Chân dung

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Khúc quân hành xuyên thế kỷ

(BAVN Online) LTS.nbsp;Vậy lànbsp;đã tròn 10 năm kể từ ngày bài báo “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Khúc quân hành xuyên thế kỷ” của NSND Đào Trọng Khánh viết riêng cho Báo ảnh Việt Nam nhân dịp mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 90 tuổi vào năm 2001. Năm 2010 này Đại tướng bước sang tuổi 100, và cũng là dịp cả nước đang sôi nổi các hoạt động hướng tới Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nhân dịp này, một lần nữa, Báo ảnh Việt Nam xin được trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài báo đầy tâm huyết mà NSND Đào Trọng Khánh đã viết về vị tướng tài của dân tộc – Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

(BAVN Online) LTS. Vậy là đã tròn 10 năm kể từ ngày bài báo “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Khúc quân hành xuyên thế kỷ” của NSND Đào Trọng Khánh viết riêng cho Báo ảnh Việt Nam nhân dịp mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 90 tuổi vào năm 2001. Năm 2010 này Đại tướng bước sang tuổi 100, và cũng là dịp cả nước đang sôi nổi các hoạt động hướng tới Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nhân dịp này, một lần nữa, Báo ảnh Việt Nam xin được trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài báo đầy tâm huyết mà NSND Đào Trọng Khánh đã viết về vị tướng tài của dân tộc – Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vi tướng lừng danh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Trần Định)


Đại tướng trong ngày vui trở lại thăm chiến khu xưa. (Ảnh: Trọng Thanh)


Ngày 6/4/1994, Đại tướng trở lại thăm căn hầm của viên tướng Pháp bại trận De Castries ở
Điện Biên Phủ. (Ảnh: Trọng Thanh)


Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Hồ Chủ Tịch trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)


Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu
kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điên Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)


Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa Điện Biên Phủ lần cuối trước khi quân ta nổ súng.
(Ảnh: Tư liệu TTXVN)


Ban Biên tập Báo ảnh Việt Nam báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp kế hoạch ra số báo đặc biệt chào mừng Kỉ niệm 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tháng 5/2009).


Ban Biên tập và các cán bộ, phóng viên Báo ảnh Việt Nam chụp ảnh kỉ niệm với
gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngày 27/04/2009.


Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề tặng Báo ảnh Việt Nam nhân dịp Kỉ niệm 55 năm
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Một ngày đầu năm 2001, ông nói vui với chúng tôi: “Mình là một người lữ hành xuyên thế kỷ!”.

Ông sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911 – năm Tân Hợi – năm mà cuộc cách mạng Tân Hợi ở Trung Hoa bùng nổ.

Quê ông ở làng An Xá, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Từ một đứa trẻ nghèo ở vùng quê “gió Lào, cát trắng”, đi học rồi lớn lên đi làm cách mạng, ông đã trở thành một tướng lĩnh kiệt xuất của Cách mạng Việt Nam . Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, gắn liền với lịch sử xây dựng, trưởng thành và phát triển của lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông là học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là bạn chiến đấu thân thiết của những lãnh tụ Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Ông nhớ nhiều đến cố đô Huế, nơi ông từng là học trò xuất sắc của trường Quốc học, nơi ông có những người bạn chí thiết sau này là những nhà hoạt động cách mạng xuất sắc như Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Nguyễn Khoa Văn.

Năm 1924, nhà chí sĩ Phan Bội Châu bị chính quyền thực dân phong kiến bắt giam và đưa về an trí ở Huế. Ông thường cùng bạn bè lui tới căn nhà của cụ nghe những lời tâm huyết, đọc những cuốn sách quý trong tủ sách của cụ Phan. Ông ham đọc và hiểu sâu sắc những điều trong sách. Cụ Phan quý ông, có lần nói: “Khi qua đời, ta sẽ để lại tủ sách này cho Giáp”.

Bị đuổi học vì tham gia vụ bãi khóa tháng 4 năm 1927 ở trường Quốc học, ông tự học, viết báo “Tiếng Dân” của nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng rồi gia nhập Đảng Tân Việt. Năm 1930, ông bị bắt và kết án, đưa về quê quản thúc.

Nghe kể lại: “Một ngày vào mùa mưa bão, nước sông Kiến Giang lên to, ngập cả vào gần nhà, dân làng thấy bạn thân của ông, nhà cách mạng Nguyễn Chí Diểu đi một chiếc thuyền nhỏ vào đón ông. Đó là ngày ông bắt đầu bước chân vào cuộc đời cách mạng”.

Ông ra Hà Nội, tự học tự làm, đỗ thủ khoa trong kỳ thi tổng hợp học sinh giỏi toàn Đông Dương, lần lượt lấy bằng tú tài triết học, rồi bằng cử nhân luật với luận án xuất sắc.

Ông vừa dạy học, vừa làm báo, vừa hoạt động cách mạng. Hết giờ dạy ở trường Thăng Long, ông viết cho các báo “Lao động, Tin tức”, “Tiếng nói của chúng ta”, cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Trong thời gian này ông Trường Chinh cùng với ông viết cuốn “Vấn đề dân cày” dưới hai bút danh Qua Ninh và Vân Đình. Trong phong trào Đông Dương đại hội, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ.

