Tiềm năng địa phương

Cà phê chồn Kiên Cường

Không chỉ ứng dụng thành công mô hình sản xuất cà phê chồn, tạo nên một thương hiệu cà phê độc đáo ở Tây Nguyên, Doanh nghiệp Kiên Cường (tỉnh Đắk Lắk) còn giúp 20 hộ gia đình trong vùng ứng dụng mô hình sản xuất cà phê chồn của mình. Đây cũng là mô hình giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn loài chồn hương quý hiếm cũng như gia tăng giá trị mặt hàng nông sản cho người trồng cà phê ở Đắk Lắk.
Quê ở Hưng Yên, Nguyễn Mạnh Cường  vào vùng kinh tế mới Đắc Lắc từ những năm 70 của thế kỷ trước với khát vọng đổi đời từ cây cà phê. Năm 1994, trong một lần đi qua cửa hàng bán chim cảnh ở thành phố Buôn Mê Thuột, anh tình cờ nhìn thấy 2 con chồn hương chưa mở mắt được bày bán. Với bản tính tò mò, anh đã mua về nuôi trong trang trại cà phê nhà mình.

Khi nuôi hai chú chồn con, Mạnh Cường phải tự mày mò và rút kinh nghiệm vì chẳng có tài liệu nào hướng dẫn cách chăm sóc loại động vật này. Thế rồi hai chú chồn cũng lớn lên khỏe mạnh, anh bắt đầu manh nha ý tưởng sẽ nuôi giống chồn hương để bảo tồn một loại động vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng của núi rừng Tây Nguyên. Sau khi mua thêm được hai chú chồn nữa, anh Cường mạnh dạn đề xuất và xin giấy phép nuôi chồn hương và được Hạt kiểm lâm địa phương chấp thuận.

Nhớ lại thời kỳ đó, Mạnh Cường cho biết: "Tôi đã tìm đến các buôn của người Ê Đê ở Ea Sup để hỏi nhưng người biết về quy luật sinh sản của loại chồn hương tự nhiên rồi ứng dụng vào chồn nuôi ở trang trại”. Từ những kiến thức cóp nhặt, Mạnh Cường đã cho cặp chồn đầu tiên sinh sản thành công vào năm 2009.


Chồn hương ăn trái cà phê tự nhiên ở trang trại của Doanh nghiệp Kiên Cường.


Những cây cà phê cung cấp thức ăn cho chồn ăn phải đạt tiêu chuẩn trái to và chín đều.


Vườn cà phê nuôi chồn của của Doanh nghiệp Kiên Cường.


Ngoài những lúc thả cho chồn ăn cà phê, người nuôi vẫn phải nuôi chồn trong chuồng sắt
để bổ sung thêm các loại thức ăn đủ dinh dưỡng cho chồn.


Người nuôi chồn cũng thường xuyên theo dõi sức khỏe của loài vật này
bởi nếu chồn yếu và mang bệnh sẽ không ăn cà phê.


Mỗi năm Doanh nghiệp Kiên Cường cung ứng cho thị trường khoảng 900 kg cà phê chồn thành phẩm.

«
          Sản phẩm cà phê chồn của Doanh nghiệp Kiên Cường đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học -  Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và bằng độc quyền giải pháp hữu ích mang tên "Sáng chế phương pháp sản xuất cà phê chồn". Năm 2011, Kiên Cường đã được Tổ chức Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu của DANIDA (GCF) ký văn kiện thỏa thuận tài trợ Dự án “Dịch vụ kỹ thuật nuôi chồn, cung cấp chồn giống, sản xuất và chế biến cà phê chồn xuất khẩu”.
                                      »
Khi loài chồn hương đã có thể sinh sản trong môi trường bán hoang dã, Mạnh Cường lại hình thành một ý tưởng mới, đó là tìm cách sản xuất cà phê chồn - loại cà phê được cả thế giới tôn sùng là “vua của các loại cà phê”. Nhưng khi ý tưởng hình thành, bắt tay vào thực hiện thì Mạnh Cường lại gặp vô vàn khó khăn hiện ra trước mắt.

Cái khó đầu tiên mà Mạnh Cường gặp phải là cần số lượng chồn lớn trong việc sản xuất cà phê. Và anh đã phải mất thêm 5 năm nữa để tăng đàn từ 4 con chồn ban đầu sinh sản lên đến 270 con chồn.

