Ẩm thực

Bánh cóng Sóc Trăng

Nam Bộ là vùng đất nổi tiếng có nhiều món ăn ngon mang hương vị đồng quê, dân dã. Và món bánh cóng của Sóc Trăng xem ra là một ví dụ điển hình cho phong vị ẩm thực đất phương Nam.

Từ những hạt gạo trắng ngần, dẻo thơm của vùng châu thổ phương Nam màu mỡ, những người phụ nữ Sóc Trăng khéo tay đã làm nên một loại bánh thơm ngon nổi tiếng, đó là bánh cóng Sóc Trăng. Nguyên liệu chính để tạo ra chiếc bánh này là loại gạo mùa thơm ngon và những con tôm thẻ tươi rói của vùng sông nước Cửu Long. Nước mắm dùng cho món bánh thơm giòn này phải là loại nước mắm Phú Quốc nổi tiếng được chế biến từ cá cơm.


Để làm bánh cóng Sóc Trăng, người ta thường dùng một loại khuôn làm bằng nhôm, hình tròn, đáy bằng, đường kính chừng 5cm, cao khoảng 4cm, có tay cầm dài 30cm. Loại dụng cụ này dân địa phương gọi là “cóng”, có lẽ vì thế mà bánh cũng có tên là “bánh cóng”. Cách chế biến bánh cóng khá cầu kì từ khâu pha bột, kĩ thuật chiên bánh cho đến nghệ thuật pha nước chấm... nhưng bù lại sẽ cho những chiếc bánh cóng chiên vàng, ăn giòn tan, thơm ngậy mùi mỡ và ngọt lừ vị tôm tươi. Tất cả hương vị, màu sắc của chiếc bánh cóng hòa quyện vào nhau tạo thành món ăn đặc sản truyền thống lừng danh đất Sóc Trăng.

NGUYÊN LIỆU:
- 100g đậu xanh hạt.
- 200g bột gạo.
- 50g bột mì.
- 300g tôm thẻ tươi.
- 1/4 lít nước.
- 1/2 muỗng cà phê muối.
- 1 muỗng cà phê đường.
- 1 củ hành tây.
- Chanh, ớt, tỏi.
- Nước mắm ngon.
- Dầu rán.
CÁCH LÀM:
- Đậu xanh hạt ngâm nước vài giờ, đãi vỏ, hấp chín, còn nguyên hạt.
- Bột gạo và bột mì hòa với nước, quấy tan, nêm muối, đường vừa ăn.
- Hành tây và một nửa số tôm bóc vỏ băm nhuyễn trộn lẫn với bột đã sơ chế.
- Phần tôm còn lại để nguyên con.
- Chảo dầu đun thật sôi, nhúng khuôn bánh vào chảo dầu cho thật nóng.
- Lấy khuôn ra, múc bột đổ đầy khuôn, trên mặt rắc một ít hạt đậu xanh, đặt một con tôm vào giữa, sau đó cho vào chảo chiên cho đến lúc bánh trong khuôn chín vàng và nổi lên là được. Bánh chín vớt ra để ráo dầu.
- Nước chấm pha bằng nước mắm, chanh, đường, ớt, tỏi.
- Bánh cóng ăn nóng với nước chấm và rau sống (xà lách, rau thơm, khế xanh, dưa chuột...).

Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Công Đạt

Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Công Đạt

Mâm cỗ Tết xưa của người Hà Nội

Mâm cỗ Tết xưa của người Hà Nội

Tết đến, xuân về, không khí rộn ràng bao trùm khắp mọi nơi. Đối với người Hà Nội, mâm cỗ Tết không chỉ là bữa ăn đơn thuần mà còn là một tác phẩm nghệ thuật, là biểu hiện của sự tinh tế và lòng thành kính.

Top