Asean

25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN: Quốc tế đánh giá cao vai trò của Việt Nam

Nhân kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (28-7-1995/2020), nhiều đại sứ, chuyên gia, học giả trong khu vực và quốc tế đều đưa ra những đánh giá cao về vai trò của Việt Nam trong ASEAN cũng như những đóng góp của Việt Nam trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng vững mạnh.
Philippines đánh giá Việt Nam là “thành viên quý giá” của cộng đồng các nước ASEAN

Trong bài trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ-Trưởng phái đoàn thường trực Philippines tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông Noel Servigon, đánh giá Việt Nam là “thành viên quý giá” của cộng đồng các nước ASEAN.

Nhà ngoại giao Philippines nhấn mạnh rằng Việt Nam đã tích cực đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng, đồng thời dẫn dắt các nỗ lực tiếp tục làm phong phú thêm cho chương trình nghị sự và kinh nghiệm của ASEAN.

Đánh giá về cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, cũng như những công việc mà Việt Nam cần làm để tiếp tục xây dựng Cộng đồng ASEAN, Đại sứ Noel cho rằng, năm nay ASEAN có nhiệm vụ đàm phán nhiều Kế hoạch hành động cho giai đoạn tiếp theo với các nước đối tác đối thoại, cũng như với Liên hợp quốc. Ông nhấn mạnh Philippines đánh giá cao sự lãnh đạo của Việt Nam nhằm đảm bảo các Kế hoạch hành động này được hoàn tất và góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ đối ngoại của ASEAN, cũng như duy trì vai trò trung tâm của ASEAN.

Đại sứ Indonesia tại ASEAN đề cao khả năng lãnh đạo của Việt Nam


"Việt Nam ngày càng trở thành "tấm gương" phản chiếu những lý tưởng và giá trị mà ASEAN có thể mang lại cho nhân dân các nước trong khu vực".
Ông Ahmad Ibrahim Almutaqqi - Giám đốc Chương trình nghiên cứu ASEAN thuộc Trung tâm Habibie (Indonesia)
Đại sứ-Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Indonesia tại ASEAN, ông Ade Padmo Sarwono, nhận định với tư cách là Chủ tịch ASEAN đương nhiệm, Việt Nam đã thể hiện năng lực và khả năng lãnh đạo, chèo lái ASEAN trong thời điểm thách thức chưa từng thấy này.

Đại sứ Ade cho rằng Chủ tịch ASEAN 2020 không chỉ thúc đẩy lợi ích của các nước thành viên, mà còn tăng cường và đẩy mạnh các lý tưởng của ASEAN nhằm tạo ra một khu vực thịnh vượng hơn, đồng thời tiếp tục duy trì hòa bình và ổn định.

Nhà ngoại giao Indonesia cho rằng sự đóng góp của Việt Nam sau 25 năm gia nhập ASEAN đã mở đường cho sự phát triển thịnh vượng của khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ việc thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài.



Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN XVI và XVII tại thủ đô Hà Nội. Đây là năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN
và kỷ niệm 15 năm gia nhập. Kể từ khi trở thành thành viên ASEAN, Việt Nam có nhiều đóng góp cụ thể quan trọng trong 4 lĩnh vực hợp tác chính của ASEAN
về chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và quan hệ đối ngoại Ảnh: Đức Tám-TTXVN


Lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN tham dự Lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur về xây dựng Hiến chương ASEAN, ngày 12/12/2005, tại Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: TTXVN


Lễ Thượng cờ ASEAN nhân ngày thành lập Cộng đồng ASEAN (31/12/2015), sáng 31/12/2015, tại Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN


Thanh niên các nước ASEAN tham dự chương trình giao lưu thanh niên ASEAN – Trung Quốc tại Siem Reap, Campuchia từ 26/6 – 1/7/2016.
Ảnh: Phạm Kiên – TTXVN


Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 22 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, tối 21/9/2017, tại Công viên 23-9, UBND Tp. Hồ Chí Minh
phối hợp với Tổng Lãnh sự quán các nước ASEAN tổ chức Lễ khai mạc sự kiện "Ngôi làng ASEAN tại TP Hồ Chí Minh" năm 2017. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN


Tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Chương trình "Ngày Gia đình ASEAN 2018". Tham dự chương trình có các Đại sứ,
Đại biện, phu nhân, phu quân và cán bộ, nhân viên Đại Sứ quán các nước ASEAN tại Hà Nội. Ảnh: Dương Giang – TXVN


Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Triển lãm "Ảnh
và phim Phóng sự-Tài liệu trong cộng đồng ASEAN tại Việt Nam" năm 2019. Ảnh: Ngọc Thiện - TTXVN


