Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 15 của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về môi trường (AMME 15) và Hội nghị ASEAN lần thứ 15 về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới tổ chức tại thành phố Siem Reap, Campuchia đã nhất trí với những thành tựu và tiến bộ đạt được trong hợp tác và bảo vệ môi trường, đặc biệt là các ưu tiên và sáng kiến đã thực hiện để đảm bảo bền vững môi trường, thúc đẩy hơn nữa hợp tác môi trường trong khu vực.
Các bộ trưởng bày tỏ quan ngại về mức độ nghiêm trọng và sự phát tán của khói mù gần đây ảnh hưởng đến nhiều quốc gia ASEAN; rà soát tiến độ triển khai Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (AATHP) và tái khẳng định cam kết của các nước thông qua những nỗ lực của các quốc gia và hợp tác khu vực để đạt được mục tiêu một ASEAN không khói mù vào năm 2020. Các bộ trưởng đã gặp gỡ các đối tác từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc nhằm rà soát các hoạt động hiện nay và trao đổi định hướng hợp tác chiến lược trong thời gian tới về các lĩnh vực.
Các bộ trưởng cũng nhất trí thông qua Tuyên bố chung ASEAN về biến đổi khí hậu. Đây sẽ là thông điệp chính thức mạnh mẽ của ASEAN tới cộng đồng quốc tế về vấn đề biến đổi khí hậu, cách thức mà ASEAN sẽ chung tay để đối phó với vấn đề mang tính toàn cầu, thành lập nhóm công tác về giảm phát thải khí carbon trong khu vực. Tuyên bố này sẽ được trình tại Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 25 (UNFCCC COP 25), diễn ra vào tháng 12 tới tại Chile.

Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 15 (AMME 15) và Hội nghị ASEAN lần thứ 15 về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới
đã khai mạc tại thành phố Siem Reap, Campuchia đã đưa ra quyết sách toàn khối chung tay chống ô nhiễm khói bụi. Ảnh: TTXVN

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) thị sát khu vực xảy ra cháy rừng ở Nam Sumatra ngày 6/9/2019. Ảnh: AFP / TTXVN

Nhân viên cứu hỏa nỗ lực dập các đám cháy rừng ở Kampar, Indonesia, ngày 16/9/2019. Ảnh: AFP / TTXVN

Cột tro bụi bốc lên từ núi lửa Merapi, nhìn từ Karanganyar, Trung Java, Indonesia, ngày 1/6/2018. Ảnh: AFP / TTXVN

Nhiều phương tiện giao thông trong giờ cao điểm gây tình trạng ô nhiễm bụi ở Hà Nội. Ảnh: Quang Quyết / TTXVN

Người dân thủ đô Hà Nội đeo khẩu trang chống bụi đặc biệt khi tham gia giao thông. Ảnh: Danh Lam / TTXVN

Trẻ em bị viêm đường hô hấp, do ảnh hưởng của cháy rừng, được điều trị tại một trung tâm y tế ở tỉnh Riau, Indonesia ngày 15/9/2019. Ảnh: THX / TTXVN

Khói mù do các đám cháy rừng ở nước láng giềng Indonesia bao trùm thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia ngày 11/9/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Máy bay trực thăng thả bom nước dập lửa trong vụ cháy rừng tại Ogan Ilir, Nam Sumatra, Indonesia. Ảnh: AFP / TTXVN |
Năm 2019 Việt Nam là quốc gia tích cực của ASEAN trong vấn đề xử lý khói bụi. Bộ trưởng TN và MT Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đã lên Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với các mục tiêu cụ thể: Kiểm soát tốt các nguồn khí thải, tập trung vào nguồn khí thải công nghiệp, năng lượng lớn, giao thông… Ðến năm 2020 bảo đảm 80% các cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học xử lý bụi và các khí thải SO2, NO2, CO đạt Quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 90% số cơ sở sản xuất điện, 80% số cơ sở sản xuất xi-măng và 70% số cơ sở sản xuất thép, hóa chất, phân bón hóa học được đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục với các thông số theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường và kiểm kê khí thải.
Việt Nam đang triển khai các biện pháp giảm ô nhiễm bụi PM10 và PM2,5 tại các nguồn thải chính là công nghiệp, năng lượng, giao thông và xây dựng, nhất là tại các thành phố lớn…/.
Bài: VNP tổng hợp - Ảnh: TTXVN