Hơn 100 năm qua, bánh phồng Sơn Đốc (ấp Sơn Đốc, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đã trở thành một trong những sản vật nổi tiếng của xứ dừa Bến Tre với hương vị đậm đà béo ngậy khó quên của dừa, của bột nếp, và của cả hương thơm đồng nội.
Bánh phồng Sơn Đốc thơm ngon cũng bởi tinh túy nước cốt dừa. Bánh xốp dẻo, béo và khó lẫn với bất cứ thứ quà nào khác. Cái chất xôm xốp của miếng bánh hòa với vị béo ngậy của dừa như gói trọn tình cảm của người làm bánh ở quê hương Đồng Khởi. Dù bây giờ bánh phồng Sơn Đốc có thêm nhiều biến thể khác nhau như như bánh hành, bánh mặn... nhưng loại bánh phồng dừa ngọt vẫn nổi danh hơn cả.
Bà Bùi Thị Sâm, chủ một lò bánh phồng ở Sơn Đốc cho biết, bánh phồng được làm bằng loại nếp sáp, nếp Bà Bóng hoặc giống nếp bốn tháng rưỡi, là những giống nếp nổi tiếng của Bến Tre. Gạo nếp đồ thành xôi rồi cho vào cối "quết" (giã) nhuyễn cùng với các phụ liệu khác như đường cát, nước cốt dừa… Trước đây, việc quết xôi làm bánh phải cần tới những đôi chân dẻo dai của các thanh niên lực lưỡng thay phiên nhau đạp chày từ lúc nửa đêm đến sáng. Vì vậy nó trở thành nét đặc trưng vào mỗi buổi sáng ở làng nghề làm bánh phồng Sơn Đốc với những tiếng chày quết bánh thậm thịch rộn ràng. Hiện nay, khâu quết bánh phồng đã đỡ vất vả hơn nhờ có máy.
Công việc cán bánh đòi hỏi những đôi bàn tay khéo léo của các bà, các chị.
Phơi bánh phồng là một hình ảnh đặt trưng của làng nghề bánh phồng Sơn Đốc.
Những chiếc bánh phồng nướng chín vàng.
Một quán bán bánh phồng ở Sơn Đốc. |
Khâu bắt bột, cán bánh lại đòi hỏi sự khéo tay của các bà, các chị và cả các em nhỏ. Bột phải “bóc” (chia bằng tay) sao cho mỗi phần bằng nhau để tránh khi cán bánh bị quá mỏng hay quá dày. Kĩ thuật cán bánh đòi hỏi người thợ phải con mắt tinh tế và đôi bàn tay khéo để mọi chiếc bánh làm ra đều phải tròn trịa như nhau với đường kính khoảng 15cm. Bánh sau khi cán xong được mang ra sân phơi với nhiệt độ vừa phải, bởi nắng to quá bánh sẽ chai, còn gặp mưa xuống thì coi như bỏ. Cứ 10 lít nếp (1 lít bằng khoảng 600 gam) sẽ cho ra chừng hơn 300 chiếc bánh phồng. Công việc làm bánh phồng thường bắt đầu từ khoảng 3 giờ sáng và kết thúc khi nắng vừa lên. Bình thường, mùa mưa mỗi lò quết khoảng ba bốn chục lít nếp mỗi ngày. Còn vào dịp Tết, có khi quết đến hai trăm lít nếp.
Bánh phồng Sơn Đốc khi nướng nở to gấp 3-4 lần so với trước khi đem nướng. Bánh nướng chín thơm, xốp, ngon miệng. Bánh phồng Sơn Đốc cũng đã đăng kí thương hiệu từ năm 2002, gồm 3 loại: Bánh phồng sữa, bánh sầu riêng và bánh phồng nếp truyền thống. Bánh không chỉ được tiêu thụ khắp nơi trong cả nước, mà còn được đóng bao xuất khẩu sang tận châu Âu, châu Mỹ.
Ngày nay, nếu có dịp về thăm xứ dừa Bến Tre, qua cầu Rạch Miễu, theo tỉnh lộ 885 với những hàng dừa xanh bạt ngàn tỏa bóng trên những dòng kênh dẫn lối đến Giồng Trôm, du khách sẽ được chứng kiến hình ảnh các bà, các chị đội nón lá phơi từng miếng bánh phồng trên những chiếc phên nứa mỏng xếp tầng trải dài thẳng tắp dưới ánh nắng xiên ngang, đẹp như một bức tranh quê thôn dã hữu tình, và được thưởng thức hương vị thơm ngon của những miếng bánh phồng Sơn Đốc nổi tiếng./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Hữu Thành
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Hữu Thành