Tiềm năng địa phương

Điện sạch ở Trường Sa

Nếu trước đây, khi nhắc đến Trường Sa người ta nghĩ ngay tới nắng và gió khắc nghiệt thì giờ đây nó đã đựơc chuyển hóa thành năng lượng sạch, góp phần tạo nên một Trường Sa với diện mạo mới đẹp hơn, lung linh hơn...
«
          Hệ thống điện gió đã được lắp đặt trên 33 đảo san hô/750 đảo thuộc quần đảo Trường Sa; trong đó HPSS được xây dựng trên 9 đảo nổi, 24 đảo chìm và 15 nhà giàn DK của khu vực quân sự.
                             »
Đến Trường Sa hôm nay, tôi cũng như nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi ánh sáng đèn điện lung linh của đảo trong đêm. Kể từ khi được triển khai hệ thống điện sạch từ năng lượng nắng và gió, điện đã thắp sáng đến từng hộ dân, từng con đường nhỏ trên đảo Trường Sa...

Trao đổi với chúng tôi, thiếu tá Đinh Trọng Thắm, Đảo phó Quân sự, phụ trách hậu cần đảo Trường Sa Lớn cho biết trước đây toàn đảo chỉ có nguồn điện duy nhất chạy bằng máy phát. Bởi vậy, việc sử dụng điện trên đảo vô cùng hạn chế. Điện chạy máy phát, mỗi ngày chỉ được thắp hơn 3 tiếng, từ 18h đến 21h30, nhằm đảm bảo sinh hoạt tối thiểu cho chiến sỹ và dân trên đảo.

Từ năm 2008, mọi thứ trên đảo Trường Sa Lớn dường như bừng sáng hơn bởi năng lượng điện sạch bắt đầu được triển khai lắp đặt. Hệ thống điện gió cũng bắt đầu đầu được triển khai vào năm 2009 và một năm sau đó (năm 2010) thì toàn bộ đảo đã có điện sạch để sử dụng.

Theo thiết kế thì hệ thống năng lượng điện mặt trời trên đảo Trường Sa cung cấp khoảng 40%, hệ thống điện gió cung cấp 60% lượng điện trên đảo. 21 cây quạt gió cùng hơn 500 tấm pin khổng lồ được lắp đặt xung quanh đảo đã biến cái nắng cháy da, cái gió rát mặt của Trường Sa thành năng lượng điện sạch, mang lại điều kiện cho cuộc sống của người dân và các chiến sỹ trên đảo tốt hơn.
 

Sản lượng điện sản sinh từ hệ thống 21 tua bin điện gió theo thiết kế cung ứng khoảng 60% lượng điện trên đảo Trường Sa Lớn.


Năng lượng điện sạch góp phần giúp mạng viễn thông trên đảo Trường Sa Lớn với đất liền thông suốt.


Hải đăng Trường Sa Lớn cũng có riêng 1 tua bin điện gió, cùng với một hệ thống năng lượng mặt trời
được sử dụng để cung cấp điện thắp sáng và chạy các thiết bị bên trong Hải đăng.


Hệ thống điện sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời giúp phục vụ sinh hoạt của người dân trên đảo.


Bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời.


Vệ sinh, bảo dưỡng các tấm pin năng lượng mặt trời.


Chùa Trường Sa Lớn lung linh trong đêm nhờ hệ thống điện sạch trên đảo.


Nguồn điện ổn định đã hỗ trợ rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân và chiến sỹ trên đảo.

«
          Dự án này đã lắp đặt hơn 5.700 tấm pin năng lượng mặt trời, 120 tua bin gió, hơn 4.000 bình ắc quy, gần 1.000 bộ đèn LED sử dụng năng lượng mặt trời chiếu sáng sân đường, tuờng kè... tại khu vực quần đảo Trường Sa. 
                             »
Cũng theo thiếu tá Đinh Trọng Thắm thì hiện nay điện trên đảo đã đảm bảo được 24/24 ở những khu vực quan trọng như: Chỉ huy đảo, cụm thông tin Rada,... Và nếu những mùa gió ổn định như thời gian 6 tháng đầu năm thì điện cũng được cung cấp đến các hộ dân trên đảo với công suất tối đa 24/24.

