Với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ nghề trồng lúa sang làm mô hình trồng cây bưởi Diễn, người dân ở xã Hoàng Nông (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) ngày càng có thu nhập kinh tế cao.
Xã Hoàng Nông nằm cách trung tâm thị trấn Đại Từ khoảng 13km. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên khi mới đặt chân vào đến đây là xung quanh các khu nhà đều bạt ngàn màu vàng chín mọng của những lứa bưởi Diễn đang chuẩn bị được thu hoạch.
Chúng tôi ghé thăm vườn bưởi Diễn được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên cấp chứng nhận mô hình trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP của hộ nhà anh Nguyễn Văn Chức. Anh Chức cho biết, ban đầu bắt tay trồng cây bưởi Diễn, vợ chồng anh chỉ đơn giản học hỏi từ bạn bè và tự về dưới đất bưởi Diễn ở Hà Nội để mua giống về trồng. Sau đó được cán bộ khuyến nông của xã Hoàng Nông cũng như huyện Đại Từ quan tâm đến mô hình, gia đình anh được cho đi tập huấn về chăm sóc và kỹ thuật để nâng cao an toàn chất lượng sản phẩm và bắt đầu chuyển sang tập trồng theo quy trình VietGAP.
Các hộ dân ở xã Hoàng Nông chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng lúa sang trồng bưởi Diễn đã đem lại hiệu quả về kinh tế.
Sau khi được tập huấn về quy trình chăm sóc, những hộ dân trồng bưởi Diễn
đều áp dụng đúng quy trình để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Đất cũng được người làm bón vôi để tạo độ phì nhiêu cho cây phát triển tốt.
Bưởi ra quả sẽ được bọc lót để chống sâu bọ.
Mùa thu hoạch bưởi Diễn ở xã Hoàng Nông thường từ tháng 11 đến tháng 1 âm lịch.
Những quả bưởi được cho thu hoạch sẽ được dùng gậy hái xuống để không bị rụng nát.
Được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, nên các hộ dân trồng bưởi Diễn dùng bẫy để bắt sâu bọ chứ không phun thuốc trừ sâu.
Hệ thống nước tưới tự động được sử dụng để phun tưới hàng ngày cho ngày.
Bưởi thu hoạch sẽ được chọn lựa theo chất lượng và mẫu mã để mang bán với những giá khác nhau.
Với mô hình trồng bưởi Diễn, người dân ở xã Hoàng Nông ngày càng có thu nhập kinh tế, ổn định cuộc sống. |
Từ số lượng trồng 100 cây khi mới bắt đầu trồng bưởi Diễn gia tăng thu nhập kinh tế gia đình, đến nay gia đình anh Nguyễn Văn Chức tăng lên đến 250 cây, với thu nhập hàng năm khoảng 300 triệu/đồng.
Đối diện nhà anh Chức là hộ gia đình chị Nguyễn Thị Nga với số lượng 300 cây bưởi Diễn. Vì bưởi diễn chín muộn hơn so với những gia đình khác nên chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng khoảng vườn rộng khoảng gần 1ha và choáng ngợp bởi mùi thơm của những trái bưởi Diễn chín của hộ dân này.
Chị Nga chia sẻ, gia đình nhà chị cũng như hầu hết các hộ dân ở xã Hoàng Nông đều trồng Dưởi diễn theo quy trình tuyệt đối an toàn nên được rất nhiều người tìm đến tận nhà để mua buôn và mua về ăn. Mùa thu hoạch bưởi diễn thường từ tháng 11, 12 âm lịch. Với những ưu điểm như dễ trồng, cho thu nhập cao, quả bưởi có thể bảo quản 3-4 tháng sau thu hoạch mà vẫn giữ được màu sắc. Những năm đầu tiên mới trồng, gia đình chị bán 20.000 đồng -25.000 đồng/quả, sau nữa thì chị bán 35.000 đồng- 37.000 đồng/quả.
Chị Phùng Thị Hưởng- cán bộ xã Hoàng Nông dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi Diễn của các hộ dân cho biết, Xã Hoàng Nông đang có 3 xóm là Cổ Rồng, Cầu Đá, Đoàn Kết với khoảng 119 hộ tham gia chuyển đổi làm kinh tế từ trồng lúa sang trồng bưởi Diễn. Những năm qua, xã Hoàng Nông đã tích cực phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện Đại Từ để hỗ trợ người dân cây giống, tập huấn kỹ thuật chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Với hiệu quả ban đầu của cây bưởi Diễn đã được khẳng định, song để tránh việc trồng dàn trải, không đem lại hiệu quả như một số cây trồng khác, xã Hoàng Nông cũng như huyện Đại Từ đang tiến hành quy hoạch và tìm thêm đầu mối tiêu thụ để phát triển cây bưởi Diễn thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương./.
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Khánh Long