Một buổi chiều, trên đường Cổ Ngư, Bí thư Trung ương lâm thời Hoàng Văn Thụ giao nhiệm vụ cho ông cùng với ông Phạm Văn Đồng sang Côn Minh (Trung Quốc) gặp lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài. Bên bờ Thúy Hồ thơ mộng, các ông gặp một người đứng tuổi, giản dị trong bộ quần áo Tôn Trung Sơn màu xám. Đó là Nguyễn Ái Quốc, người của Quốc tế cộng sản, là Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này.

Cuộc hội ngộ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời cách mạng của ông. Ông không bao giờ quên lời dặn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Mihh: “Làm cách mạng phải dĩ công vô thượng - việc công trên hết!”.

Suốt cuộc đời làm tướng, cầm quân đánh giặc, ông đã sống và làm việc theo lời dặn ân cần của Bác Hồ - Người ông vô cùng yêu mến và kính trọng.

Tháng 5 năm 1941, tại rừng Pác Bó thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa 1 dưới sự chủ trì lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã quyết định thành lập Việt Nam Độc lập đồng minh hội, gọi tắt là Việt Minh. Võ Nguyễn Giáp được cử phụ trách Ủy ban Quân sự Tổng bộ Việt Minh, xây dựng các lực lượng vũ trang chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Bước ngoặt quan trọng đưa ông trở thành vị tướng lãnh đạo quân đội nhân dân đó là sự kiện ra đời Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Tháng 12-1944, ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trao nhiệm vụ thành lập tổ chức này. Sau ít ngày chuẩn bị, ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo ở châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, được sự ủy nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay.

Dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông, chỉ sau hai ngày làm lễ thành lập, đội quân non trẻ đã đánh thắng hai trận đầu tiên ở Phay Khắt và Nà Ngần thuộc Cao Bằng.

Võ Nguyên Giáp được cử làm Ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, Tổng chỉ huy các đội Việt Nam Giải phóng quân và là Ủy viên Ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng Việt Bắc, Quốc dân Đại hội Tân Trào bầu ông vào Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam. Thay mặt Ủy ban Quân sự, Võ Nguyên Giáp đã ký mệnh lệnh tổng khởi nghĩa. Ngay chiều 16-8-1945 bế mạc đại hội, dưới bóng cây đa cổ thụ Tân Trào, một đơn vị giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy đã làm lễ xuất quân tiến về đánh Nhật ở thị xã Thái Nguyên. “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” - lời Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc lâm bệnh nặng đã dặn riêng Võ Nguyên Giáp ở lán Nà Lừa trước khi họp Quốc dân đại hội, vừa là tình cảm thiêng liêng vừa là mệnh lệnh thôi thúc vị tổng chỉ huy quân đội trên đường hành quân tiến về Hà Nội.

Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công. Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Võ Nguyên Giáp giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ.

Quân Pháp núp bóng quân Anh nổ súng tái xâm lược Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh với phái đoàn Pháp nhằm bảo đảm hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ, ông dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Trù bị ở Đà Lạt. Ông đã phát biểu trước phái đoàn Pháp những lời như sau: “Các chiến sĩ Việt Nam đã trải qua rất nhiều khó khăn trong cuộc chiến đấu giành tự do cho Tổ quốc, chỉ có thể chấp nhận hòa bình trong công bằng và danh dự… Nhân danh một dân tộc đã có hàng ngàn năm tôi luyện trong lao động và đấu tranh, tôi khẳng định với các ông rằng: Ngày nào Nam Bộ còn bị tách khỏi Việt Nam thì ngày ấy mỗi người dân Việt Nam còn không ngừng dốc hết nghị lực của mình vào cuộc đấu tranh để đưa Nam Bộ trở về trong lòng Tổ quốc. Nếu tiếng nói của chúng tôi không được đáp lại, bản Hiệp định không được tôn trọng thì chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra trong tương lai… Lịch sử sẽ chứng minh lời nói của chúng tôi là đúng…”.

Và lịch sử đã chứng minh những lời nói của ông.

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Ông được cử làm Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông ra lệnh mở đầu cuộc tổng giao chiến trên tất cả các thành phố, thị trấn có quân xâm lược, đánh địch ở khắp nơi. Trận đánh 60 ngày đêm trong lòng Thủ đô Hà Nội là một trong những trận đánh hào hùng nhất mở đầu cho cuộc kháng chiến thần thánh 9 năm của dân tộc.

Ngày 2 tháng 1 năm 1948, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm Đạinbsp; tướng.

Những năm đầu kháng chiến, ông đã sáng tạo một phương thức chiến đấu phù hợp để vừa tiêu diệt địch, vừa xây dựng lực lượng, triệt để dùng du kích vận động chiến, đánh vận động với lực lượng chủ lực nhỏ. Từ thực tiễn chiến tranh, ông đã tìm ra cách đánh duy nhất tránh cho một đội quân non trẻ không bị một kẻ thù có sức mạnh áp đảo tiêu diệt.