Quốc kỳ của đoàn thể thao Việt Nam cùng các nước Đông Nam Á chính thức tung bay tại SEA Games 25. Ảnh: TTXVN



Tại Bangkok/Nonthaburi, Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35
và tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN



Tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN
với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc (ASEAN+3) về ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị trực tuyến Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19,
sáng 14/4/2020, tại Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương website ASEAN 2020,
chiều 6/1/2020, tại Hà Nội, trong Lễ khởi động Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 21, trong chương trình tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33
và các hội nghị cấp cao liên quan tại Singapore, chiều 14/11/2018. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN



Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp nhận Chủ tịch AIPA 41 từ Thái Lan tại Lễ bế mạc Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN lần thứ 40
và tiếp nhận chức Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41), ngày 29/8/2019, ở Thủ đô Bangkok (Thái Lan). Ảnh: Trọng Đức - TTXVN


Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được ký kết tại Chile, ngày 8/3/2018.
Tham gia lễ ký có đại diện 11 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh tham gia lễ ký. Ảnh: TTXVN phát


Chiều 3/4/2020, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trao tặng trang thiết bị y tế của Chính phủ và nhân dân Việt Nam
cho Chính phủ và nhân dân Lào phòng chống COVID-19. Ảnh: Dương Giang - TTXVN


Chiều 3/4/2020, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trao tặng trang thiết bị y tế của Chính phủ
và nhân dân Việt Nam cho Chính phủ và nhân dân Campuchia phòng chống COVID-19. Ảnh: Dương Giang - TTXVN


Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trao tượng trưng hỗ trợ vật tư y tế của Chính phủ và nhân dân Việt Nam
cho Chính phủ và nhân dân Malaysia phòng, chống COVID-19, chiều 18/5/2020. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

 
Chuyên gia Malaysia đánh giá cao Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN và xử lý đại dịch COVID-19

Tiến sỹ Hoo Chew-Ping, giảng viên cao cấp về nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia Malaysia, cho rằng từ khi gia nhập ASEAN đến nay, Việt Nam đã có thể tối đa hóa lợi ích của các nền tảng ASEAN, trong đó có hội nhập khu vực, sự gắn kết chặt chẽ trong khu vực và hòa giải chính trị không chỉ ở cấp độ đối thoại nội bộ ASEAN mà còn đối thoại với các đối tác ASEAN.

Giáo sư Malaysia Yeah Kim Leng, chuyên gia kinh tế tại Đại học Sunway kiêm Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Jeffrey Cheah, Malaysia, thì nhận định rằng Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia ASEAN đi đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài tại khu vực. Theo ông, Việt Nam sở hữu tiềm năng tăng trưởng lớn trong những năm tới, vì được coi là quốc gia hấp dẫn nhất trong Cộng đồng kinh tế ASEAN khi quá trình tái định vị chuỗi cung ứng toàn cầu đang trở nên đa dạng hóa.

Chuyên gia Thái Lan đánh giá Việt Nam là thành viên tích cực và vị thế không ngừng được nâng cao tại ASEAN

Tiến sĩ Balaz Szanto, giảng viên Bộ môn Quan hệ Quốc tế, Đại học Webster của Thái Lan, đánh giá từ khi trở thành thành viên ASEAN, Việt Nam đã thể hiện vai trò rất tích cực trong việc xây dựng cộng đồng chung, với nhiều sáng kiến mang tính xây dựng và có tính khả thi cao.

Theo Tiến sĩ Szanto, trong những năm gần đây, với vị thế ngày càng được nâng cao, Việt Nam đã không ngừng thể hiện vai trò dẫn dắt trong diễn đàn khu vực quan trọng này. Ông nhận định năm 2020 chắc chắn là một năm đầy thử thách đối với thế giới và khu vực, do đó nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam trong năm nay cũng rất khó khăn.Tuy nhiên ông cho rằng Việt Nam sẽ giữ vai trò dẫn dắt, bao gồm việc thúc đẩy một thông điệp thống nhất cho ASEAN trong các vấn đề khu vực đang nổi lên.

Singapore đánh giá Việt Nam là thành viên được tôn trọng, đáng tin cậy và có tính xây dựng

Tiến sỹ Frederick Kliem, chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu chủ nghĩa đa phương, Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, nhận định Việt Nam là thành viên rất được tôn trọng, đáng tin cậy và có tính xây dựng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á-ASEAN.

