Giải pháp ngăn chặn xói lở biển ở Đông Nam Á

Giải pháp ngăn chặn xói lở biển ở Đông Nam Á

Đông Nam Á là khu vực ghi nhận xói mòn nhiều nhất trên thế giới. Tại Campuchia, xói mòn bãi biển xuất hiện cả ở 4 tỉnh có đường bờ biển. Khoảng 35% tổng chiều dài của các bờ biển Indonesia đã trải qua xói mòn với tốc độ trung bình, cao và rất cao. Con số này ở Malaysia là 29%, Philippine là 10%, tại Thái Lan có 11.1% đường bờ Vịnh Thái Lan bị xói mòn nghiêm trọng.

Indonesia được gọi là “xứ sở vạn đảo” bởi lãnh thổ bao gồm hơn 17 nghìn hòn đảo tạo thành quần đảo. Hầu hết các hòn đảo nhỏ của Indonesia chỉ cao hơn 1 mét so với mực nước biển và nhiều khu vực ven biển đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Các chuyên gia dự báo trước năm 2050, hàng nghìn đảo nhỏ và hàng triệu ngôi nhà ở ven biển tại Indonesia sẽ biến mất. Vì thế, theo Jakarta Post, Bộ trưởng Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết, nước này sẽ xây dựng hệ thống đê biển bao quanh toàn bộ khu vực phía bắc đảo Java mang tên “Great Garuda”, ước tính tổng chi phí dự án có thể lên tới 60 tỷ USD.

Tuyến đường nội bộ ven biển ở bãi tắm Phú Thuận (Thừa Thiên Huế) bị sóng biển đánh hư hỏng. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Bên cạnh đó, Cơ quan chức năng Thái Lan thừa nhận tình trạng xói lở bờ biển là một nguyên nhân trực tiếp của suy thoái môi trường của đất nước này. Thống kê cho thấy có tổng cộng 830 kilomet đang bị xói lở trầm trọng, chiếm chừng 27% tổng chiều dài đường bờ biển của nước này. Tình trạng xói lở bờ biển ở Thái Lan đe dọa đến hệ sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên; trong đó có các khu rừng đước ngập mặn ven biển, các rạn san hô ...

Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, quốc vương Bhumibol và hoàng hậu giúp cho ra đời Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hoàng gia tại vùng Cha-am, thuộc tỉnh Phetchaburi, thực hiện nhiều dự án như xây dựng hồ chứa nước, các đập ngăn nước trên núi đồi, trồng cây...Về sau, một chiến dịch nhằm khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn quý giá của Thái Lan đã được triển khai nhằm kêu gọi mọi người dân cả nước cùng tham gia trồng cây ngập mặn. Họ trồng những cây đước non dọc theo các cọc tre, giúp giữ đất và chống lại sóng biển đánh vào gây sạt lở.

Công nhân san lấp các hàm ếch trên thân kè thuộc Dự án kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Gio Hải - Cửa Việt (Quảng Trị).
Ảnh: Nguyên Linh-TTXVN

Trong hơn 2 thập kỷ qua, Việt Nam ghi nhận mức độ xói mòn bãi biển ngày càng gia tăng, cả về phạm vi và cường độ. Bãi biển thường là khu vực đem lại nhiều giá trị về kinh tế, cảnh quan, cũng như đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ vùng bờ nên những tổn thất do xói mòn là rất lớn và có xu hướng tăng rõ rệt cùng với thời gian. Để chống lại xói mòn bãi biển và bảo vệ bờ, một số địa phương áp dụng một trong hai nhóm giải pháp là nhóm giải pháp công trình và nhóm giải pháp phi công trình.

Tại miền Nam Philippines, các nhóm bản địa địa phương đang buộc phải thích nghi với những tác động đáng báo động của biến đổi khí hậu. Với sự hỗ trợ của Quỹ Thích ứng Đổi mới Biến đổi Khí hậu của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (AFCIA), các cộng đồng đang có những bước tiến đáng kể, để tạo ra các giải pháp bền vững.

Kè chắn sóng gây bồi, tạo bãi trồng rừng phòng hộ đoạn đê biển thuộc địa bàn huyện Hòn Đất (Tỉnh Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN

Nhấn mạnh giá trị của tre trong việc bảo vệ rừng bằng cách giúp chống xói mòn và phục hồi đất bị thoái hóa, ông Perino (Thủ lĩnh bộ lạc địa phương Jemuel, Philippines) cho biết dự án đặt mục tiêu trồng 20 ha thảm thực vật dọc theo sông Pulangi. Ngoài ra, tre cũng được cộng đồng ưa chuộng trong việc xây dựng những ngôi nhà có khả năng chống chịu tốt hơn với bão lũ.

Xói mòn bãi biển là vấn đề rất phức tạp và thường xuyên thay đổi theo thời gian và không gian. Hậu quả của hiện tượng này đối với môi trường, sinh thái và đối với nền kinh tế là khôn lường nên việc các quốc gia Đông Nam Á thực hiện các giải pháp chống lại xói mòn bãi biển, bảo vệ bờ biển là vô cùng cần thiết./.

Bài: Báo ảnh Việt Nam - Ảnh: TTXVN


Top