Chân dung

Cuộc sống đường phố qua ống kính NSNA Trần Thế Phong

Lớn lên xuất thân từ đứa trẻ đường phố, Nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA)Trần Thế Phong không thể quên tháng ngày lăn lóc bên đời kiếm chén cơm manh áo. Thế nên, khi đã trở thành một nhiếp ảnh gia vang danh, Trần thế Phong vẫn đau đáu hình ảnh những đứa trẻ bán báo, bán vé số, đánh giày, những mảnh đời cơ cực mưu sinh đường phố.
NSNA Trần Thế Phong sinh năm 1969 trong một khu ổ chuột quận 4, TP.HCM.  Anh sớm chịu cảnh thiếu tình yêu thương gia đình khi cha mẹ ly hôn từ năm lên 3. Năm lên 6, anh phải sống nhờ nhà người cô và lao vào đời kiếm sống. Để kiếm sống, anh làm nhiều nghề, nghề nào cũng làm miễn sao lương thiện. Lúc nhỏ, anh đi bán dạo, bán khoai lang, bắp rang, vé số, đánh giày,… Lúc lớn hơn một chút, anh đi bán vé xem phim, bóng đá kiểu chợ đen, đi làm phục vụ bàn, nhà hàng, quán nước,…

Sống trong cảnh vật vã mưu sinh, Trần Thế Phong bắt đầu đắn đo về những ngày sau của cuộc đời mình. Gom góp chút tiền từ tháng năm cơ cực, anh quyết định mở quán nước nhỏ. Chưa được bao lâu, vì thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn, niềm tin kinh doanh của anh tan vỡ. Cuối cùng, anh quyết định mạo hiểm nhưng sau này sẽ thay đổi cuộc đời mình: “mua máy ảnh”.
  


Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong đang tác nghiệp tại  đường phố Sài Gòn. Ảnh: Thông Hải


Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong chia sẻ những chuyến tác nghiệp với bạn bè trong triển lãm “Cười”. Ảnh: Thông Hải

NSNA Trần Thế Phong kể “Ngay khi còn đang bán báo dạo, tôi đã thấy nhiều đứa trẻ khác được chụp ảnh cùng bố mẹ. Thấy người ta có gia đình, tôi cũng chạnh lòng nhưng tôi cũng thấy rất xúc động và phát hiện ra rằng hình ảnh có tác động rất lớn đến xã hội. Từ đó, tôi có ý định làm thợ chụp ảnh và định hướng sẽ đi chụp ảnh đời thường”.
Tính cả tập sách và triển lãm ảnh “Cười”, đến nay nhiếp ảnh gia Thế Phong đã tổ chức 16 triễn lãm và ra mắt 10 cuốn sách ảnh.
 


Anh sống bằng nghề ảnh hơn 30 năm nhưng đến với ảnh nghệ thuật và báo chí là 20 năm. Năm 1998, NSNA Trần Thế Phong bắt đầu con đường nhiếp ảnh với tư cách một phóng viên ảnh tự do. Sự kiện khánh thành Cầu Mỹ Thuận thu hút nhiều nhà nhiếp ảnh có tiếng. Anh cũng tham gia và may mắn thành công được hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh TP.HCM trao Huy chương Vàng, hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam trao Huy chương Bạc.

Tuy nhiên, sau thành công đó, NSNA Trần Thế Phong không theo mảng phong cảnh, tĩnh vật,.. mà quyết định theo mảng đời thường. Đặc biệt, anh hướng đến hình ảnh đời thường của những đứa trẻ đường phố.
Tôi đặc biệt thích và đầy cảm xúc với hình ảnh những đứa trẻ đường phố, tôi tìm thấy mình, tìm thấy cuộc đời mình trong chúng. Thế nên, mỗi khi tôi bắt gặp những hình ảnh ấy, trong tôi lại rạo rực cảm xúc và hăm hở ghi lại. Nhưng những đứa trẻ trong ảnh của tôi dù có chật vật, dù lay lắt nhưng lúc nào cũng cười. Những cái cười của sự vươn lên, sự tự tin vào tương lai tươi sáng chứ không uỷ mị, ảm đạm

 

  
Anh cho biết việc săn tìm nụ cười cũng tựa như một hành trình mà ai trong chúng ta cũng đang dấn bước, để tìm kiếm những niềm vui, khoảnh khăc hạnh phúc trong cuộc sống của chính mình.

