Ẩm thực

“Bún gỏi và” Mỹ Tho

Bún là món ăn quen thuộc của người Việt. Mỗi vùng có một cách chế biến riêng. Ví như Huế có món bún bò giò heo, Hà Nội có món bún chả, bún riêu cua. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) lại có món “bún gỏi và” ngon nổi tiếng.
Nguồn gốc tên gọi của món ăn này xem ra cũng khá thú vị. Bởi theo như cách lí giải của người Mỹ Tho, để ăn món này người ta phải trộn tất cả các thứ từ bún, thịt, tôm, rau, nước lèo… như cách trộn gỏi, rồi và như và cơm. Có lẽ vì thế mà món ăn này có tên là “bún gỏi và”.
 
“Bún gỏi và” hấp dẫn nhờ vị béo bùi của thịt ba chỉ, của lạc rang, vị đậm đà của mắm, vị chua nhẹ của me, vị ngọt của tôm tươi, vị cay nồng của ớt, thơm của rau hẹ, và mát lành của các thứ rau sống… Tuy là món ăn dân dã nhưng “bún gỏi và” được xem như thứ đặc sản riêng có của vùng đất Mỹ Tho.
 
NGUYÊN LIỆU:
- 2 kg xương lợn, 1/2 kg sườn lợn
- 250 g thịt ba chỉ
- 400 g tôm
- Một ít me chua
- Hẹ, xà lách, rau muống chẻ, hoa chuối thái sợi
- Hành, ngò, tỏi
- Muối, đường, bột ngọt, nước mắm
- Lạc rang giã dập, bún, mắm cá                         
CÁCH LÀM:
- Thịt ba chỉ, xương sườn lợn chặt miếng vừa ăn đem luộc cùng.
Khi thịt và sườn chín thì vớt ra, còn xương ninh tiếp để lấy nước dùng.
- Thịt ba chỉ để nguội, thái mỏng.
- Tôm luộc chín tới, bóc vỏ, chừa đuôi cho đẹp.
- Hành, ngò rửa sạch, để ráo, cắt nhỏ.
- Nước dùng cho thêm me và mắm cá rồi nêm gia vị vừa ăn.
- Khi ăn, cho bún vào tô, phía trên bày các thứ rau, thịt ba chỉ,
sườn, tôm, lạc, hành, ngò… rồi chan nước dùng.
 
Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Công Đạt

Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Công Đạt

Mâm cỗ Tết xưa của người Hà Nội

Mâm cỗ Tết xưa của người Hà Nội

Tết đến, xuân về, không khí rộn ràng bao trùm khắp mọi nơi. Đối với người Hà Nội, mâm cỗ Tết không chỉ là bữa ăn đơn thuần mà còn là một tác phẩm nghệ thuật, là biểu hiện của sự tinh tế và lòng thành kính.

Top