Phóng sự chuyên đề

Đà Lạt - “vương quốc” rau và hoa

Vào những năm 30 của thế kỷ trước, nhiều nông dân Hà Nội di cư vào Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã đem theo nghề trồng rau, hoa vào gây dựng trên mảnh đất cao nguyên đầy nắng và gió này. Giờ đây, bằng kinh nghiệm truyền thống kết hợp với trình độ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, con cháu của họ đã kế thừa và phát triển nghề của cha ông lên một tầm cao mới, biến Đà Lạt thành “vương quốc” rau và hoa của cả nước với nhiều sản phẩm nổi tiếng trên thị trường quốc tế.
Đột phá bằng công nghệ

Việc thành lập làng hoa truyền thống Hà Đông vào năm 1938, rồi sau đó lần lượt là các làng hoa Thái Phiên, Vạn Thành ra đời với tổng diện tích khoảng 240ha đã đánh dấu sự hình thành những làng nghề trồng hoa truyền thống chuyên canh ở Đà Lạt. Và cũng từ đấy, xứ sở sương mù vốn nổi tiếng là chốn ăn chơi, nghỉ dưỡng của tầng lớp quý tộc và quan chức thuộc địa Pháp ở xứ Đông Dương này bắt đầu nổi danh với nghề trồng hoa.

Đến giai đoạn 1990, nghề trồng hoa ở Đà Lạt bắt đầu phát triển mạnh nhờ các chủ trang trại hoa biết cách áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, việc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Agrivina (Dalat Hasfarm) ra đời vào năm 1994 đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong nghề trồng hoa ở Đà Lạt bằng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.



Vườn xà lách với nhiều giống ngoại nhập được trồng theo phương pháp thủy canh.



Rau xà lách trồng theo phương pháp thủy canh tại trang trại Kim Bằng (phường 7, Tp. Đà Lạt).



Trồng hoa theo phương pháp ứng dụng công nghệ cao cho năng suất tăng gấp đôi,
gấp ba so với cách trồng thường, thời gian canh tác lại ngắn hơn.



Các trang trại trồng rau và hoa ở Đà Lạt ứng dụng kỹ thuật chiếu sáng ban đêm để thúc đẩy quá trình sinh trưởng của cây.


Hệ thống tưới phun nước tự động được áp dụng vào các trang trại trồng rau tại Đà Lạt. 



Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 50 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, sản xuất được khoảng 30 triệu cây giống gốc nuôi cấy mô (invitro)
phục vụ cho sản xuất tại địa phương và các vùng có cùng điều kiện khí hậu. 



Cây trồng được sản xuất bằng phương pháp cấy mô cho năng suất và chất lượng cao hơn hẳn.


Các chuyên gia đến từ Nhật Bản tiến hành khảo sát, ứng dụng thử nghiệm các thiết bị kỹ thuật
vào sản xuất rau và hoa công nghệ cao tại Đà Lạt.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, năm 2010 toàn tỉnh mới chỉ có 9.800 ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thì đến năm 2015 đã tăng lên 43.084ha. Sản lượng hoa cắt cành năm 2001 ở mức 150 triệu cành, đến năm 2009 tăng lên trên 900 triệu cành, năm 2011 tăng lên 1,5 tỷ cành, và năm 2013 đã tăng lên 2,1 tỷ cành. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha tăng từ 76 triệu đồng năm 2010 lên 130 triệu đồng vào năm 2014 và khoảng 135 triệu đồng vào năm 2015. Năm 2015, Đà Lạt xuất khẩu được 250 triệu cành hoa, thu về hơn 26 triệu USD.
Dalat Hasfarm khởi đầu với 2 ha trang trại trồng hoa hồng và cẩm chướng bằng công nghệ khép kín hiện đại với hệ thống nhà kính, nhà lưới và tưới phun tự động được nhập khẩu từ Israel và Hà Lan. Cũng bằng công nghệ hiện đại, doanh nghiệp này đã trồng thành công nhiều giống hoa cúc khác nhau và cho ra hoa đúng vào các dịp lễ, Tết nên giá thành bán ra thị trường cao hơn hẳn so với cách làm truyền thống. Ngoài ứng dụng công nghệ hiện đại, Dalat Hasfarm còn tăng cường mở rộng hợp tác với các trang trại vệ tinh trong vùng để vừa tạo đầu ra ổn định cho người nông dân, vừa mở rộng và xây dựng thương hiệu cho hoa Đà Lạt… Chính cách làm này đã kích thích các nhà trồng hoa theo lối truyền thống ở Đà Lạt chuyển dần sang phương pháp trồng hoa hiện đại.

