Asean

ASEAN: “hòn đá tảng” trong ngoại giao đa phương của Việt Nam

“Việt Nam luôn xác định ASEAN là ưu tiên hàng đầu, là “hòn đá tảng” trong ngoại giao đa phương. Đó cũng chính là tinh thần Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại đa phương trong hơn 10 năm tới”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong buổi lễ ra mắt Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020.
Cũng trong buổi lễ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 rằng, Việt Nam sẽ nỗ lực tổ chức năm Chủ tịch ASEAN 2020 đạt kết quả toàn diện với 3 thành công về nội dung, về bảo đảm an ninh, an toàn, trọng thị và thành công về quảng bá hình ảnh, đất nước Việt Nam.

Theo nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, năm 2018, GDP của ASEAN đạt gần 3.000 tỷ USD, là nền kinh tế tăng trưởng nhanh, có quy mô lớn thứ 6 trên toàn cầu.

Trong khi đó, ASEAN đã ký kết 6 Hiệp định thương mại tự do với 7 đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới. Đến nay đã có 91 quốc gia cử Đại sứ về ASEAN, 37 quốc gia tham gia Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện khu vực Đông Nam Á (TAC). Các kỳ họp hàng năm Hội nghị cấp cao ASEAN đã trở thành sự kiện quốc tế quan trọng.


Do đó, việc khởi động cộng đồng ASEAN cho phép các quốc gia thành viên hội nhập nhanh hơn vào tiến trình phát triển của khu vực, cũng như giúp ASEAN có vai trò lãnh đạo mạnh mẽ hơn vì lợi ích của người dân, song song với việc hiện thực hóa tầm nhìn bao trùm, lấy con người làm trung tâm, tạo nên sự bình đẳng trên diện rộng.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ ra mắt Uỷ ban Quốc gia ASEAN 2020.
Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Uỷ ban Quốc gia ASEAN. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn doanh nghiệp của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC)
do Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành USABC Alexander C.Feldman dẫn đầu thăm và làm việc tại Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN



 Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 1899)
tiến hành Phiên họp lần thứ tư triển khai nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp. Ảnh: Phạm Hậu – TTXVN



Tiểu ban Nội dung thuộc Ủy ban Quốc gia về chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020
(Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020), họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng,
Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Trưởng Tiểu ban Nội dung. Ảnh: TTXVN phát



 Học viện Ngoại giao Việt Nam và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS)
tại Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo “Cộng đồng ASEAN: Bản sắc và Vai trò trung tâm” vào ngày 19/3/2019. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN



Lễ trao Giải thưởng du lịch ASEAN trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019 (ATF) tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh).
Đây là năm thứ hai Việt Nam đăng cai ATF và thành phố Hạ Long được lựa chọn là điểm diễn ra sự kiện này. Ảnh: Trung Nguyên-TTXVN



Từ ngày 6-8/3/2019, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn Quan chức cao cấp Việt Nam tại ASEAN,
đã dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị các Quan chức cao cấp ASEAN (ASEAN SOM) được tổ chức tại thành phố Chiang Rai, Thái Lan. Ảnh: TTXVN


Ngày 7/3/2019, tại thành phố Pattaya, Vương quốc Thái Lan diễn ra Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 16 (ACDFM-16) 

có chủ đề “An ninh bền vững”. Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam do Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng QĐND
Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn, tham dự hội nghị. ACDFM-16.  Ảnh: TTXVN/phát


 Bộ Công thương Ấn Độ phối hợp với Liên đoàn Các phòng Công nghiệp và Thương mại Ấn Độ (FICCI),
Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Ấn Độ (AIBC) tổ chức Hội chợ và Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 4
 tại Thủ đô New Delhi (Ấn Độ).
Hội chợ có sự tham gia trưng bày, 
giới thiệu sản phẩm và dịch vụ của hơn 200 doanh nghiệp Ấn Độ và các nước ASEAN. Ảnh: Huy Lê - P/v TTXVN tại Ấn Độ


Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 21 với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và 24 nước thành viên EU 
diễn ra vào đầu tháng 1 năm 2019 tại Brussels (Bỉ) . Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng thay mặt Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự hội nghị.
Ảnh: TTXVN phát


 Đại sứ Việt Nam tại Mexico Nguyễn Hoài Dương tiếp nhận chức Chủ tịch Ủy ban Hiệp hội các quốc gia ASEAN
tại Mexico (ACMC) từ Đại sứ Philipines, Demetrio R.Tuason vào ngày
16/1/2019,. Ảnh: Việt Hùng - PV TTXVN tại Mexico


Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với tỉnh Bình Dương
khai mạc Triển lãm ảnh và phim phóng sự - tài liệu trong Cộng đồng ASEAN. Ảnh: Huyền Trang – TTXVN


Trận động đất với cường độ mạnh 7,5 ngày 28/9/2018 đã làm rung chuyển đảo Sulawesi của Indonesia và gây ra sóng thần,
cướp đi sinh mạng của ít nhất 2.073 người, khiến gần 11.000 người bị thương và gần 700 người mất tích... Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo
trong quản lý thảm họa (AHA)  là một trong những tổ chức có mặt sớm nhất để sát cánh cùng Chính phủ Indonesia, hỗ trợ các nạn nhân
và khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: TTXVN phát

Hiện nay, ASEAN đóng vai trò trung tâm trong những cấu trúc khu vực, chặng đường 50 năm tiếp theo của ASEAN ghi nhận những cơ hội và thách thức đan xen, như việc tìm ra giải pháp nhằm giữ vững vai trò trung tâm, thách thức đến từ các nước lớn, ảnh hưởng của căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc…

Thủ tướng nhấn mạnh, việc Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 có ý nghĩa quan trọng, vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Năm 2020 cũng là một năm có nhiều dấu mốc lớn đối với cả Việt Nam và ASEAN.

“Chưa bao giờ đối ngoại đa phương nói chung và hợp tác ASEAN nói riêng nhận được sự quan tâm nhiều cũng như được kỳ vọng cao đến thế. Đó sẽ là bệ đỡ tinh thần cho mỗi hành động để chúng ta có bước tiến dài hơn, vững chắc hơn trong hợp tác ASEAN”, Thủ tướng nói.

Với thế và lực mới, Việt Nam mong muốn tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp thực chất hơn nữa vào tiến trình xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN tự cường, sáng tạo, hướng tới một ASEAN hài hòa, gắn kết, bản sắc, có khả năng thích ứng cao, ngày càng phát triển thịnh vượng, có vai trò trách nhiệm trong giải quyết những vấn đề toàn cầu./.

 
Bài: VNP tổng hợp - Ảnh: TTXVN

ASEAN ứng phó với thiên tai

ASEAN ứng phó với thiên tai

Với địa hình da dạng từ đất liền đến các quốc đảo, ASEAN hứng chịu nhiều thiên tai dữ dội như: bão lũ, sóng thần, động đất, núi núi lửa phun trào, nước biển dâng…  Để tạo ra một khu vực an toàn hơn, các quốc gia ASEAN chỉ có thể cùng nhau chia sẻ và tăng cường phối hợp để phòng chống thiên tai.

Top