Tiến sỹ Frederick Kliem cho rằng trong 25 năm qua, kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã trở thành một phần thiết yếu của tổ chức khu vực này. Việt Nam không phải là nước thành viên ban đầu của ASEAN, nhưng đạt được tiến bộ phát triển rất nhanh trong khu vực. Việt Nam là thành viên rất được tôn trọng, đáng tin cậy và có tính xây dựng trong ASEAN. Việt Nam là cầu nối giữa 5 nước ASEAN ban đầu và các nước CLM (Campuchia, Lào và Myanmar) - những nước gia nhập sau. Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối các quốc gia này.

Tiến sỹ Frederick đánh giá Việt Nam rõ ràng đóng vai trò chủ động trong cộng đồng an ninh chính trị, đặc biệt là an ninh khu vực, an ninh hàng hải. Việt Nam luôn ở tuyến đầu trong lĩnh vực này. Ông cho rằng với sự tôn trọng mà Việt Nam có được trong các nước ASEAN và trong cộng đồng toàn cầu, Việt Nam thực sự có thể đóng vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực trên.

Chuyên gia Nga đánh giá cao đóng góp to lớn của Việt Nam đối với ASEAN

Chuyên gia Nga Grigory Pavlovich Trofimchuk, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu Ý tưởng Á-Âu nhận định Việt Nam đang góp phần nâng cao vị thế của ASEAN, quảng bá hình ảnh của tổ chức này ra thế giới bên ngoài và trên phạm vi quốc tế. Ông Grigory Trofimchuk cho rằng “không chỉ Nga cần phải cảm ơn, mà chính ASEAN cũng cần cảm ơn Việt Nam về việc này”.

Đánh giá về sự phối hợp hành động giữa Việt Nam và Nga trong các vấn đề liên quan đến ASEAN, chuyên gia Trofimchuk cho rằng Việt Nam đã làm rất nhiều giúp đỡ Moskva có được sự hợp tác hiệu quả trong khuôn khổ ASEAN và thúc đẩy các lợi ích của Nga ở khu vực này. Nhờ có hiệp định tự do thương mại với Việt Nam, Liên minh Kinh tế Á-Âu đã mở rộng đôi cánh của mình đến khu vực Đông Nam Á.

Giáo sư Nhật Bản nêu bật vai trò của Việt Nam trong tiến trình đàm phán RCEP

Giáo sư Ryo Ikebe, chuyên gia về thương mại quốc tế của Đại học Senshu (Nhật Bản), khi trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Tokyo về vai trò của Việt Nam trong tiến trình đàm phán hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đã nhận định rằng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước đi đầu trong các hiệp định thương mại tự do. Do vậy, Việt Nam đóng vai trò là quốc gia tập hợp tiếng nói của 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và cô đọng các nội dung đàm phán. Tính trung tâm của ASEAN thể hiện qua tiếng nói của 10 nước thành viên rất được chú ý trong quá trình đàm phán RCEP.

Theo giáo sư Ikebe, là quốc gia đi đầu trong các hiệp định FTA, Việt Nam đang phát huy được năng lực phát ngôn lớn hơn. Trong thời điểm xuất hiện một số quốc gia đi ngược lại chủ nghĩa thương mại tự do (như Mỹ, Anh) và chủ nghĩa bảo hộ gây ra quan ngại đối với trật tự thương mại thế giới, RCEP, với trung tâm là châu Á, nếu được các nước ký kết, có thể quảng bá cho thế giới thấy hình ảnh khu vực châu Á tiến tới thương mại tự do.

Chuyên gia Australia đánh giá cao những đóng góp có ý nghĩa của Việt Nam

Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Sydney về quá trình 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, đánh giá Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN bằng cách công bố chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” và đề ra năm mục tiêu cơ bản. Tuy nhiên, sự bùng nổ của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã buộc Việt Nam phải dừng các nội dung thường lệ và tập trung vào quản lý khủng hoảng thông qua hội nghị trực tuyến. Việt Nam đã nhanh chóng tổ chức cuộc họp của các quan chức y tế ASEAN để tái kích hoạt các biện pháp hợp tác được xây dựng để đối phó với các đại dịch trước đó và khởi xướng việc hợp tác trên cơ sở khu vực. Trong thời gian tới, Giáo sư Thayer cho rằng Việt Nam và các thành viên ASEAN khác cần chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID…/.  

Bài và ảnh: TTXVN

ASEAN xây dựng nền nông nghiệp bền vững

ASEAN xây dựng nền nông nghiệp bền vững

Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ chốt tại Đông Nam Á, có ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, chính trị và xã hội của từng quốc gia thành viên và các đối tác trong khu vực. Trước tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng vẫn tiếp diễn, an ninh lương thực bị đe dọa vì các thách thức toàn cầu, các quốc gia Đông Nam Á đã đưa ra nhiều Tuyên bố về các lĩnh vực hợp tác cụ thể, trong đó có nông nghiệp bền vững. 

Top