Văn hóa

Di sản kiến trúc thời Lý qua công nghệ thực tế ảo

Khởi động từ năm 2019, đến nay trải nghiệm di sản kiến trúc thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo đã trở thành một hoạt động văn hóa được công chúng rất yêu thích. Đó cũng là một góc nhìn khám phá mới để mọi người hiểu và tự hào hơn về lịch sử kiến trúc của dân tộc Việt Nam theo dòng thời gian.
Kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam, Bảo Tàng Mỹ thuật Hà Nội và Sen Heritage đã hội tụ công chúng trong sự kiện “Trài nghiệm kiến trúc thời Lý qua công nghệ thực tế ảo (VR3D)”, điểm nhấn là tái hiện chùa Một Cột -Diên Hựu thông qua các hình thức như trưng bày tranh 3D, phim 3D, sản phẩm VR3D.

Hiện nay, trên thế giới công nghệ thực tế ảo là một xu thế phát triển được công chúng trẻ rất yêu thích. Việc áp dụng công nghệ này tại Việt Nam trong lĩnh vực tái hiện lịch sử văn hóa dân tộc đã mở ra một hoạt động mới, từ đó nhân lên tình yêu và niềm tự hào của người Việt về những kiến trúc cổ tinh hoa thời Lý vẫn được bảo tồn gìn giữ đến hôm nay. Đó cũng hướng đi mới của bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam trong cách quảng bá đến công chúng.

Từ việc xem ảnh trưng bày đến việc đeo một chiếc kính ảo vào, du khách dễ dàng trải nghiệm mọi cung bậc cảm xúc về không gian kiến trúc thời Lý từ xưa đến nay và có cảm giác như mình đang được chạm vào các hiện vật tinh hoa mà cha ông ta đã tạo dựng và công chúng như được du lịch trong không gian lịch sử đó. Hình ảnh của công trình văn hóa Chùa Một Cột- Diên Hựu được tái hiện sinh động, nhiều chiều từ những chi tiết nhỏ như: đầu rồng, lá đề, song long, hiến châu đến toàn cảnh từ trên xuống, từ dưới lên…một cách rõ ràng, sinh động khiến người xem ngỡ ngàng như mình đang hòa mình trong quần thể kiến trúc rộng lớn mà thấm đẫm chất lịch sử.



Các sinh viên Trường Đại học dân lập Phương Đông khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột – Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo.


Các vị khách nghe TS. Trần Trọng Dương người sáng lập SEN Heritage
giới thiệu về sản phẩm công nghệ thực tế ảo chùa Một Cột-  Diên Hựu và kiến trúc Một cột thời Lý.


Đến với phòng trưng bày, khách tham quan sẽ được giới thiệu sơ lược lịch sử liên quan đến di sản kiến trúc công trình chùa Diên Hựu thời Lý.


Kính thực tế ảo nhìn 3 chiều là phương tiện công nghệ dùng trong trưng bày.


Công nghệ giúp người xem có thể cảm nhận không gian mô phỏng chân thực, hấp dẫn hơn về một giả thiết kiến trúc chùa Một Cột – Diên Hựu thời Lý.


Sản phẩm công nghệ thực tế ảo chùa Một Cột- Diện Hựu trưng bày trong lần này là sản phẩm số hóa từ một giả thuyết về kiến trúc chùa Diên Hựu.
Đây là kết quả đúc kết từ 10 năm nghiên cứu và tổng hợp các giả thuyết của giới khoa học (khảo cổ học, mĩ thuật học lịch sử,
văn hiến học, biểu tượng Phật giáo…) trong vòng gần 50 năm trở lại đây của nhóm SEN Heritage.


Phần lớn mọi người không phân biệt tuổi tác đều thích thú với kiểu tiếp cận lịch sử thông qua công nghệ.


Ngoài công nghệ thực tế ảo, khách đến xem còn có lựa chọn khám phá lịch sử bằng những cách thức khác không kém phần hiện đại.


Không gian trưng bày cũng là nơi gặp gỡ của những người yêu sử, kiến trúc cùng khám phá, trao đổi những quan điểm của mình về lĩnh vực cùng quan tâm.


Góc trưng bày các hiện vật mô phỏng những nét đẹp văn hóa thời Lý.


Trang sức bạc với hoa văn họa tiết thời nhà Lý được tái hiện, trưng bày trong sự kiện.


Rất nhiều người yêu sử, kiến trúc quan tâm đến sự kiện văn hóa độc đáo này.

