Tiềm năng địa phương

Cao su Bình Phước

Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước đã thống nhất chọn cây cao su làm biểu tượng chung cho tỉnh và biểu tượng này sẽ được đặt tại vòng xoay ngã tư trung tâm thị xã Đồng Xoài. Điều đó cho thấy, cây cao su là thế mạnh của địa phương.
Cây cao su có mặt trên vùng đất đỏ bazan Bình Phước từ đầu thế kỉ XX và trở thành loài cây gắn liền với lịch sử phát triển của vùng đất này. Có thể nói, hiện tại đang là thời kì hoàng kim của cây cao su bởi trong những năm gần đây, giá xuất khẩu mủ cao su liên tục tăng nên cao su đã trở thành cây trồng mang lại thu nhập cao không một loại cây nào sánh bằng. Hơn nữa, vốn đầu tư ban đầu cũng như công sức chăm sóc thấp hơn nhiều so với những loại cây trồng khác.

Theo TS Trần Thị Thuý Hoa, Tổng Thư kí Hiệp hội Cao su Việt Nam, năm 2010 giá trị cao su thiên nhiên xuất khẩu của Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay với kim ngạch hơn 2 tỉ USD. Như vậy, cao su trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn thứ 2 sau gạo và đứng thứ 4 trên thế giới.
 

Cao su Bình Phước mùa thay lá.

Ghép giống cho cao su non.

Hệ thống phun tưới tự động của vườn ươm tại nông trường cao su Thuận Phú.

Công nhân cạo mủ của nông trường cao su Thuận Phú..

Khai thác mủ cao su ở nông trường cao su Thuận Phú.

Thu gom mủ cao su.

Kiểm tra định lượng mủ cao su khô.

«...
          Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước, tính đến hết năm 2011, diện tích cây cao su toàn tỉnh là 203.42ha, sản lượng mủ thu được là 215.507 tấn, năng suất bình quân đạt 19,44 tạ/ha.
Năm 2011 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia đã tổ chức diễn đàn phát triển cao su bền vững tại Bình Phước. Ông Bùi Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước khẳng định, cao su là cây chủ lực của tỉnh Bình Phước do phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu. Hiện tỉnh Bình Phước đã thực hiện việc chuyển đổi diện tích rừng nghèo kiệt sang trồng rừng và trồng cao su nên đã góp phần làm tăng thêm diện tích trồng cao su trên địa bàn. Mặt khác, nhờ giá cao su tăng cao nên đời sống và mức thu nhập của người trồng cao su ở Bình Phước cũng luôn được cải thiện.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có khá nhiều doanh nghiệp lớn của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang hoạt động rất hiệu quả, điển hình như Công ty Phú Riềng, Công ty Bình Long, Công ty Lộc Ninh, Công ty Đồng Phú...

Mới đây, trong một lần về công tác tại Bình Phước, chúng tôi đã có dịp về tham quan thực tế tại nông trường cao su Thuận Phú của Cty Cổ phần Cao su Đồng Phú, đơn vị vừa được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kì đổi mới. Dưới màu xanh bát ngát của những cánh rừng cao su, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người công nhân đang hăng say khai thác từng dòng nhựa trắng để làm giàu cho quê hương Bình Phước.

Cty Cổ phần Cao su Đồng Phú được thành lập vào năm 1981, tiền thân là đồn điền cao su Phú Riềng của thực dân Pháp hồi đầu thế kỉ XX. Lúc mới thành lập, Công ty có khoảng hơn 2000ha cao su già cỗi có từ thời Pháp, năng suất rất thấp. Sau hơn 30 năm hoạt động, diện tích cao su của Đồng Phú đã phát triển lên đến hơn 10.000ha và cho năng suất bình quân 2,5 tấn/ha. Ngoài việc trồng và khai thác mủ cao su, Đồng Phú còn là đơn vị đi tiên phong và duy nhất trong Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đầu tư công nghệ sản xuất sản phẩm tiêu dùng từ cao su, nhằm giảm việc xuất khẩu nguyên liệu thô, tạo thêm việc làm, tăng thêm chuỗi lợi nhuận và khẳng định thương hiệu cao su Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, năm 2011 vừa qua, Đồng Phú đã được tạp chí Forbes của Hoa Kỳ bình chọn vào top 200 công ty vừa và nhỏ tốt nhất châu Á.
 

Hệ thống máy li tâm xử lí mủ tươi.

Dây chuyền sấy mủ cao su của Công ty Cao su Phú Riềng.

Công nhân làm việc tại dây chuyền liên hợp xử lí mủ cao su.

Kiểm tra chất lượng mủ sấy.

Nhà máy chế biến cao su Phú Riềng.

Được biết, hiện nay, tỉnh Bình Phước có khoảng hơn 30 xưởng chế biến mủ cao su với tổng công suất trên 340.000 tấn sản phẩm/năm. Nhiều xưởng đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại nên chất lượng mủ rất tốt. Sản phẩm cao su Bình Phước không những tốt mà còn phong phú và đa dạng, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của khách hàng. Trong đó có những khách hàng truyền thống là các tập đoàn chế tạo lốp xe hàng đầu thế giới như Michelin, Mitsubishi... Trong những năm qua, thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng tập trung mạnh vào Trung Quốc, Hoa Kỳ và các nước EU.

Ông Phan Văn Đon, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ liên kết chặt chẽ với Viện Nghiên cứu Cao su để nắm bắt kịp thời các tiến bộ khoa học kĩ thuật, từ đó thông qua hệ thống khuyến nông để chuyển giao cho người trồng. Đồng thời, khuyến khích nông dân phát triển thêm diện tích cao su ở những vùng đất có điều kiện thuận lợi về mặt thổ nhưỡng, địa hình. Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ tăng cường quản lí chặt chẽ nguồn giống thông qua việc đầu tư xây dựng hệ thống cung ứng cây giống tốt để đảm bảo chất lượng đầu ra cho sản phẩm.


 Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Công ty Cao su Đồng Phú.

Với chủ trương đúng đắn cùng với thế mạnh sẵn có, hi vọng trong tương lai không xa Bình Phước sẽ trở thành “vương quốc” cao su, là vùng cao su trọng điểm của cả nước, góp phần nâng cao đời sống – xã hội của địa phương nói riêng và thúc đẩy sự phát triển của ngành cao su Việt Nam nói chung./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân

Mãng cầu Bà Đen, sản vật của vùng đất phương Nam

Mãng cầu Bà Đen, sản vật của vùng đất phương Nam

Vùng đất Nam Bộ xưa nay nổi tiếng là vựa trái cây lớn nhất của cả nước. Tại Tây Ninh, mãng cầu Bà Đen là một đặc sản. Chiếm tới hơn 40% thị phần mãng cầu cả nước, mãng cầu Bà Đen đang được xem là một trong những mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế lớn của địa phương.

Top