Từ nguồn gốc xuất hiện lâu đời cùng với cách sử dụng linh hoạt và hiệu quả mà côn (còn gọi là roi) đã trở thành binh khí đứng đầu trong thập bát ban binh khí của hệ thống võ cổ truyền Việt Nam.
Từ xa xưa, côn đã là thứ binh khí hữu dụng và phổ biến trong chiến tranh nên còn được gọi là “bách binh chi tổ”, nghĩa là tổ của trăm loại binh khí. Người dân đất Bình Định vốn lưu truyền câu nói nổi tiếng “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái” như niềm tự hào về miền đất võ có nhiều võ sư nổi tiếng đã gây dựng tên tuổi của họ bằng những đường roi tuyệt kỹ.
Từ xưa đến nay, côn thường được làm bằng gỗ, tre, mây hoặc bằng kim loại có kích thước đa dạng, được chia làm hai loại chính: trường côn và đoản côn. Trường côn (còn gọi là roi dài, “trường tiên”) là loại côn có chiều dài từ 3 – 3,5m, có phần gốc to, phần ngọn nhỏ dần và có búi vải gắn ở đầu. Trường côn dùng để thi đấu trong các cuộc thi võ của triều đình phong kiến xưa kia, nên còn có tên gọi là “roi đấu”. Tuy nhiên, ngày nay loại trường côn này đã gần như thất truyền, chỉ còn phổ biến nhất là “đoản côn”. Đoản côn còn gọi là roi ngắn, có chiều dài tầm 1,5 – 1,8m. Đoản côn có hai đầu to đều nhau, chiều dài, độ nặng và đường kính thân côn không có quy chuẩn chung mà tùy vào sở thích và bàn tay của người sử dụng.
Côn (còn gọi là roi) là loại binh khí đứng đầu trong thập bát ban binh khí trong hệ thống võ cổ truyền Việt Nam.
Thế “Thái Sơn dằn côn” trong bài võ “Thái Sơn côn” của môn phái Tây Sơn Bình Định.
Côn có nhiều cách đánh như: bổ, đập, đâm, thọc, hất, đỡ, gạt, hoành, tạt…
Côn được chia thành hai loại là đoản côn và trường côn, tuy nhiên hiện nay phổ biến nhất là đoản côn.
Côn vừa có thể dùng để phòng thủ, bảo vệ, vừa có thể tấn công, lấy ít địch nhiều.
Côn có thể chống được nhiều loại binh khí nguy hiểm khác rất hiệu quả.
Một thế đâm côn rất hiểm hóc.
Người sử côn có thể phòng thủ, cản phá các loại binh khí khác rất hiệu quả.
Côn thường được làm bằng gỗ, tre, mây hoặc bằng kim loại có kích thước đa dạng tùy theo người sử dụng. |
Đoản côn với cách sử dụng linh hoạt được cả 2 đầu côn nên có phạm vi đánh rất rộng, có thể tung cao, hạ thấp, biến hóa khôn lường. Trong phép đánh côn thì bàn tay, cánh tay phải vê tròn hợp nhất với thân côn, lực phất ra đầu ngọn côn thường tạo nên tiếng gió rít ào ạt, khí thế có thể làm áp chế tinh thần đối phương. Cách múa côn phải dũng mãnh, có lực, hai tay cầm côn phải biết xoay chuyển, vung tròn tự nhiên. Nghệ thuật đánh côn yêu cầu tay, mắt, thân pháp, bộ pháp phải thống nhất hợp điệu, đề cao tính chính xác, độ nhanh và sức bền của người sử dụng.
Theo lão võ sư Hà Trọng Ngự, Chưởng môn võ phái Ta –Tây Sơn Bình Định, côn pháp có nhiều cách đánh như: bổ, đập, đâm, thọc, quất, phang, hất, bật, đỡ, gạt, hoành, bắt, tạt, tém, loang địa … có khả năng biến hóa được nhiều chiêu thức. Người dùng côn có thể lấy ít địch nhiều hoặc công phá vòng vây rất hiệu quả và có độ sát thương khó lường nếu đối phương bị dính đòn.
Một số thế côn độc đáo của võ phái Tây Sơn Bình Định:
Để tập luyện với côn pháp, người học trước hết phải tập kình lực ở hông, chân và lực ở tay để phối hợp như một thể thống nhất. Được vậy đòi hỏi võ sinh phải có sự khổ luyện thuần thục, biết cách tận dụng ưu thế chiều dài và sự linh hoạt của côn để phát huy thế mạnh. Luyện tập với côn sẽ rất có lợi cho võ sinh trong việc nâng cao thể lực, phát triển độ nhanh, sức bền, rèn luyện tinh thần kiên cường, dũng cảm.
Hiện nay, có bài “Thái Sơn côn”, còn gọi là “roi Thái Sơn” hoặc “Thái Sơn thảo pháp”, là bài roi chiến nổi tiếng trong làng võ cổ truyền đất Tây Sơn – Bình Định đã được đưa vào trong chương trình huấn luyện thống nhất của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam (năm 1993). Ngoài ra, còn có rất nhiều bài côn pháp độc đáo trong hệ thống võ cổ truyền Việt Nam được các phái võ gìn giữ và phổ biến rộng rãi đến ngày nay như: Ngũ môn phá trận, Bát quái côn, Trực chỉ côn, Phật môn côn pháp…/.
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân