Bạn bè với Việt Nam

Chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số ở Sìn Hồ, Lai Châu

Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) hoạt động tại Việt Nam từ năm 1977, đã có nhiều đóng góp cho Việt Nam trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Kết hợp với Chính phủ Việt Nam, UNFPA đã đến với huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu để hỗ trợ bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ y tế và được thụ hưởng chăm sóc sức khỏe.
Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) là một trong những địa phương nghèo của Việt Nam. Nơi đây do hạn chế về địa lý và kinh tế nên công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe sinh sản của bà mẹ và trẻ em còn rất thiếu thốn. Toàn huyện có 1 trung tâm y tế xếp hạng III, quy mô 140 giường bệnh với 321 cán bộ (37 bác sĩ). Hiện nay Sìn Hồ có 22 trạm y tế cấp xã mà chỉ có 4 bác sĩ địa phương. Công tác y tế tại đây còn gặp nhiều khó khăn như: tỷ lệ sử dụng dịch vụ khám thai ít nhất 4 lần còn quá thấp so với tỷ lệ chung trên toàn quốc, tỷ lệ ca sinh được nhân viên y tế hỗ trợ còn thấp ảnh hưởng nhiều đến hoạt động hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho bà con tại bản.

Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỷ lệ sinh con tại nhà của phụ nữ mang thai ở huyện Sìn Hồ tăng vọt sau nhiều năm giảm nhẹ. Tỷ lệ phụ nữ sử dụng dịch vụ khám thai ở mức rất thấp (5,8%) so với tỷ lệ chung trên toàn quốc (trên 73%).

Đây là lần đầu UNFPA đến với huyện Sìn Hồ và sẽ hỗ trợ địa phương tăng cường các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục bằng tiếng dân tộc, hỗ trợ các bác sỹ, nhân viên y tế, hộ sinh biết tiếng địa phương để có thể giải thích cho bà con, nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho các cán bộ y tế, hỗ trợ địa phương hoạt động khám chữa bệnh từ xa, hỗ trợ cô đỡ thôn bản, cung cấp trang phục bảo hộ cho cán bộ y tế  để họ được hoàn toàn bảo vệ, yên tâm khám chữa bệnh cho phụ nữ mang thai và trẻ em, hỗ trợ đào tạo, cung cấp vật tư cần thiết, chế độ đãi ngộ cho công tác hộ sinh. Hy vọng từ sự hỗ trợ của UNFPA, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số tại Sìn Hồ, Lai Châu sẽ dần dần khắc phục được những khó khăn.



Đoàn công tác liên ngành Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quỹ Dân số Liên hiệp quốc đã làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ, Lai Châu.


Đoàn công tác tìm hiểu cở sở vật chất phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ.


UNFPA đã từng tài trợ máy móc y tế phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em vùng cao tại Sìn Hồ, Lai Châu.



Cán bộ Vụ Bà mẹ - Trẻ em Bộ Y tế trong đoàn công tác liên ngành hướng dẫn cách thức chăm sóc trẻ sơ sinh tại Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ, Lai Châu.



Đoàn công tác liên ngành thăm một số hộ gia đình người Mông có trẻ sơ sinh tại xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, Lai Châu.



Bà Naomi Kitahara trưởng đại diện UNFPA trò chuyện với một nữ hộ sinh người dân tộc thiểu số
đang làm việc rất chăm chỉ và tận tâm hỗ trợ phụ nữ mới sinh ở xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, Lai Châu.



Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em Bộ Y tế cùng đoàn công tác tìm hiểu cở sở vật chất phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ, Lai Châu.


Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong đoàn công tác khỏa sát cơ sở vật chất y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại huyện Sìn Hồ, Lai Châu.


Đoàn công tác trò chuyện với lớp học cô đỡ thôn bản đang học tập kiến thức y khoa tại Lai Châu.

Bà Naomi Kitahara -Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh, Quỹ Dân số Liên hợp quốc luôn nỗ lực tiến tới đảm bảo không còn tử vong cho người mẹ khi sinh nở, mọi nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình đều được đáp ứng, bạo lực giới và các thực hành có hại trên cơ sở giới có thể được ngăn ngừa. 

UNFPA đã làm việc rất tích cực với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ban, ngành khác của Việt Nam nhằm xác định chiến lược hỗ trợ Việt Nam một cách hiệu quả nhất, đặc biệt tập trung vào nhóm dân cư dễ bị tổn thương, như dân tộc thiểu số, người di cư, thanh thiếu niên và người khuyết tật.


UNFPA-, Quỹ Dân số Liên hợp quốc, là một cơ quan phát triển quốc tế thúc đẩy quyền của mọi phụ nữ, nam giới và trẻ em được hưởng một cuộc sống khỏe mạnh và bình đẳng về cơ hội.  Các mục tiêu chung của UNFPA là đạt được khả năng tiếp cận toàn dân đối với sức khỏe sinh sản và tình dục, thúc đẩy quyền sinh sản, giảm tử vong ở bà mẹ và đẩy nhanh tiến độ trong chương trình nghị sự của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD).
Một số chiến lược chính mà UNFPA đưa ra bao gồm: tăng cường, nâng cao năng lực khám chữa bệnh của các cán bộ y tế để họ có đủ khả năng xử trí các tình huống khác nhau về tai biến sản khoa và các bệnh liên quan đến thai sản, từ đó đảm bảo an toàn, sức khỏe, hạnh phúc cho bà mẹ và trẻ em; khai thác hiệu quả nền tảng thông tin, truyền thông trực tuyến, hệ thống tư vấn từ xa thông qua các ứng dụng di động và nền tảng trực tuyến nhằm khắc phục những khó khăn do những điều kiện văn hóa xã hội đặc biệt, rào cản ngôn ngữ, vị trí địa lý do người dân tộc thiểu số hầu hết sống rất xa các cơ sở y tế.

UNFPA khẳng định tầm quan trọng của các cô đỡ thôn bản, bởi đây là những những cánh tay nối dài của ngành Y tế, làm việc ở tuyến cộng đồng, thực hiện hoạt động chăm sóc cơ bản, hỗ trợ cho các bà mẹ mang thai. Trong trường hợp phụ nữ mang thai có những triệu chứng nguy hiểm, chính cô đỡ thôn bản là người sẽ giúp phát hiện và đưa ngay sản phụ đến cơ sở y tế. Với ý nghĩa như vậy, UNFPA tiếp tục đầu tư hỗ trợ cô đỡ thôn bản, bao gồm đào tạo, cung cấp vật tư cần thiết, chế độ đãi ngộ cho công tác hộ sinh.

Hiện nay, dịch COVID- 19 đang gây ra những thách thức lớn, khi phụ nữ có xu hướng hoãn hoặc hủy bỏ lịch khám thai, tiềm ẩn những nguy cơ cao gặp phải trong quá trình mang thai. Bà Naomi Kitahara nhấn mạnh, cần tạo ra một môi trường an toàn cho các phụ nữ mang thai để họ cảm thấy an tâm khi đến các cơ sở y tế, đảm bảo được thăm khám ít nhất 4 lần trong quá trình mang thai, hay khi cảm thấy có những dấu hiệu nguy hiểm, họ sẽ thoải mái đi khám tại các cơ sở y tế. Cùng với đó, ưu tiên cung cấp trang phục bảo hộ cho cán bộ y tế, để họ được hoàn toàn bảo vệ, yên tâm khám chữa bệnh cho phụ nữ mang thai và trẻ em.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em Bộ Y tế đánh giá cao sự đồng hành của UNFPA trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Là người đã trực tiếp đến khảo sát công tác y tế tại xã Tả Ngảo, Huyện Sìn Hồ, Lai Châu, chứng kiến những khó khăn mà ngành y tế Lai Châu phải đối mặt, ông Vinh cho biết ông rất vui khi UNFPA với chiến lược cụ thể sẽ từng bước hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân nơi đây  để giúp họ nhận thức được cách chăm sóc bản thân để làm chủ gia đình mình cũng như sẽ nhận được sự hỗ trợ của y tế địa phương một cách tốt nhất./.

 
Bài: Bích Vân, ảnh: Việt Cường


Top