Ông Võ Văn Cơ, một nông dân trồng hoa ở làng hoa Thái Phiên, người có thâm niên hơn 30 năm trong nghề cho biết: “Tôi cùng gia đình từ Huế vào Đà Lạt làm nghề trồng hoa theo phương pháp truyền thống từ năm 1981. Đến năm 2000, tôi cùng một số hộ khác ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa, nhờ đó mà năng suất tăng gấp đôi, gấp ba, thời gian canh tác lại ngắn hơn, công sức cũng đỡ vất vả hơn trước rất nhiều.”.

Phương pháp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh tế nhưng vốn đầu tư ban đầu thường lớn hơn so với cách làm truyền thống. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng và chính quyền Tp. Đà Lạt đã có nhiều biện pháp hỗ trợ thiết thực cho người trồng hoa. Trong đó, chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn (2011 - 2015) với chính sách hỗ trợ sản xuất thử nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, miễn thuế, giảm thuế, hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp... đã thúc đẩy nông dân tham gia sản xuất theo hướng mới. Ngoài ra, Tp. Đà Lạt còn quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung và xây dựng thành các vùng sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao ra các khu vực ngoại thành để tạo sự thuận lợi cho việc sản xuất lâu bền.

Đáng chú ý, ngay từ năm 1978, Đà Lạt đã sớm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây - Rau và Hoa, giúp cho địa phương này sớm có cơ sở chuyên nghiên cứu và thực hiện các giải pháp nông nghiệp công nghệ cao như nuôi cấy mô, lai tạo giống mới, khảo nghiệm về các giống cây trồng tại địa phương và triển khai việc hợp tác sản xuất trong nước, quốc tế. Bên cạnh Trung tâm này, Đà Lạt còn có Công ty Rừng hoa Đà Lạt, đây là hai trong số những “ngân hàng cây giống” của địa phương, góp phần quan trọng vào việc chuyển giao công nghệ, cung cấp nhiều giống mới, giống sạch có năng suất cao cho nông dân, doanh nghiệp trong vùng và các tỉnh thành có điều kiện khí hậu tương tự như ở Đà Lạt – Lâm Đồng.

Những năm gần đây, Đà Lạt xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân hoặc có vốn đầu tư nước ngoài như: Kim Bằng, Bio-Organics, An Phu Lacue… Các doanh nghiệp này với lợi thế công nghệ hiện đại, nguồn vốn lớn đã góp phần hình thành nên những trang trại trồng rau, hoa quy mô và hiện đại ở Đà Lạt.

Rau, hoa Đà Lạt vươn ra thị trường thế giới

Nếu như Lâm Đồng là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi đầu của cả nước, thì Tp. Đà Lạt chính là “đầu tàu” đóng góp lớn nhất cho vùng chuyên canh này. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả rất lớn. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lớn gấp 2 lần giá trị sản xuất truyền thống trên cùng một đơn vị sản xuất, trong đó rau chất lượng cao đạt 450 – 500 triệu đồng/ha, hoa chất lượng cao đạt 800 – 1.200 triệu đồng/ha, đưa Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung trở thành địa chỉ cung ứng sản phẩm rau, hoa hàng đầu cả nước.

Những năm qua, thương hiệu hoa Đà Lạt đã tạo dựng được sự đa dạng về chủng loại với hàng ngàn giống hoa bản địa và nhập ngoại. Hoa Đà Lạt đã từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế khi có thể cạnh tranh sòng phẳng với các thị trường mạnh trên thế giới.

