Cam sành Tam Bình (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) đang trở thành thương hiệu độc quyền với những đặc trưng như vỏ sần, da xanh, bóng đẹp, màu sắc thịt quả vàng tươi, ngọt, phục vụ ăn tươi hoặc được chế biến thành nước hoa quả rất thơm ngon, bổ dưỡng. Hiện tại, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Tam Bình kết hợp với Viện Cây ăn quả Miền Nam và Trung tâm Giống cây trồng Đồng bằng Sông Cửu Long nghiên cứu, sản xuất những giống cam sành tốt hơn với mục tiêu đưa loại cam đặc sản này ra thị trường nước ngoài.
Đất Tam Bình được thiên nhiên ưu đãi, có nước ngọt quanh năm, có dòng sông Măng bồi đắp phù sa, cung cấp đầy đủ nước tưới cho cây trồng trong mùa khô. Mặt khác, nguồn tài nguyên đất của huyện Tam Bình phong phú, với 5.986 ha đất phù sa và 7.488 ha đất phèn, thuận lợi để phát triển cây ăn trái đặc sản, đặc biệt là cam sành. Vì vậy, nơi đây sớm hình thành vùng chuyên canh cam sành với tổng diện tích khoảng 3.000 ha. Hàng năm, cam sành Tam Bình cung cấp cho thị trường khoảng 20.000 - 30.000 tấn sản phẩm.
Mô hình dự án Jica (Nhật Bản) áp dụng cho cây cam sành được thực hiện thí điểm từ năm 2009 với diện tích 20,2 ha tại 2 xã Bình Ninh và Ngãi Tứ. Toàn bộ chi phí đầu tư gồm: san mặt bằng, cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật trồng và chăm sóc…đều được tài trợ từ nguồn vốn ODA.
Nông dân huyện Tam Bình chăm sóc vườn cam của gia đình được trồng theo mô hình và kỹ thuật của dự án Jica (Nhật Bản).
Làm cỏ, tạo tán cho cây cam giống ở một hộ gia đình ở Tam Bình.
Một cây cam của nông dân Tam Bình nặng trĩu quả nhờ được trồng và chăm sóc theo mô hình và kỹ thuật của Dự án Jica.
Lão nông Nguyễn Văn Bé Ba bên những quả cam to, vỏ mềm chuẩn bị thu hoạch trong vườn của mình.
Quả cam sành Tam Bình non trong giai đoạn phát triển ở các vườn trồng theo mô hình Dự án Jica (Nhật Bản).
Màu sắc thịt quả vàng tươi, ngọt là nét đặc trưng làm nên thương hiệu độc quyền của sản phẩm cam sành Tam Bình.
Cam Tam Bình được các thương lái thu mua về vựa sau đó lựa chọn, phân loại và đóng thùng trước khi xuất bán.
Cam sành Tam Bình được nông dân đóng vào các thùng gỗ kỹ lưỡng để tránh dập, nát khi vận chuyển. |
Sau 4 năm thực hiện trồng cam sành theo dự án Jica, chỉ trong vòng 28 tháng, cam bắt đầu cho trái và đến nay nông dân đã thu hoạch được 2 mùa với giá thành từ 18.000 - 28.000đồng/kg tại vườn. Hiện tại, diện tích trồng cam sành theo mô hình Jica đang được nhân rộng trên toàn huyện Tam Bình. Lúc nào trên vườn cam Tam Bình cũng có trái, đảm bảo cung ứng kịp thời cho thị trường. Lão nông Nguyễn Văn Bé Ba (58 tuổi), một trong những nông dân ở xã Bình Ninh, nơi đầu tiên thực hiện dự án Jica cho biết, gia đình ông thu hoạch vụ cam tiếp cũng được gần 80 triệu đồng với giá thành 20.000đồng/kg, cam cho chất lượng tốt, có quả nặng tới 400g, có màu xanh lục, bóng đẹp.
Tại Tam Bình hiện có hơn 20 vựa lớn nhỏ chuyên thu mua, xuất bán cam. Vựa ông Chín Tại (60 tuổi) là vựa đầu tiên mang cam sành Tam Bình xuất bán ra Hà Nội và một số tỉnh phía bắc với số lượng hàng chục tấn mỗi ngày. Vựa của chị Phạm Thu Liễu (30 tuổi, con gái ông Chín Tại) cũng hoạt động thường xuyên, xuất bán cam đi Tp.Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội…
Theo ông Lê Văn Chiến, Phó trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Tam Bình, huyện đang đốc thúc nông dân thực hiện đề án phát triển cam sành theo hướng chuyên canh, gia tăng sản xuất, đến năm 2015 đạt diện tích 2.000 ha theo mô hình Jica của Nhật Bản nhằm nâng cao chất lượng cam. Vừa qua, cam sành Tam Bình được bình chọn ở vị trí thứ 50 trong sản phẩm nông nghiệp toàn quốc./.
Bài: Đỗ Văn - Ảnh: Nguyễn Luân