Thể thao

Đặc dị binh khí “bán nguyệt”

Môn phái Nam Tông ở thành phố Hồ Chí Minh được biết đến là môn phái sở hữu rất nhiều bài võ, bài binh khí độc đáo, hiếm gặp. Trong đó, đặc dị nhất có thể kể đến món binh khí bán nguyệt, do cố võ sư chưởng môn Tám Kiển học được từ một vị ân sư người Hoa.
Bán nguyệt có cấu tạo như một cây thương (chiều dài khoảng 165cm – 170cm), thân gỗ nhưng phần chóp đầu làm bằng kim loại hình mặt trăng khuyết (bán nguyệt) hay còn giống hình cái lưỡi liềm, thường được mài bén hai cạnh trong – ngoài nhằm tạo nên độ sát thương cao. Cây bán nguyệt của môn phái Nam Tông do cố võ sư Tám Kiển đặt thợ làm bằng gỗ quý, lưỡi bằng sắt nung, cầm rất đầm tay, đến nay đã có tuổi thọ trên 50 năm.
    


Bán nguyệt có thân bằng gỗ, phần chóp đầu làm bằng kim loại có cấu tạo giống hình mặt trăng khuyết (bán nguyệt).


Thế “Phi thân giáng địa” – đánh bổ từ trên xuống.


Võ sư Quan Vân Triều, cao đồ môn phái Nam Tông, thể hiện bài Bán nguyệt.


Một thế đỡ với bộ tấn tẩu mã trong bài Bán nguyệt.


Một thế đâm tới phía trước với cây bán nguyệt.


Thế “Lý ngư vượt thủy” – dùng cây bán nguyệt đánh thốc từ dưới lên trên.


Tấn pháp công thành trong bài Bán nguyệt, đánh bạt sau lưng đối thủ.


Thế “phục hổ” đánh sóc từ dưới lên trong bài Bán nguyệt.

Được biết, hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ có duy nhất môn phái Nam Tông có món bài võ Bán nguyệt gắn với tên gọi của binh khí này. Đây là bài võ cao cấp, chỉ dành cho các huấn luyện viên, các võ sư cao cấp, có sẵn tố chất mới được tập luyện. Hơn nữa, bài võ chỉ được luyện tập và truyền dạy cho các môn sinh trong môn phái.
    
Dựa vào cấu tạo đặc biệt của cây bán nguyệt mà các chiêu thức trong bài võ này gồm cả tấn công hay phòng thủ đều tận dụng hầu hết các bộ phận của binh khí này. Người cầm cây bán nguyệt bằng hai tay có thể dùng để đâm, đập, tung người từ trên cao đập xuống, tạt tầm trung hoặc sóc từ dưới lên, lưỡi bán nguyệt nhắm vào cổ, yết hầu của đối phương mà tấn công. Khi bị tấn công, bán nguyệt dùng để gạt, che đỡ, phòng thủ trên - dưới, toàn thân rất hiệu quả. Lưỡi bán nguyệt có thể dùng để hứng binh khí tấn công từ trên xuống, đồng thời gạt chuyển hướng để hóa giải lực tấn công của đối thủ. Dùng cây bán nguyệt trong tay có thể sòng phẳng đối kháng với các loại binh khí khác như: song kiếm, thương, đao, côn… tuy nhiên còn phải tùy vào khả năng của người sử dụng.
    
Hiện trong môn phái chỉ có võ sư Quan Vân Triều, cao đồ của võ phái Nam Tông, võ sư cao cấp 7 đẳng thuộc Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam là thể hiện được thuần thục bài võ này mà chưa có người thứ hai. Võ sư Quan Vân Triều theo học võ với thầy Tám Kiển từ năm 15 tuổi, ông được thầy truyền thụ hầu hết các bài võ của bổn phái cũng như luyện tập và sử dụng thuần thục được nhiều món binh khí đặc trưng của võ phái Nam Tông. Vị võ sư dù đã 68 tuổi nhưng mỗi khi thi triển bài Bán nguyệt đều toát lên được thần thái dũng mãnh, qua những đường binh khí lúc dứt khoát, nhanh nhẹn, gọn gàng, lúc biến hóa phòng thủ mềm mại kín kẽ, ẩn chứa nguyên lý nhu – cương để hóa giải đối phương, vốn là đặc trưng của môn phái Nam Tông.
    
Võ sư Quan Vân Triều cho biết sẽ truyền thụ lại bài binh khí này cho người học trò cưng – võ sinh Dương Quốc Cường, người mà trước đó đã thuần thục được binh khí song thiết, binh khí đặc trưng nhất của võ phái Nam Tông./.



Dùng cây bán nguyệt trong tay có thể sòng phẳng đối kháng với các loại binh khí như: song kiếm, thương, đao, côn…


Dùng bán nguyệt để đỡ và phá thế đâm tới của cây thương.


Bán nguyệt đấu với thanh long đao.


Một thế chặn, đỡ binh khí của bán nguyệt đối với đao.

 
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Thông Hải


Top