Có một câu chuyện thú vị về anh Nguyễn Văn Như, một nông dân chính hiệu nhưng lại mê đàn đá và đã tự sản xuất ra một bộ đàn cho riêng mình. Mới đây, chúng tôi đã quyết định đến thăm anh Như để "thực mục sở thị" những gì người ta nói về câu chuyện thú vị này.
Lặn lội từ Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, sau hơn 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi có mặt tại nhà anh Nguyễn Văn Như ở thôn Bạc Ray 2, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận khi trời vừa đứng bóng. Theo yêu cầu của chúng tôi, anh Nguyễn Văn Như đã biểu diễn ngay với chiếc đàn đá tự chế có một không hai của mình. Giữa không gian tĩnh lặng của núi rừng Bác Ái, tiếng đàn đá reo vang réo rắt và vang xa, thật xa …. Ít ai ngờ người nghệ sĩ dân gian biểu diễn tài hoa này là nông dân thứ thiệt sớm hôm cần mẫn làm rẫy nuôi con.
Đường lên xã Phước Bình, huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận còn khó khăn.
Đồng bào dân tộc Ra Glai vẫn còn thói quen canh tác trên những sườn núi cao. |
Được biết, năm nay anh Như đã 52 tuổi. Quê gốc của anh ở tỉnh Bình Định, theo cha mẹ vô định cư tại thị trấn Tân Sơn từ năm 1972. Sau khi lập gia đình, anh đưa vợ con lên thôn Bạc Ray 2 thuộc xã Phước Bình khai hoang lập nghiệp. Anh nói: “Bác Ái vốn nổi tiếng là chiến khu của Cách mạng với chiếc bẫy đá đánh giặc thần kì của anh hùng Pi Năng Tắc. Đây lại là cái nôi của những bộ đàn đá Việt Nam. Tôi đã từng nghe tiếng đàn đá và mê từ lúc nào không biết. Thế nhưng, những bộ đàn đá cổ của đồng bào dân tộc khi tìm thấy đều được Nhà nước cất giữ cẩn thận ở nhà bảo tàng văn hóa, nên ít ai được nhìn thấy và nghe tiếng của chúng. Vì vậy, tôi quyết tâm chế tác bộ đàn đá mới để biểu diễn cho bà con bản làng nghe sau những mùa nương rẫy...".
Để làm được bộ đàn đá, anh Như đã phải lên núi cao tìm kiếm rồi vác từng viên đá như thế này đi bộ hàng cây số về nhà.
Về đến nhà, anh lại mày mò đo đạc, tính toán cẩn thận kích thước, độ dày mỏng của từng viên đá.
Rồi gia công chế tác.
Dụng cụ chính để làm là một chiếc máy cưa đã cũ, nên thỉnh thoảng anh lại phải cày cục sửa vì hỏng hóc.
Các thanh đá đều được anh Như đánh dấu kí âm cẩn thận.
Sau khi chế tác xong, anh Như đem ghép các thanh đá lại với nhau
thành bộ đàn đá hoàn chỉnh và dùng đàn ghi ta để xác định âm thanh của từng viên đá.
Bộ đàn đá do anh Như sản xuất nặng 107kg, nên muốn di chuyển phải cần từ 3 đến 4 người.
“Nghệ sĩ“ nông dân Nguyễn Văn Như say sưa với tiếng đàn đá trong những lúc nông nhàn.
Những lúc rảnh rỗi, anh Như còn dạy cho cô con gái cưng cách chơi đàn đá. |
Để có được bộ đàn đá mới gồm 18 thanh, nặng khoảng 107kg, anh Như đã phải mất mười năm trời lặn lội khắp núi rừng Bác Ái tìm kiếm, tuyển chọn từ hàng ngàn thanh đá. Mỗi chuyến đi rừng, anh lật gỡ từng hòn đá rồi gõ thử thanh âm của đá núi. Thật lâu anh mới tìm được một thanh đá có “tiếng nói” trong trẻo, thang âm gần gũi với các “nốt” của nhạc lí (anh có học nhạc lí lúc nhỏ ở trường phổ thông trung học). Sau đó anh kì công vác từng viên đá núi về nhà rồi kiên trì cưa, đục, đẽo từng phiến. Cho đến đầu tháng 6 năm nay, anh Như mới hoàn thiện bộ đàn đá 18 thanh. Mỗi thanh đá được anh cẩn thận đánh dấu đồ, rê, mi, fa, sol, la, si… Thanh đá lớn nhất dài 64cm, rộng 33cm, dày 3cm, nặng khoảng 10kg được anh kí âm đồ. Thanh đá nhỏ nhất dài 28cm, rộng6 cm, dày3cm, nặng khoảng 2kg được anh kí âm sól. Anh sử dụng đàn ghi ta làm nhạc cụ định âm cho bộ đàn đá mới đồng thời mời anh Nguyễn Văn Sinh công tác tại Trung tâm Văn hóa huyện Bác Ái giúp thẩm âm cho từng thanh đá. Anh đã biểu diễn thuần thục nhiều bài hát truyền thống cách mạng. Hay nhất vẫn là các bài hát: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Tiếng đàn ta lư, Cô gái vót chông, Nối vòng tay lớn...
Ước mong của anh Nguyễn Văn Như là tiếp tục biểu diễn đàn đá và mong có dịp đưa đi khắp nơi tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng nhằm giới thiệu tiếng đàn đá của núi rừng Bác Ái, của quê hương được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng đến với mọi người./.
Bài và ảnh: Hữu Thành