Văn hóa

Bài chòi “xông đất” Thăng Long

Vào những ngày đầu năm mới xuân Nhâm Thìn, người dân Hà Nội có dịp được thưởng thức nghệ thuật hát Bài chòi, một "đặc sản" của người dân đất võ Tây Sơn Bình Định, ngay trên mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung Việt Nam, kéo dài từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Khi nhắc đến loại hình nghệ thuật dân gian này, người ta thường nghĩ đến hát bài chòi của Hội An ở Quảng Nam…Tuy nhiên, ít ai biết rằng, Bình Định chính là cái nôi sản sinh ra loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này. Và hiện nay, Bình Định đã phục hồi được đầy đủ mọi nghi thức, nghi lễ của Lễ hội Bài chòi cổ.
Mới đây, vào hai ngày 27 và 28/1/2012, tức nhằm ngày mồng 5 và 6 Tết Nhâm Thìn, nhân kỉ niệm 223 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 -2012), tại khuôn viên Nhà hát Kim Mã (Hà Nội) đã diễn ra Lễ hội bài chòi do chính các nghệ nhân bài chòi đất võ Tây Sơn Bình Định biểu diễn.
 

Lễ hội Bài chòi Bình Định diễn ra tại khuôn viên tại Nhà hát Kim Mã – Hà Nội.

Các nghệ nhân Bài chòi Bình Định thể hiện tài hát ứng đối tại Lễ hội.

Người quản trò đang thể hiện những làn điệu dân ca ngộ nghĩnh.

Sênh tre, một nhạc khí cổ thường có trong hát Bài chòi.

Tiếng trống chầu làm cho không khí buổi hát Bài chòi càng thêm tưng bừng, náo nhiệt.

Bộ thẻ bài dùng chơi Bài chòi.

Bàn rượu trong hội Bài chòi.

Tặng rượu cho người chơi có nhiều thẻ bài nhất.

Người chơi ngồi trên những cái chòi tre nhỏ.

Tham gia Lễ hội Bài chòi Bình Định tại Hà Nội lần này chủ yếu là những nghệ nhân có tuổi đời còn rất trẻ. Theo ông Nguyễn An Pha, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể Thao – Du lịch tỉnh Bình Định thì đây đều là những nghệ nhân thuộc thế hệ thứ ba trong làng hát Bài chòi Bình Định. Tuy còn trẻ nhưng giọng hát cũng như khả năng sáng tác và ứng khẩu tại chỗ của họ cũng đã khá nhuần nhuyễn và nhanh nhạy.
Bài chòi là loại hình nghệ thuật dân gian, vốn được hình thành nên từ nếp sinh hoạt cộng đồng của người dân nông thôn, cho nên những câu hò và làn điệu của Bài chòi đều mang tính văn chương bình dân. Nó là tiếng nói tâm tình mộc mạc, dân dã của người dân phản ánh những tình cảm cũng như các hiện tượng văn hóa, xã hội.
Cấu trúc không gian Lễ hội Bài chòi gồm có 8 cái chòi nhỏ dựng song song (mỗi bên 4 chòi) và một chòi trung tâm. Người chơi bài ngồi trên chòi được người quản trò, tục gọi là “ông hô hiệu” phát cho 3 con bài làm bằng thẻ tre hoặc gỗ có vẽ hình những con vật hoặc người tương ứng với câu hát của quản trò.
Quản trò là người có kiến thức văn chương, có tài ứng đối dí dỏm, có thể độc diễn với tiếng trống, tiếng đàn cò, tiếng phèng la… Khi con bài được rút ra, quản trò bắt đầu chạy lăng xăng, miệng không ngớt xướng to những câu thơ, câu vè ghép với tên những con bài ngộ nghĩnh, khiến người lớn lẫn đám trẻ con cười ngặt nghẽo. Tuỳ theo mỗi địa phương mà tên gọi các con bài có thể khác nhau.
Lễ hội Bài chòi Bình Định tại Hà Nội lần này là hoạt động tích cực nhằm quảng bá rộng rãi hơn nữa di sản Bài chòi của vùng đất võ. Hi vọng, chuyến “xông đất” đầu năm tại Thủ đô lần của các nghệ nhân đoàn Bài chòi Bình Định sẽ có tác động tích cực tới chủ trương đưa không gian văn hóa Bài chòi Bình Định đệ trình lên UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Huấn

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Huấn

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025: Khẳng định nhiều giá trị nhân văn sâu sắc

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025: Khẳng định nhiều giá trị nhân văn sâu sắc

Lần đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ 20 - Vesak 2025, và là lần thứ tư Việt Nam vinh dự được chọn làm nơi diễn ra sự kiện văn hóa Phật giáo trọng đại này. Qua đó cho thấy được dấu ấn, vai trò ngày càng được nâng cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo quốc tế.

Top