Văn hóa

Diện mạo đô thị năng động và hiện đại

Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính (tháng 8/2008), diện mạo Thủ đô bước đầu có nhiều thay đổi mạnh mẽ. Thành phố đã đạt được những kết quả đáng tự hào, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. 

Đô thị hiện đại, đa năng

Sau khi điều chỉnh địa giới hành, diện tích Thủ đô Hà Nội mở rộng có diện tích tự nhiên 334.470,26ha (tăng 3,63 lần), dân số 6.232.940 người (tăng 1,87 lần). Nhờ lợi thế này, Hà Nội đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế - xã hội. Vừa qua, Hà Nội lọt vào top 10 thành phố năng động nhất thế giới theo Chỉ số Động lực thành phố (CMI) năm 2017. Mảnh đất “Rồng bay” đang dần hình thành dáng dấp của một đô thị thông minh, thành phố đáng sống hiện đại mang tầm quốc tế.

Những thay đổi rõ nét nhất là ở diện mạo về cấu trúc đô thị. Trước đây, cấu trúc chỉ là một đô thị trung tâm. Hiện nay, Hà Nội được quy hoạch theo cấu trúc chùm đô thị với một đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh, bao gồm: Đô thị Hòa Lạc (nằm ở phía Tây); Đô thị Sóc Sơn (nằm phía Bắc); Đô thị Phú Xuyên (phía Nam); Đô thị Xuân Mai (phía Tây Nam Hà Nội, cách trung tâm gần 40 km); Đô thị Sơn Tây (phía Tây Bắc Hà Nội, cách trung tâm 50 km).

Đặc biệt, từ khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt vào năm 2011, Hà Nội ngày càng xuất hiện nhiều tổ hợp đô thị hiện đại mang dáng dấp những “siêu đô thị thu nhỏ” trong lòng thành phố. Nhiều khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã được xây dựng như Văn Quán, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh về phía Tây; Việt Hưng, Vinhome Riverside về phía Đông; Linh Đàm, Gamuda về phía Nam, Ciputra ở phía Bắc… cùng với các khu đô thị mới trong Vành đai 3 như Royal City, Time City… 


Hồ Tây và vùng lân cận lung linh ánh đèn. ảnh: Công Đạt 

 
Royal City khu đô thị được ví như một “Châu Âu thu nhỏ” trong lòng Hà Nội, sang trọng, lộng lẫy và choáng ngợp với lối kiến trúc tân cổ điển theo phong cách hoàng gia Châu Âu. Ảnh: Công Đạt

 
Vinhomes Riverside - một trong những khu đô thị hiện đại nhất của Hà Nội. Ảnh: Tư liệu


Cầu Nhật Tân là một cây cầu được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 13.626 tỷ đồng nằm trong tổng số 7 cầu
bắc qua sông Hồng đoạn Hà Nội, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh. Ảnh: Công Đạt


Vinhomes Time City mang phong cách của Đảo quốc Singapore, là khu đô thị phức hợp đầu tiên của miền Bắc
có mô hình hoàn hảo và trọn vẹn với hệ thống y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, thể thao, thương mại,…
đồng bộ và quy mô lớn. Ảnh: Tư liệu Vingroup



Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam nằm số 57 đường Phạm Hùng, Hà Nội.
Đây là tổ hợp công trình đa năng lớn nhất tại thủ đô Hà Nội. Ảnh: Công Đạt



Cầu vượt Ngã Tư Sở sau khi được đưa vào sử dụng đã giúp giảm ách tắc giao thông
cho hướng đi từ đường Láng đến đường Trường Chinh. Ảnh: Công Đạt

Du lịch cất cánh

Việc mở rộng địa giới hành chính đã góp phần tạo cho Hà Nội có nguồn tài nguyên du lịch lớn hơn, sản phẩm tour, tuyến nhiều hơn và nguồn lực tham gia vào du lịch mạnh mẽ hơn, điều này đã tạo thêm điều kiện để khẳng định Hà Nội là điểm đến hấp dẫn của khu vực và quốc tế khi mà lượng khách quốc tế đến Hà Nội đã tăng gấp 4 lần so với 10 năm trước. 

