Khám phá

Bộ sưu tập Đạt Ma Sư Tổ

Sở hữu hơn 600 tác phẩm mỹ thuật độc đáo về tranh tượng Bồ Đề Đạt Ma, nhà giáo Hàn Trí Sĩ được giới sưu tầm đồ “cổ - kỳ - quái - mỹ” xem như người khởi xướng cho phong trào “chơi” tranh, tượng Bồ Đề Đạt Ma trong nước.
Nhà giáo Hàn Trí Sĩ tên thật là Trần Nguyên Hậu, sinh năm 1961 tại Nha Trang nhưng cả cha và mẹ đều là người gốc Huế. Năm 1964, ông theo gia đình chuyển vào Sài Gòn, nay là Tp. Hồ Chí Minh sinh sống. Khoảng năm 13 - 14 tuổi, một sự “hữu duyên” khiến ông mê say đắm ánh mắt khác thường của một nhân vật được in trên chiếc đai trong bộ võ phục môn phái Lam Sơn võ đạo (Thiếu Lâm Hồng gia quyền) của người anh trai. Lúc đó, ông không hề biết ánh mắt kỳ lạ ấy là của ai, chỉ thấy nó “sắc lạnh”, lúc nào cũng “trợn trừng” nhưng lại đong đầy cảm giác “từ bi hỷ xả”, thân thiện rất lạ. Sau giải phóng, ông sang Canada vừa học tập vừa đi làm thêm cho một hiệu sách tại Montréal nên ông đọc nhiều tài liệu về văn hóa phương Đông thì mới biết nhân vật có ánh mắt cương nghị ấy là Đạt Ma Sư Tổ, vị Tổ sư đời thứ 28 và cuối cùng sau Phật Thích-Ca Mâu-Ni của Thiền tông Ấn Độ và là Sư Tổ của Thiền tông Trung Quốc. Từ đó, ông tìm đọc những cuốn sách viết về các giai thoại, điển tích của Đạt Ma Sư Tổ và si mê tranh tượng vị Tổ sư này hơn bất kỳ thứ gì.
 

Tranh, tượng Bồ Đề Đạt Ma của nhà sưu tầm Hàn Trí Sĩ treo và trưng bày ở khắp nơi trong nhà ông.


Hàn Trí Sĩ giới thiệu những bức tranh vẽ hình tượng Đạt Ma trên giấy gió mà Thiền sư Đắc Thức vẽ tặng cho riêng ông.


Hình tượng Đạt Ma được vẽ trên trứng rắn hóa thạch là một bảo vật mà Hàn Trí Sĩ luôn mang theo bên mình.


Hình tượng Đạt Ma được Họa sĩ Kim Khôi (Đồng Nai) vẽ trên sừng Trâu rừng tặng cho Hàn Trí Sĩ.

Hàn Trí Sĩ cho biết, phải mất 2 năm sau khi sang Canada sinh sống ông mới bắt gặp lại chân dung Bồ Đề Đạt Ma được in trên trang bìa của một cuốn sách có tên là Zen Buddhism của tác giả Daiset. T. Suzuki. Quá mừng rỡ, ông mua về nhà và đọc nó “ngấu nghiến”. Tốt nghiệp cử nhân sử học và Pháp văn, ông trở thành giáo viên dạy lịch sử thế giới và tiếng Pháp cho người bản xứ, ông có điều kiện đi nhiều nơi và gặp gỡ nhiều người hơn. Những người bạn đã giới thiệu cho ông các con phố có nhiều người Hoa sinh sống trên lãnh thổ Canada nói chung, đặc biệt là Toronto và Vancouver nói riêng, ở đấy, ông cứ tới các khu “chợ trời” và muốn tìm thứ gì thuộc về văn hóa phương Đông cũng có. Nghe lời bạn, Hàn Trí Sĩ một mình lặn lội tới phố người Hoa với hy vọng sẽ tìm được một vài hình tượng Đạt-ma để thỏa ước mơ. Khi đến nơi, ông bị choáng ngợp bởi hình tượng Đạt Ma Sư Tổ được người Hoa bày bán khắp phố với đủ hình dạng, kích cỡ, chất liệu. Điểm đặc trưng trong tranh tượng Đạt Ma Sư Tổ là mắt trợn trừng, râu rặm, môi mím cong, một tai đeo bông và trên vai có gậy xách chiếc giày… Ông thích thú và dốc hết túi tiền để chọn mua cho mình một vài tác phẩm ưng ý nhất, khi ra về mà đầu cứ ngoảnh lại.

Từ đó, Hàn Trí Sĩ không những tìm kiếm hình tượng Đạt Ma Sư Tổ ở Canada mà còn sang cả các nước Pháp, Mỹ, và về Việt Nam để “lùng” những bức tranh thủy mặc, đồ vật bằng gốm, sứ, đồng, gỗ, đá quý, trứng rắn hóa thạch,…có vẽ và tạo tác hình tượng Đạt-ma trên đó để mua chúng về làm “quà” cho chính mình. Mỗi lần đi nước ngoài, ông đều bỏ thời gian đi tới các con phố người Hoa, người Nhật và người Hàn Quốc sinh sống để hy vọng tìm mua được những tranh tượng Đạt Ma độc, lạ về chiêm ngưỡng cho thỏa thích. Cứ thế, suốt mấy chục năm qua, ông miệt mài đọc, đi và tìm kiếm hình tượng Đạt Ma mang về nhà và đã “vô tình” trở thành người sở hữu bộ sưu tập hình tượng Đạt Ma Sư Tổ vô cùng độc đáo.