Đó là nụ cười của những con người hết sức bình thường mà anh đã thấy, đã gặp. Những nụ cười ấy xuất phát từ cảm xúc khác nhau của các nhân vật, tuy nhiên đều chuyển tải được một tinh thần lạc quan – nội tâm trong sáng và niềm hạnh phúc bình dị.
  
Mỗi khi “bắt” được một nụ cười trong ống kính của mình cũng là khoảnh khắc NSNA Trần Thế Phong hạnh phúc với niềm đam mê, hạnh phúc và năng lượng lan toả từ nụ cười của nhân vật.
  
Anh khẳng định: "Tôi luôn quan niệm cái đẹp nằm trong đời thường và nó mang hơi thở cuộc sống xã hội đương đại. Vì vậy, tôi chụp nhiều bức ảnh nghệ thuật đậm tính báo chí hơn những bức ảnh nghệ thuật thiên về trừu tượng. Những người lao động nghèo, cuộc sống của họ thật thầm lặng, nhọc nhằn, ít ai quan tâm nhưng nó có vẻ đẹp riêng khi lên ảnh". Vì thế, người ta luôn thấy anh có mặt trên mọi góc cạnh của cuộc sống Sài Gòn. Một cách dân dã, người nghệ sỹ lang thang, thả mình theo dòng đời, lặng lẽ quan sát góc khuất của những thân phận khó khăn. Đôi khi, người ta bắt gặp anh trên những cung đường vắng ngắt theo chân những lao công quét rác, lắm lúc lại hòa mình vào cuộc sống vất vả của người nông dân,... Với anh, cuộc sống thường nhật làm nên một kho đề tài bao la, đầy cảm xúc để người nghệ sỹ phiêu bồng.

Sau những hào quang từ nhiều giải thưởng, NSNA Trần Thế Phong miệt mài xuôi ngược bên dòng đời để tìm và chụp lại những bức hình ưng ý./.



Tác phẩm: “Hồn nhiên” đã từng giành Huy chương Vàng ÁO. Ảnh: Trần Thế Phong



Tác phẩm: "Mùa hè xanh” đã giành Huy chương Bạc FIAP. Ảnh: Trần Thế Phong



Tác phẩm: “Ngày hè” đã từng giành  Huy chương Đồng FIAP. Ảnh: Trần Thế Phong



Tác phẩm: “Lạc quan” đã từng giành  Huy chương Đồng FIAP. Ảnh: Trần Thế Phong



Tác phẩm: “Niềm vui” đã từng giành  Huy chương Đồng FIAP. Ảnh: Trần Thế Phong



Tác phẩm: trong Triển lãm "Cười”. Ảnh: Trần Thế Phong



Tác phẩm: “Mưa”. Ảnh: Trần Thế Phong


+ Một số triển lãm trong ảnh trong nước và quốc tế đáng chú ý của NSNA Trần Thế Phong:
- Hướng về miền Trung (tháng 11/2020),
- Sài Gòn Covid – 19 (tháng 10/2020),
- Nhịp sống Saì Gòn (tháng 9/2019),
- Chân dung (6/2018), Gánh (2/2011),…

+ Những tập sách ảnh đã xuất bản:
- Sài Gòn Covid – 19 (10/2020),
- Nhịp sống Sài Gòn (8/2019),
- Chân dung (6/2018),
- Mưu sinh (5/2017),
- 45 ngày tại Thuỵ Sĩ (7/2016),
- Ánh sáng cuộc sống (8/2015),
- Vượt qua bóng tối (4/2014),
- Những nẻo đường tuôỉ thơ (5/2012),
- Gánh (2/2011).
Thực hiện: Thông Hải

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Với bàn tay tài hoa và cái tâm của người thầy thuốc, Lương y Cao Văn Minh - người được kế thừa các bài thuốc quý gia truyền của dòng tộc Cao và được đào tạo bài bản tại trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, đã và đang điều trị các bệnh lý về xương khớp, đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ và bại liệt cho hàng chục ngàn bệnh nhân ở Việt Nam và nước ngoài.

Top