Cô gái vàng điền kinh Việt Nam

Chân dung

Cô gái vàng điền kinh Việt Nam

Tạo nên kỷ lục vô tiền khoáng hậu tại SEA Games 32 khi là vận động viên (VĐV) đầu tiên và duy nhất giành 2 HCV ở hai nội dung cực kỳ khốc liệt trong thời gian cách nhau 20 phút, Nguyễn Thị Oanh (28 tuổi, xã Mỹ Hà, Lạng Giang, Bắc Giang) trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông trong và ngoài nước trong những ngày qua. Thành tích và màn trình diễn ấn tượng của “ cô gái vàng” làng điền kinh Việt Nam khiến giới điền kinh Đông Nam Á ngỡ ngàng, thán phục.

Tạo nên kỷ lục vô tiền khoáng hậu tại SEA Games 32 khi là vận động viên (VĐV) đầu tiên và duy nhất giành 2 HCV ở hai nội dung cực kỳ khốc liệt trong thời gian cách nhau 20 phút, Nguyễn Thị Oanh (28 tuổi, xã Mỹ Hà, Lạng Giang, Bắc Giang) trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông trong và ngoài nước trong những ngày qua. Thành tích và màn trình diễn ấn tượng của “cô gái vàng” làng điền kinh Việt Nam khiến giới điền kinh Đông Nam Á ngỡ ngàng, thán phục.

Nguyễn Thị Oanh thi đấu xuất sắc và giành tấm HCV nội dung 5.000m nữ với thành tích 17 phút 00 giây 28 tại SEA Games 32. Ảnh: Nguyễn Tiến Tuấn

Những kỳ tích điền kinh

Tại SEA Games 32, Nguyễn Thị Oanh là VĐV giành nhiều HCV nhất cho đoàn TTVN (nội dung cá nhân), với 4 HCV ở các nội dung 1.500m, 5.000m, 10.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật. Đặc biệt, chân chạy người Bắc Giang đã lập nên kỳ tích phi thường khi giành 2 HCV ở nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật trong thời gian cách nhau 20 phút. Với thành tích 4 HCV cho điền kinh, Oanh là VĐV đầu tiên của Việt Nam đạt được nhiều HCV nhất tại một kỳ SEA Games.

Năm 2019, Oanh tham dự SEA Games 30 diễn ra tại Philippines và đạt thành tích xuất sắc khi bảo vệ thành công 2 tấm HCV kỳ Đại hội trước và lần đầu giành HCV ở nội dung sở trường vượt chướng ngại vật 3.000m. Cũng tại kỳ đại hội này, với thành tích 10 phút 00 giây 02 đạt được ở nội dung vượt chướng ngại vật 3.000m, Nguyễn Thị Oanh đã xác lập một kỷ lục mới của SEA Games khi nhanh hơn kỷ lục cũ 0,56 giây do Rini Budiarti lập được ở SEA Games 26.

Trước đó, tháng 8/2018, tại Asiad 18 diễn ra ở Jakarta, Oanh thi đấu ở nội dung vượt chướng ngại vật 3.000m và giành được tấm huy chương đồng lịch sử cho điền kinh Việt Nam. Đây chính là lần đầu tiên điền kinh Việt Nam có huy chương tại nội dung này. Với cột mốc thành tích 9 phút 43 giây 83, Oanh cũng phá rất sâu kỷ lục quốc gia của đàn chị Nguyễn Thị Phương tới 19,15 giây.


Hành trình vượt khó của cô gái tuổi đôi mươi

Nguyễn Thị Oanh sinh ra trong một gia đình thuần nông ở thôn Nhuần, xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Cô là con thứ 7 trong một gia đình có 8 anh chị em. Đến được với điền kinh với Oanh là một cái duyên. Những ngày đầu tiên khi đội điền kinh tỉnh chiêu sinh, cô bé Nguyễn Thị Oanh đăng ký dự tuyển. Tại thời điểm này, do thể hình của Oanh còn hạn chế vì chiều cao khá thấp và chỉ nặng chưa tới 40kg nên những gì Oanh nhận được là những cái lắc đầu. Ban tuyển chọn cho rằng cô bé với thân hình nhỏ nhắn như vậy thì không phù hợp với điền kinh để phát triển. Tuy nhiên, nhờ  sự nỗ lực không ngừng và tinh thần luyện tập nghiêm túc cùng với sự động viên tinh thần của thầy cô huấn luyện viên, Oanh đã lấy được lòng tin của ban huấn luyện và từ đó được gọi vào đội tuyển quốc gia.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì cho “cô gái vàng” Nguyễn Thị Oanh. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Sau 4 năm gắn bó với điền kinh, năm 2014 Oanh phát hiện bị mắc bệnh viêm cầu thận và phải điều trị, nghỉ ngơi trong gần 2 năm. Sau quãng thời gian điều trị, Oanh được bác sĩ đồng ý cho phép trở lại tập luyện, nhưng Oanh không ngờ khi quay trở lại mọi thứ lại “kinh khủng” như vậy bởi việc sử dụng thuốc trong quá trình điều trị dẫn đến việc bị teo cơ, ảnh hưởng xương khớp, cùng với chế độ ăn kiêng dẫn đến sức khỏe không thể bảo đảm, thiếu chất dinh dưỡng, cơ bắp không còn linh hoạt như trước. Oanh gần như trở về thể trạng yếu ớt và có lúc tưởng chừng phải kết thúc sự nghiệp ở tuổi đôi mươi. Tuy nhiên Oanh nhớ lời động viên của bố: “Đã quyết tâm đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp thì cứ cố gắng sẽ có kết quả".

Lời động viên của bố cùng những người thân, thầy cô và bạn bè đã giúp Oanh vượt qua quãng thời gian cực kỳ khó khăn của cô bé tuổi đôi mươi. Bởi vậy sau này, dù thi đấu ở đâu, thành tích ra sao, nhưng bố mẹ vẫn luôn là hậu phương vững chắc của Oanh. “Chúng tôi luôn ủng hộ con trên con đường con đã chọn, và động viên con phải cố gắng vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc," mẹ ruột của Oanh chia sẻ.

Viết tiếp giấc mơ cho điền kinh Việt Nam

Kết thúc hành trình tại SEA Games 32, Nguyễn Thị Oanh trở thành một trong hai vận động viên của Việt Nam đoạt được 12 huy chương vàng điền kinh ở SEA Games, cùng đàn chị Nguyễn Thị Huyền.


Sau kỳ tích SEA Games 32, không ngủ quên trên chiến thắng, Nguyễn Thị Oanh đặt mục tiêu đổi màu huy chương tại ASIAD 2023.

Quan điểm của “đôi chân vàng” làng điền kinh Việt Nam đó là: “Thể thao là nỗ lực không ngừng, vậy nên sau Đại hội, tôi sẽ tiếp tục tập trung cao độ cho quá trình tập huấn tại đội tuyển quốc gia. Cùng đó dành thời gian nhìn nhận lại quá trình thi đấu tại Đại hội để rút kinh nghiệm, từ đó cải thiện, khắc phục những điểm yếu. Chẳng hạn việc phân phối sức hợp lý đối với từng cự ly chạy; tích lũy nền thể lực mạnh mẽ hơn để chinh phục những thử thách quốc tế sắp tới”.

Quá trình của Oanh trong suốt ba kỳ SEA Games vừa qua cho thấy rõ sự nỗ lực, kiên trì và nghị lực rèn luyện của cô. Ngoài việc mang vinh quang về cho Tổ quốc, Oanh còn cho thấy ý chí rèn luyện, tinh thần nỗ lực vượt qua thử thách. Những chiếc HCV của Oanh thực sự đã truyền cảm hứng lớn cho giới trẻ Việt Nam. Thành công đến từ sự đam mê, sự nỗ lực, sự kiên trì./.

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Nguyễn Tiến Tuấn, Khoa  Nguyễn, TTXVN

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Nguyễn Tiến Tuấn, Khoa Nguyễn, TTXVN

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Trong số khoảng 100 nữ quân nhân được Việt Nam cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tá Nguyễn Thị Liên là người hai lần được cử đến Châu Phi. Không chỉ giỏi về chuyên môn, chị còn nhiệt tình, sáng tạo trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân nên đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng các đồng nghiệp quốc tế và người dân địa phương.

Top