Hà Nội cũng nằm trong tốp 10 thành phố có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Khách quốc tế từ 1,3 triệu lượt năm 2008 tăng lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (tăng xấp xỉ 4 lần). Thị phần khách quốc tế tăng lên chiếm xấp xỉ 40% lượng khách cả nước. Hà Nội tiếp tục khẳng định là trung tâm du lịch, là nguồn phân phối du khách lớn của khu vực phía Bắc, cầu nối đưa khách du lịch trong ASEAN và các nước trong khu vực.

Du khách tới Hà Nội có thể chọn nhiều điểm đến để tham quan như: Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Tây, đặc biệt là khu vực phố cổ, hồ Hoàn Kiếm. 


Khu vực trung tâm Hà Nội với hồ Hoàn Kiếm, Tháp Rùa, phố cổ là điểm đến hấp dẫn khu khách quốc tế. Ảnh: Công Đạt


Cầu Thê Húc là một biểu tượng cho nét đẹp văn hóa của người Hà Nội. Ảnh: Công Đạt



Cầu Long Biên đã từng là cây cầu dài thứ hai trên thế giới chỉ sau cầu Brooklyn bắc qua sông
East – River của Mỹ và được mệnh danh là tháp Eiffel nằm ngang của Hà Nội khi mới xây dựng xong. Ảnh: Công Đạt



Quảng trường Cách mạng Tháng Tám với Nhà hát Lớn Hà Nội, được ví như “Nhà hát Opéra Garnier” ở Paris, là công trình kiến trúc minh chứng cho một giai đoạn lịch sử của thành phố, thời kỳ mà các nền văn hóa giao thoa lẫn nhau. Ảnh: Công Đạt


Đường Thanh Niên (nằm giữa hồ Tây và Trúc Bạch) nhìn từ trên cao,
được ví là con đường có vẻ đẹp lãng mạn nhất Hà Nội. Ảnh: Công Đạt



Được mệnh danh là ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là di tích lịch sử
nổi tiếng ở đất thủ đô mà còn là nơi chứa đựng những tinh hoa tri thức và giá trị lịch sử, truyền thống của đất Việt. Ảnh: Công Đạt


Chùa Một Cột nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội. Gần Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chùa Một Cột cùng với "Khuê văn các"
đang là một trong những di tích lịch sử văn hóa lâu đời, một biểu tượng của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Ảnh: Công Đạt


Hoàng thành Thăng Long là quần thể công trình kiến trúc đồ sộ được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử
và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Ảnh: Công Đạt


Khách du lịch xem trình diễn những tiết mục nghệ thuật truyền thống trong khán phòng của Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh: Công Đạt


Nghệ thuật hát Tuồng truyền thống được biểu diễn để đón du khách tại Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh: Công Đạt


Lễ hội Carnival nghệ thuật đường phố diễn ra tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Chương trình có sự góp mặt của 86 nghệ sĩ quốc tế thuộc đoàn nghệ thuật Sun World Ba Na Hills đến từ Đà Nẵng
để thực hiện nhiều tiết mục đường phố ấn tượng, sôi động và độc đáo. Ảnh: Công Đạt


Mô hình xe ô tô chuyên dụng hai tầng chở khách du lịch ngắm cảnh thành phố và đi qua nhiều điểm du lịch
đã được áp dụng tại nhiều nước trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, Malaysia..., nay đã có mặt tại Hà Nội
để đưa người dân thủ đô, khách du lịch trong ngoài nước thưởng lãm đường phố, kiến trúc Hà Nội
từ góc độ hoàn toàn mới lạ. Ảnh: Công Đạt

Hà Nội sau khi điều chỉnh địa giới hành chính đã sở hữu một nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú và đáng quý. Hiện nay, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản đô thị với gần 6.000 di tích, gần 1.800 di sản phi vật thể ở các cấp độ từ quốc tế đến quốc gia, thành phố. 

Sau năm 2008, Hà Nội hình thành 6 cụm du lịch, gồm: Khu vực trung tâm Thủ đô, Sơn Tây - Ba Vì, Hương Sơn - Quan Sơn, núi Sóc - hồ Đồng Quan, Vân Trì - Cổ Loa, Hà Đông và phụ cận với các sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhóm khách. Những sản phẩm chính gồm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch nông nghiệp và trang trại, 
du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức hội họp, triển lãm…).

Du khách cũng có thể chọn tham gia loại hình du lịch nghệ thuật gắn với di sản (như xem múa rối nước Đào Thục kết hợp tham quan Di tích Cổ Loa tại Đông Anh) hay du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại khu vực Ba Vì. Đó là chưa kể loại hình du lịch làng nghề với những điểm đến nổi danh như làng dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm)...

Vùng đất “trăm nghề” Hà Tây hợp nhất với Hà Nội giúp Thủ đô có tổng cộng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 59% tổng số làng nghề của cả nước, trong đó có 297 làng nghề đã được UBND TP Hà Nội công nhận.

Mỗi làng nghề với những nét độc đáo riêng đang được đánh giá là một nguyên liệu quý cho những tiềm năng du lịch làng nghề đang là một trong những xu hướng du lịch thịnh hành trên thế giới./.


Chùa Tây Phương, hay tên chữ “Sùng Phúc tự” là di tích thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật,
nằm trên địa phận xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây.
Là di tích quốc gia đặc biệt của thủ đô Hà Nội. Ảnh: Công Đạt



Làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội) có nghề làm nón lá có lịch sử hơn 300 năm.
Chiếc nón làng Chuông đã in đậm dấu ấn của người phụ nữ Việt Nam và "chu du" khắp chân trời, góc bể. Ảnh: Công Đạt


Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km về phía Đông Nam, nằm bên dòng sông Hồng, làng gốm Kim Lan
thuộc địa phận huyện Gia Lâm. Phía Bắc giáp với làng cổ Bát Tràng, phía Tây giáp với quận Hoàng Mai.
Theo các nhà khảo cổ học và tài liệu lịch sử, làng Kim Lan hình thành từ thế kỷ thứ IX, nghề gốm bắt đầu khởi phát
và phát triển qua nhiều thế hệ ở nơi đây. Kim Lan được biết tới như là cái nôi của nghề gốm sứ tại vùng Đồng bằng Bắc bộ.
Ảnh: Công Đạt


Du khách nước ngoài tham quan làng nghề gốm Kim Lan. Ảnh: Công Đạt


Làng lụa Vạn Phúc chính là phần cô đặc nhất của Làng lụa Hà Đông xưa, vốn rất nổi tiếng
và đã đi vào thơ ca nhạc họa như một nét đẹp văn hóa truyền thống. Đây là một trong những làng nghề lâu đời bậc nhất
Việt Nam, nằm bên bờ sông Nhuệ, thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Ảnh: Công Đạt

 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Công Đạt, Tư liệu Báo ảnh Việt Nam

Văn hóa dân gian qua sự sáng tạo của thế hệ gen Z

Văn hóa dân gian qua sự sáng tạo của thế hệ gen Z

Triển lãm “Dân gian trong gen Z” mang tới 39 tác phẩm từ các họa sĩ minh họa thuộc gen Z trên khắp cả nước do Tired City phối hợp với Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức đã mở ra nhiều nguồn cảm hứng cho đông đảo khán giả yêu nghệ thuật trên hành trình tìm hiểu về văn hóa truyền thống Việt Nam.

Top