Năm 2007, ông quyết định chuyển hẳn về Việt Nam và mang theo phần lớn những tác phẩm, tranh tượng Đạt Ma mà mình đã dày công tìm kiếm, sưu tầm, đồng thời, ông không ngừng đi sưu tầm thêm trên khắp cả nước. Tính tới nay, số lượng tác phẩm mà ông đang có trong tay lên đến hàng trăm bức tranh và hơn 600 hình tượng chân dung Bồ Đề Đạt Ma mà không tác phẩm nào giống tác phẩm nào và đều mang giá trị nghệ thuật cao. Hơn nữa, mỗi tác phẩm lại mang một ý nghĩa riêng, một giai thoại hoặc một điển tích nào đó về Đạt Ma Sư Tổ. Vì thế, người sưu tầm phải có kiến thức uyên thâm về Phật học nói chung và Thiền học nói riêng mới cảm nhận hết ý nghĩa ấy. Trong “kho tàng” sưu tập Đạt Ma của Hàn Trí Sĩ, có những tác phẩm mà niên đại của nó lên đến hàng trăm năm tuổi, cũng có những tác phẩm mới tinh nhưng vẫn được chủ nhân của nó rất yêu mến vì là “hàng độc”, “hàng lạ”. Bởi, ông quan niệm, “chơi” tranh tượng Đạt Ma không phải theo niên đại cổ hay kim, không phải là đắt tiền hay không có giá trị về mặt chất liệu, cũng chẳng phải đẹp hay xấu…mà là “chơi” bằng tinh thần, bằng cảm quan và niềm đam mê. Khi đã hiểu như vậy thì cục đá cũng là Đạt Ma, bông hoa cũng là Đạt Ma…vì chẳng ai cấm mình suy nghĩ như thế cả, bởi đó chỉ là sự thị hiện của chư Phật và Bồ Tát thôi… Phật không ở bên ngoài, không ở bên trong, không ở đằng trước, không ở đằng sau…
 

Những hình tượng Đa-ru-ma (làm theo hình tượng Đạt Ma của người Nhật và phát âm theo tiếng Nhật)
được tạo tác bằng chất liệu gỗ, trứng đà điểu, trứng ngỗng…


Một bức tranh thêu Da-ru-ma của Nhật Bản rất quý giá trong bộ sưu tập của HànTrí Sĩ.


Một góc bộ sưu tập tranh tượng Đạt Ma của HànTrí Sĩ.
.

Hình tượng Đạt Ma với chất liệu đồng
được Hàn Trí Sĩ đem về từ Canada.

Hình tượng Đạt Ma được tạo tác độc đáo bằng gốc tre.

Chân dung của Đạt Ma Sư Tổ trên lá Bồ đề.

Tác phẩm “Đạt Ma nằm trong quan tài” mà một
người bạn tặng cho Hàn Trí Sĩ với điểm nhất là con ếch, biểu tượng thiền của Nhật Bản trên nắp.

Hình tượng Đạt Ma được vẽ trên chất liệu thủy tinh
núi lửa nặng 14kg do nhà sư Đắc Thức tặng HànTrí Sĩ
.

Một số hình tượng Da-ra-ma trong bộ sưu tập
của HànTrí Sĩ.

Một số hình tượng Da-ra-ma trong bộ sưu tập
của HànTrí Sĩ.

Tác phẩm Đạt Ma đặc biệt nhất mà Hàn Trí Sĩ “yêu” say đắm là Linh tượng vị Tổ sư mặt đen bằng gốm Long Tuyền, thời Tống rất có giá trị. Một người bạn Đài Loan đã tặng ông bức tượng gia bảo mấy đời này trong một “đại sự nhân duyên” mà ông gọi đó là điều “bất khả tư nghì”. Nhiều người trong giới sưu tầm tranh tượng Đạt Ma trả giá nửa triệu USD cho “khối tài sản” này nhưng ông chỉ mỉm cười, lắc đầu từ chối “bán niềm đam mê” của mình… Giờ đây, trong căn nhà nhỏ của ông tại quận Bình Thạnh, hàng trăm bức tranh và hình tượng Đạt Ma Sư Tổ đã vây kín không gian nhà và chắc chắn, trong tương lai không xa, không gian ấy sẽ ngày một bị bó hẹp hơn vì Hàn Trí Sĩ vẫn còn chu du khắp chốn để kiếm tìm và làm giàu thêm niềm đam mê của mình./.
Bài: Đỗ Văn - Ảnh: Nguyễn Luân

Bài: Đỗ Văn, Ảnh: Nguyễn Luân

Độc đáo nghi thức rước nước trong Lễ hội làng Bát Tràng

Độc đáo nghi thức rước nước trong Lễ hội làng Bát Tràng

Năm 2025, làng gốm Bát Tràng của Việt Nam chính thức là thành viên của Làng nghề thủ công sáng tạo Thế giới. Hòa chung niềm vui đó, Lễ hội làng gốm Bát Tràng năm nay đã được lan tỏa và vươn xa ra ngoài không gian làng quê. Ấn tượng nhất của Lễ hội làng gốm Bát Tràng là nghi thức rước nước để tế tại đình làng cổ Bát Tràng nhằm tưởng nhớ công lao đức tổ nghề, tự hào về nghề gốm truyền thống cha ông truyền lại, gửi gắm ước vọng cầu cho quốc thái dân an, sự hòa bình, an vui cho quê hương, đất nước.

Top