Chùa Một Cột trước kia gọi là Liên Hoa Đài ( Đài Hoa Sen), chùa có một điện thờ đặt trên một cột trụ duy nhất. Liên Hoa Đài là công trình nổi tiếng nhất nằm trong quần thể kiến trúc chùa Diên Hựu, có nghĩa là ngôi chùa "Phúc lành dài lâu". Chùa được được xây vào thời vua Lý Thái Tông  năm 1049 và hoàn thiện vào năm 1105 thời vua Lý Thánh Tông.

TS Trần Trọng Dương đại diện cho nhóm SEN Heritage (thực hiện dự án này) đã rất xúc động và chia sẻ, anh rất trân trọng và tự hào khi được chứng kiến công chúng Việt Nam có thể bước vào lịch sử, có thể đi dạo trong không gian lộng lẫy của nghệ thuật Phật giáo cung đình và đưa tay chạm vào hiện vật ngàn năm bằng công nghệ ảo. Từ đó người xem hiểu bàn tay tài hoa của cha ông thể hiện qua từng nét chạm nét khắc trên từng đường nét kiến trúc. Trẻ em, học sinh, sinh viên có thể đeo kính để học tập, dạo chơi, trong các di sản văn hóa.
Chùa Một Cột hiện nay là một sản phẩm phục dựng năm 1955, được thực hiện bởi Nguyễn Bá Lăng sau khi chùa bị đặt bom đánh sụp vào ngày 9-11-1954. Để xuyên không về văn hóa thời Lý, TS. Trần Trọng Dương (chủ trì khoa học của dự án), dựa trên sử liệu của văn bia Sùng Thiện Diên Linh (1121), đã tái lập bình đồ mandala (mạn đồ la) của chùa tháp Diên Hựu đồng tâm đa chiều, với tháp một cột ở trung tâm, được bao bọc bởi hai vòng ao, hai vòng sân, hai vòng hành lang giải vũ, và hệ thống các tháp lưu ly, các cầu bắc qua các ao. Toàn bộ bình đồ này đã mô phỏng đồ án mandala theo đúng kinh điển Phật giáo được ghi chép trong các bộ Hoa Nghiêm, Pháp hoa,Pháp giới an lập đồ, Hoa tạng truyện, Phật tổ thống kỷ.

Giả thuyết khoa học này được kiến trúc sư Đinh Anh Tuấn, nhà thiết kế Trần Thanh Tùng, cùng Nguyễn Duy, Lê Minh Quân, Lê Quang Huy, Nguyễn Huy Hoàng và nhiều cộng sự khác đã thực hiện số hóa. Kết quả của dự án bao gồm các sản phẩm sau: bản thiết kế kỹ thuật 3D các đơn nguyên kiến trúc trong chùa Diên Hựu, phim 3D, bản VR3D của mandala Diên Hựu, mô hình hình thái kiến trúc và cấu kiện kiến trúc của tháp một cột, các sản phẩm hiện thực hóa từ bản phỏng dựng để phục vụ du lịch, trưng bày bảo tàng,…

VR3D chùa Diên Hựu giúp người xem có thể ngược dòng thời gian 800 năm, để bước đi trong không gian chùa tháp hoàng gia thời Lý. Sản phẩm chính của dự án giúp các thế hệ người Việt của thế kỷ XXI có thể trải nghiệm những nét đẹp vàng son xưa cũ trong một không gian thực tế ảo với công nghệ VR và AR. Nếu như công nghệ VR có thể giúp người xem có thể dạo bước trong không gian cổ, thì công nghệ AR có thể đặt các kiến trúc cổ ra ngoài không gian thực tại.

Sản phẩm công nghệ thực tế ảo VR3D chùa Diên Hựu và kiến trúc Một cột thời Lý do nhóm SEN Heritage thực hiện trong 10 năm nghiên cứu và tổng hợp các giả thuyết của giới khoa học (khảo cổ học, mĩ thuật học lịch sử, văn hiến học, biểu tượng Phật giáo…)  được giới thiệu đến công chúng và được đón nhận tích cực. Đó cũng chính là tâm huyết của thế hệ trẻ hôm nay viết nên thông điệp: Tôn vinh bản sắc Việt - Tự hào truyền thống Việt./.

 
Bài: Bích Vân - Ảnh: Việt Cường

Văn hóa dân gian qua sự sáng tạo của thế hệ gen Z

Văn hóa dân gian qua sự sáng tạo của thế hệ gen Z

Triển lãm “Dân gian trong gen Z” mang tới 39 tác phẩm từ các họa sĩ minh họa thuộc gen Z trên khắp cả nước do Tired City phối hợp với Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức đã mở ra nhiều nguồn cảm hứng cho đông đảo khán giả yêu nghệ thuật trên hành trình tìm hiểu về văn hóa truyền thống Việt Nam.

Top