Việc tận dụng nguồn gió và nguồn sáng mặt trời tại huyện đảo Trường Sa được tích hợp trong hệ thống điện lai ghép dùng năng lượng gió và mặt trời (HPSS). Qua khảo sát bức xạ mặt trời tại đảo Trường Sa cho thấy, tiềm năng năng lượng mặt trời và tốc độ gió trung bình hàng năm rất lớn. Với việc triển khai HPSS, lượng điện có thể cung cấp cho đảo nhu cầu sử dụng lên đến 6,2 MWh/ngày. Trong khi đó tổng nhu cầu sử dụng điện trên quần đảo Truờng Sa chỉ ước tính khoảng 3MWh/ngày.

Hệ thống HPSS cũng đã giúp tiết kiệm được hơn 2.100 lít dầu diesel/ngày (gần 774.000 lít/năm). Lượng khí thải CO2 cũng giảm gần 2.300 tấn/năm. Điều này cho thấy việc triển khai hệ thống điện sạch này không chỉ đảm bảo tối đa nguồn điện cho Trường Sa mà còn góp phần vào việc bảo vệ và làm sạch môi truờng. Đây thực sự là nguồn năng lượng sạch vô tận của Truờng Sa.

Điện sạch hiện hữu trên đảo Trường Sa Lớn khiến chúng tôi cảm nhận được rõ nhất những thay đổi thực sự trong cuộc sống của người dân nơi đây. Khi các bé Hồng Hương, Phương Anh (9 tuổi) kéo tay tôi về nhà xem đĩa phim hoạt hình mà người nhà trong đất liền gửi ra, tôi mới thật ngỡ ngàng. Các hộ gia đình nơi đây nhà nào cũng có tủ lạnh để đồ ăn tươi, rồi tivi, đài, máy tính,...để xem thông tin và đọc báo qua mạng. Ở trong nhà của các hộ gia đình nơi đây, chúng tôi cảm nhận được rằng dường như không có sự khác biệt nào với những ngôi nhà trong đất liền kể từ khi có điện.

Anh Lê Minh Phong, trạm trưởng trạm y tế Trường Sa Lớn cho biết, nguồn điện ổn định đã tạo điều kiện cho các anh rất nhiều trong chăm sóc sức khỏe cho người dân và chiến sỹ trên đảo. Năm 2013, bệnh xá của đảo Trường Sa Lớn đang được triển khai cấp thêm các trang thiết bị y tế như: máy chụp X quang, máy xét nghiệm máu, ...để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho quân và dân trên đảo ngày càng tốt hơn.

Cùng với sự đầu tư về hệ thống năng lượng sạch từ nắng và gió, hệ thống mạng điện thoại di động, mạng điện thoại vô tuyến của Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), hệ thống điện đài liên lạc thông suốt...nối Trường Sa và đất liền ngày càng gần thêm. Và điều quan trọng mà thiếu tá Đinh Trọng Thắm tâm sự: “Điện giúp người dân trên đảo an cư lạc nghiệp, còn các chiến sỹ thì được củng cố và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu hơn trước rất nhiều...”./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường

Cà Mau khẳng định ngành tôm Việt

Cà Mau khẳng định ngành tôm Việt

50 năm từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Đảng bộ, dân và quân tỉnh Cà Mau với tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn để kiến thiết quê hương, phát triển kinh tế, từng bước theo kịp đà phát triển chung của cả nước. Đặc biệt, ngành tôm của tỉnh này luôn khẳng định được vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu về sản xuất, xuất khẩu tôm trong nước và quốc tế.

Top