Khó khăn lớn nhất mà Mạnh Cường phải mất nhiều thời gian và công sức để tìm tòi là quy trình sản xuất cà phê chồn. Ở thời điểm năm 2000, thương hiệu cà phê chồn chỉ được thế giới biết đến ở Indonesia và những tài liệu về phương pháp sản xuất loại cà phê hảo hạng này thì nằm trong vòng bí mật. Mạnh Cường lại kiên trì đến từng buôn sóc người Ê Đê, Mnông ở các huyện Buôn Đôn, huyện Lắk... để hỏi những người già có kinh nghiệm về loại chồn trong tự nhiên ăn cà phê và cách bảo quản cà phê chồn tự nhiên.
 
Khi những ly cà phê chồn đầu tiên với hương vị thơm ngon khác biệt được pha chế từ trong trang trại nhà mình, Mạnh Cường biết ý tưởng của mình khả thi để trở thành một sản phầm hàng hóa chất lượng cao. Vào năm 2012, Vua đầu bếp Martin Yan thăm trang trại và khen ngợi sản phẩm cà phê chồn Kiên Cường với hương vị khác biệt, đậm đà.

Từ tín hiệu vui đó, Mạnh Cường đã mạnh dạn đầu tư 3 trang trại vừa trồng cà phê vừa nuôi chồn hương dưới dạng bán hoang dã. Mùa sản xuất cà phê chồn trùng với thời gian thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên là vào tháng 11 đến 12. Vào thời điểm này, công nhân doanh nghiệp Kiên Cường tỏa đi khắp Đắk Lắk để thu mua những hạt cà phê ngon nhất cho chồn ăn.

Anh Nguyễn Văn Tính, công nhân chuyên chăm sóc chồn tại trang trại chồn Kiên Cường cho biết, chồn chỉ chọn ăn những quả cà phê chín mọng, không bị rệp sáp và không có mùi vị thuốc trừ sâu. Sau khi ăn từ 3 đến 4 giờ, chồn bài tiết ra những hạt cà phê còn nguyên lớp vỏ trấu. Một đêm, một con chồn bài tiết gần 1 lạng hạt cà phê.


Quá trình rang, xay cà phê tại doanh nghiệp Kiên Cường.


Đóng gói sản phẩm cà phê chồn Kiên Cường.


Doanh nghiệp Kiên Cường đặc biệt chú trọng đến khâu vệ sinh an toàn thực phẩm trong dây chuyền chế biến cà phê của mình.


  Ông Hoàng Mạnh Cường, một trong số những người ở Đắc Lắc thành công với mô hình sản xuất cà phê chồn.


Hiện giá bán của sản phẩm cà phê chồn trên thị trường thế giới là khoảng 3000 USD/ kg.


Sản phẩm cà phê chồn Kiên Cường hiện đã trở thành một thương hiệu giá trị của Việt Nam.

Hiện nay Doanh nghiệp Kiên Cường đã mở rộng quy mô trang trại nuôi chồn và đầu tư cơ sở sản xuất cà phê chồn. Mỗi mùa, doanh nghiệp Kiên Cường sản xuất được 900kg cà phê chồn thành phẩm và được tiêu thụ chủ yếu ở các trị trường Nhật Bản, Đài Loan... với giá lên đến 3000 USD/ kg.

Từ năm 2012 đến nay, Kiên Cường thường xuyên mở các lớp tập huấn cho nông dân Tây Nguyên về phương pháp nuôi chồn và sản xuất cà phê chồn, giúp họ nhận thức việc bảo tồn loài chồn hương và nâng cao giá trị mặt hàng nông sản cho người trồng cà phê. Hiện nay, ở Đắc Lắc đã có hơn 20 hộ gia đình ứng dụng mô hình sản xuất cà phê chồn của doanh nghiệp Kiên Cường. Mạnh Cường chia sẻ rằng: “Doanh nghiệp chúng tôi hoạt động không vì lợi ích cá thể mà chúng tôi mong muốn bà con nông dân trồng cà phê đều có lợi nhuận giá trị cao nhất”./.
 
Bài: Thông Thiện - Ảnh: Tất Sơn

Bưởi đỏ Đông Cao

Bưởi đỏ Đông Cao

Thôn Đông Cao, thuộc xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, là nơi sản sinh ra giống bưởi đặc biệt mang tên Bưởi đỏ Đông Cao - một đặc sản độc đáo và ý nghĩa của vùng ngoại thành Hà Nội. Giống bưởi này không chỉ là một loại trái cây thông thường mà còn là sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa nông thôn và truyền thống ẩm thực của người Hà thành.

Top