Suốt 9 năm kháng chiến, quân đội Nhân dân Việt Nam lớn mạnh không ngừng, đánh bại chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính, tổ chức những chiến dịch tiến công và phản công với quy mô ngày càng lớn, dẫn tới chiến thắng Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đặt một “cái mốc chói lọi bằng vàng”, đại phá thành trì của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.

Trong kháng chiến 9 năm, dấu ấn của ông đặc biệt nổi bật ở hai quyết định lớn có ý nghĩa sống còn. Đó là quyết định thay đổi mục tiêu tiến công từ Cao Bằng xuống Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới (1950), và quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông thường nói: “Đây là một quyết định khó khăn nhất trong cả cuộc đời cầm quân đánh giặc của tôi!”.

Trong cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước, với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông đã góp phần chỉ đạo xây dựng quân đội tiến lên chính quy hiện đại, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam và đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ.

Mùa xuân năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, Chính quyền Ngụy hoàn toàn sụp đổ, buộc phải đầu hàng vô điều kiện trước thế tấn công thần tốc vũ bão của đội quân cách mạng. Từ Sài Gòn, tin chiến thắng báo về Tổng hành dinh ở Thủ đô Hà Nội. Vị tướng già của hai cuộc chiến tranh giải phóng bồi hồi nhớ lại: “Tất cả mọi người nhảy lên, reo lên, ôm hôn nhau… một cảnh tượng vui mừng không gì tả được. Các đồng chí trong Bộ Tổng tham mưu ôm chầm lấy chúng tôi và tất cả các chiến sĩ có mặt. Tất cả đều nghẹn ngào. Có người đã khóc. Đây là giây phút của cả một đời - Cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ đã kết thúc!”.

Ngoài tài năng của một vị tướng lỗi lạc, ông còn là một nhà khoa học, một nhà giáo dục tâm huyết. Năm 1978, là Phó Thủ tướng Chính phủ, ông chuyên tâm chỉ đạo công tác khoa học, giáo dục. Cuốn sách “Mấy vấn đề về khoa học giáo dục” của ông là một tác phẩm có giá trị lớn về tư tưởng trong thời kỳ mới.

Tiếp thu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, ông cùng toàn quân và toàn dân làm nên những võ công lừng lẫy. Khi không còn đảm nhiệm các chức vụ của Đảng và Nhà nước, ông dành tâm lực và thời gian nghiên cứu, chủ biên công trình khoa học: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam” - một công trình lý luận rất sâu sắc.

Ông là tác giả của những cuốn sách nổi tiếng về quân sự như “Chiến tranh nhân dân, Quân đội nhân dân”, “Chiến tranh giải phóng dân tộc vànbsp; Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc” cùng với nhiều cuốn sách khác bao gồm hơn 70 tác phẩm. Nhiều cuốn có tiếng vang lớn, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Đặc biệt là những cuốn hồi ức của ông về chiến tranh. Ông thực sự là một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam thế kỷ XX.

Nhắc đến sức mạnh Việt Nam đã đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, ông nói:

“Nhờ vào sức mạnh của nền văn hóa truyền thống, người Việt Nam đã biết kết hợp tinh thần quyết chiến giữ nước với tài thao lược sáng tạo, xây dựng nên một học thuyết quân sự độc đáo, học thuyết quân sự Việt Nam”.

Ông thường nhắc tới một cuốn hồi kýnbsp; của ông về sự ra đời và trưởng thành của lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam, đó là cuốn “Từ nhân dân mà ra”. Ông chính là vị tướng của nhân dân, từ nhân dân mà trưởng thành, làm nên sự nghiệp.

Suốt một cuộc đời gắn bó với quân đội, ông vẫn giữ cho mình một tâm hồn trong sáng, thơ mộng, tràn đầy tình yêu thương con người. Ông yêu thơ và nhạc, yêu những bản hành khúc hào hùng của dân tộc trong suốt cuộc trường chinh chiến đấu vì độc lập tự do. Cuộc đời ông là một khúc quân hành tuyệt đẹp – Khúc quân hành xuyên thế kỷ, vang vọng mãi trong những bước đi lên của các thế hệ kế tục, vang vọng mãi với thời gian./.

Bài: NSND Đào Trọng Khánh - Ảnh: Trọng Thanh, Trần Định & TL TTXVN

Bài: NSND Đào Trọng Khánh - Ảnh: Trọng Thanh, Trần Định TL TTXVN

Nữ cầu thủ Luka Modric của bóng đá Việt Nam

“Nữ cầu thủ Luka Modric” của bóng đá Việt Nam

Nhận giải thưởng Quả bóng vàng 2024 khi đã 37 tuổi, Trần Thị Thùy Trang là cầu thủ duy nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam thành công trọn vẹn trên cả hai đấu trường bóng đá football và futsal. Với những kỳ tích trong sự nghiệp, Thùy Trang được người hâm mộ gọi bằng biệt danh “người không phổi” hay“nữ cầu thủ Luka Modric” của bóng đá Việt Nam.

Top