Khám phá

Dinh Bảo Đại

Phía cuối đường Triệu Việt Vương (Tp. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), một dinh thự cổ kính bỗng “lộ” ra trước mắt chúng tôi thật thơ mộng và trang nhã, mang đậm nét kiến trúc thời canh tân của Châu Âu. Đó chính là biệt điện vua Bảo Đại (1926-1945), vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn và của cả các triều đại phong kiến Việt Nam, còn gọi là Dinh Bảo Đại hay Dinh III
Dinh Bảo Đại được xây dựng từ năm 1933 đến 1938 khi Bảo Đại còn đang làm vua ở Huế, do một kiến trúc sư người Pháp và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế. Đây được coi là một trong những công trình đẹp nhất của Đà Lạt với kiến trúc hài hòa giữa không gian của rừng thông gắn liền với các tiểu cảnh công viên, vườn Thượng Uyển, rừng Ái Ân và một hồ nước nhỏ thơ mộng. Sau khi khánh thành, vua Bảo Đại sử dụng Dinh để nghỉ mát vào mùa hè. Xung quanh Dinh Bảo Đại lúc đó có cả một trung đoàn Ngự lâm quân bảo vệ và một đoàn xe riêng gọi là “công xa biệt điện”, chưa kể một đội máy bay riêng do các phi công người Pháp lái phục vụ. Đến năm 1948, khi người Pháp đưa Bảo Đại trở lại nắm quyền rồi thành lập “Hoàng triều Cương Thổ” vào năm 1950 thì Dinh Bảo Đại còn có tên là "Biệt điện Quốc trưởng".
 

Dinh Bảo Đại mang đậm nét kiến trúc thời canh tân của Châu Âu.

Bàn tiếp khách của vua tại Dinh Bảo Đại.

Bộ ngà voi do vua Bảo Đại săn được đặt trang trọng trong phòng khánh tiết của Dinh.


Các hành lang được thông với nhau là một trong những nét đặc trưng của Dinh Bảo Đại.

Phòng riêng của hoàng hậu Nam Phương.

Phòng trưng bày hình ảnh và các vật dụng của vua Bảo Đại.

Phòng ngủ của công chúa Phương Liên và Hoàng tử Bảo Thăng.

Toàn bộ Dinh Bảo Đại có tổng cộng 25 phòng với một hệ thống mái bằng cùng các mảng, khối được bố cục cân đối nhưng không đối xứng một cách cứng nhắc. Ngay cửa chính Cửa chính diện (rộng khoảng 4m) là sảnh trước có mái hiên đưa ra để che vị trí đậu xe. Tầng trệt được dùng làm nơi hội họp, yến tiệc, tiếp khách ngoại quốc và quan chức chính phủ Hoàng triều Cương Thổ. Ngoài ra là phòng làm việc, văn phòng của vua Bảo Đại, thư viện, các phòng giải trí và một phòng ăn lớn. Riêng phòng làm việc được gắn với các tiểu cảnh kiến trúc, không gian trong và ngoài liên hệ với nhau qua các cửa đi và cửa sổ bằng kính khung thép, tạo ra một khung cảnh hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên. Tại phòng khánh tiết hiện vẫn còn lưu giữ một kỷ vật là bức tranh đền Angkor Wat do hoàng thân Shihanouk (Campuchia) tặng cho vua Bảo Đại. Ngoài ra, 3 bộ da cọp, ngà voi được trưng bày trong Dinh cũng là những kỷ vật quý mà mà vua Bảo Đại từng săn bắt được.

Vua Bảo Đại có vợ chính thức là hoàng hậu Nam Phương, là vị hoàng hậu duy nhất được phong khi còn sống của triều Nguyễn, cũng là hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Bà tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, là con hào phú Nguyễn Hữu Hào (một trong bốn người giàu nhất Việt Nam những năm đầu của thế kỷ 20 - PV). Vua và hoàng hậu Nam Phương có với nhau 3 công chúa và 2 hoàng tử. Cả gia đình sử dụng toàn bộ tầng 2 của Dinh làm nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi. Ở trên lầu là phòng ngủ của Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương cùng thái tử Bảo Long, các công chúa Phương Mai, Phương Liên, hoàng tử Bảo Thăng. Phía ngoài phòng ngủ của vua Bảo Đại còn có Lầu Vọng nguyệt khá đẹp, là nơi để vua và hoàng hậu ngắm trăng. Riêng thái tử Bảo Long là người được chọn kế nghiệp ngai vàng (từ năm 1939) nên trong phòng trang hoàng toàn màu vàng (sắc phục của vua - PV).
 

Vườn hoa trong khuôn viên Dinh Bảo Đại có bố cục theo hình kỷ hà.

Du khách chụp ảnh lưu niệm trong trang phục vua chúa.

Du khách rất thích chiếc xe cổ trước Dinh Bảo Đại.

Du khách nước ngoài tham quan và ghi lại những hình ảnh trong Dinh Bảo Đại.

Mỗi ngày có hàng nghìn du khách đến tham quan Dinh Bảo Đại.

Đặc biệt, phía ngoài Dinh, ở bên phải cổng vào và sau Dinh có một vườn hoa nhỏ được chỉnh trang theo kiểu vườn hoa ở các cung điện Pháp. Trong vườn, các cây cảnh đều được cắt tỉa đẹp, những cụm hồng quý nở quanh năm theo bố cục đối xứng qua hai trục. Bồn hoa rộng phía trước Dinh cũng được chăm sóc chu đáo. Tất cả tạo thành những con đường nhỏ đi dạo quanh Dinh, lẫn trong những tán lá thông luôn reo rì rào như tâm sự với gió, với cây cỏ và mây trời cao nguyên.

Là một trong những kiến trúc châu Âu đặc sắc giữa thành phố ngàn hoa Đà Lạt, Dinh Bảo Đại còn được biết đến khi chứa đựng nhiều cổ vật cung đình Huế và cả một hầm rượu quý giá chìm dưới đất. Tham quan Dinh, du khách trong và ngoài nước còn có chung cảm nhận về một bầu không khí vừa trang nghiêm lại vừa gần gũi, ấm cúng của một gia đình hoàng tộc thuở nào. Hơn hết, đây đã là nơi lưu dấu một nhân vật lịch sử, người đại diện cuối cùng của một chế độ đã ngự trị suốt hơn một nghìn năm trên đất nước Việt Nam - vua Bảo Đại.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh

Khám phá Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Khám phá Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Nằm khu vực Đại lộ Thăng Long (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là công trình trưng bày hơn 150.000 hiện vật, chứng tích lịch sử vô giá về những cuộc chiến tranh ở Việt Nam (đặc biệt là 2 cuộc chiến chống thực dân và đế quốc) nhằm giúp du khách tham quan tìm hiểu kỹ hơn về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đầy tự hào của quân và dân ta.

Top