đây là công đoạn yêu cầu sức khỏe nên hầu hết lao động là nam thanh niên. Đây cũng được xem là công đoạn quan trọng quyết định độ tinh, sự sắc nét và có hồn của sản phẩm. Chính vì vậy mà tiền công của người thợ lành nghề, lâu năm thường dao động từ 500 đến một triệu đồng/ngày.


Xưởng sản xuất gỗ mỹ nghệ tại xã Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội.


Công đoạn hỗ trợ làm thô sản phẩm từ các thiết bị máy móc trong xưởng sản suất gỗ mỹ nghệ tại xã Vân Hà.


Các sản phẩm gỗ mỹ nghệ rất đa dạng và phong phú bao gồm tranh, tượng, bàn ghế, đồ trang trí…


Công đoạn đánh giấy ráp cho sản phẩm.


Người dân xã Vân Hà vẫn luôn duy trì và phát triển nghề mộc theo thời gian.


Những chi tiết nhỏ đòi hỏi sự khéo léo của người thợ.


Công đoạn sơn bóng sản phẩm.


Trung bình mỗi người thợ sẽ sản xuất từ 3-4 sản phẩm trong một ngày tùy thuộc vào tay nghề từng người.

Bên cạnh đó, ở Vân Hà cũng bắt đầu có nhiều hộ sản xuất đầu tư máy CNC khoảng 400-600 triệu để đục các chi tiết cho nhanh hơn. Vì thế, khi đi quanh khu vực làng nghề này ngoài những âm thanh đục tay thủ công, còn có thể nghe được âm thanh của những chiếc máy công nghiệp được sử dụng để giảm bớt chi phí lao động. Khi phần đục được hoàn thành sẽ được người thợ đem gọt nhẵn nhụi để ra đường hình nét rõ ràng của sản phẩm.

Để sản phẩm có thời gian sử dụng được lâu và không bị mối mọt, các xưởng sản xuất thường sử dụng nhân công là những người phụ nữ cao tuổi làm thêm với tiền công 200- 300 nghìn/ngày để đánh nhẵn bằng giấy ráp, đánh nước rồi lại đánh khô sản phẩm. Cuối cùng sẽ phủ dầu lót rồi đưa đến tay khách hàng.

Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm được UBND huyện Đông Anh triển khai thực hiện, rất nhiều hộ dân của xã Vân Hà làm đồ gỗ mỹ nghệ đã tham gia chương trình này và được thành phố công nhận là các sản phẩm OCOP. Trong đó, có thể kể đến cơ sở sản xuất mỹ nghệ của gia đình chị Đào Thị Thanh Vân đã có 3 sản phẩm “Vũ điệu chim công”, “Thiếu nữ mùa xuân”, “Tứ linh hội tụ” và cơ sở mỹ nghệ Hiệp Sỹ cũng có 3 sản phẩm “Qủa mít”, Cá Kim Long”, “Tê giác một sừng”.


Các sản phẩm tiêu biểu về gỗ mỹ nghệ  ở xã Vân Hà:









 
Việc tham gia vào chương trình OCOP của huyện Đông Anh triển khai giúp các hộ dân sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của xã Vân Hà được hỗ trợ quảng bá thị trường, thiết kế nhãn hiệu sản phẩm, đưa vào mã truy quét sản phẩm để nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành trong nước và khách nước người như Trung Quốc, Nhật Bản biết tìm đến mua.

Ông Nguyễn Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết: “Ngay sau khi nhận được kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm của Thành phố, huyện Đông Anh cũng đã có kế hoạch triển khai đến năm 2020. Đồng thời, phổ biến đến toàn bộ hệ thống chính trị, từ huyện đến các xã, đến chủ thể sản xuất, và đông đảo người dân. Hi vọng, với những sản phẩm OCOP đã dành được giải thưởng của thành phố, huyện sẽ tiếp tục có thêm nhiều sản phẩm OCOP mới, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế của huyện./.
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Khánh Long
 


Top