Trong dịp Tết Bính Thân 2016 vừa qua, nếu như thị trường phía Bắc thiếu hụt rau trầm trọng do thời tiết thất thường thì Đà Lạt vẫn cung cấp ổn định khoảng 150 tấn mỗi ngày ra miền Bắc, góp phần ổn định nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tháng cao điểm. Sản phẩm rau của Đà Lạt – Lâm Đồng rất đa dạng với nhiều loại rau tươi nổi tiếng như: xà lách, cải xoong, bó xôi, bắp cải, súp lơ, khoai tây, cà rốt, ớt ngọt (ớt chuông), hành tây...



Thu hoạch hoa trồng theo phương pháp ứng dụng công nghệ cao tại Công ty Dalat Hasfam. 


Xử lý hoa ly cắt cành tại Dalat Hasfam.


Dây chuyền tuyển chọn hoa hồng cắt cành xuất khẩu.


Đóng gói hoa tươi tại Dalat Hasfam.


Đóng gói rau sạch sau khi vô trùng và quạt ráo nước tại Dalat Hasfam. 


Kho bảo quản rau sạch trước khi phân phối của Dalat Hasfam. 


Sự đa dạng, phong phú về chủng loại hoa của Đà Lạt đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng. 


Thương mại điện tử cũng là hướng giúp quảng bá và bán hàng tại các doanh nghiệp đầu tư sản xuất rau hoa ở Lâm đồng.

Năm 2015, với hơn 100 ha trồng hoa cúc, hồng, cẩm chướng, lyly… Dalat Hasfam đã cung cấp ra thị trường 140 triệu hoa cắt cành, 2 triệu hoa chậu, đạt tỉ trọng 50% thị trường nội địa, 50% xuất khẩu, vươn lên trở thành đơn vị dẫn đầu của địa phương về xuất khẩu hoa tươi với 12 thị trường thường xuyên trên thế giới như: Nhật, Đài Loan, Úc, Malaysia, Singapore…

(Ông Hồ Đức Trung, Giám đốc kinh doanh Dalat Hasfam)
Hiện nay, rau Đà Lạt được tiêu thụ ở hầu hết các địa phương trong cả nước, và một phần lớn được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia…

Rau Đà Lạt được sản xuất theo phương pháp rau an toàn và được công nhận tiêu chuẩn GAP. Ngoài ra, nhiều đơn vị sản xuất đã có công nghệ và quy trình bảo quản hiện đại ngay từ khi thu hoạch, sơ chế cho đến tay người tiêu dùng, giúp sản phẩm luôn tươi ngon, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.

Các đơn vị chuyên sản xuất rau như Công ty Kim Bằng, HTX Anh Đào, HTX Tân Tiến… ngoài việc cung cấp rau trực tiếp cho các nhà hàng lớn trên cả nước theo đơn đặt hàng còn mở thêm mạng lưới phân phối bán lẻ ở các địa phương để cung cấp sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế phát triển du lịch của địa phương, ngoài việc sản xuất cung ứng sản phẩm, nhiều trang trại trồng rau, hoa ở Đà Lạt còn phát triển thêm loại hình du lịch nông nghiệp bằng cách xây dựng những mô hình trang trại trồng hoa, rau tuyệt đẹp để đón khách đến tham quan, qua đó vừa thu được lợi nhuận vừa tăng cường quảng bá cho nghề trồng rau, hoa của mình.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 11 dự án do các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất rau, hoa. Một số doanh nghiệp như Công ty Lacue International, Công ty Capital (Japan), Tổ chức Jica (Nhật Bản)… đã có những đóng góp nhất định trong việc phát triển ngành nông nghiệp của địa phương thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác sản xuất.


Trong tầm nhìn dài hạn, Đà Lạt được xác định là vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao của cả nước, đưa Đà Lạt trở thành “vương quốc” rau và hoa của Việt Nam với nhiều sản phẩm mang đẳng cấp quốc tế./.














Hiện nay, rau và hoa Đà Lạt được tiêu thụ ở hầu hết các địa phương trong cả nước,
một phần lớn được xuất khẩu sang thị trường các nước như: Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia… 

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân

Dấu ấn Việt Nam trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Dấu ấn Việt Nam trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Trong hành trình 10 năm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn lan tỏa đến bạn bè quốc tế hình ảnh về người chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam trách nhiệm, thân thiện, nhân văn và yêu chuộng hòa bình.

Top