Khám phá

Sắc màu khăn đội đầu của người La Hủ

Trong cộng đồng 54 dân tộc anh em ở Việt Nam, bộ trang phục truyền thống bao giờ cũng thể hiện những đặc trưng văn hoá của mỗi  tộc người ở từng vùng với những nét rất riêng. Và với người phụ nữ La Hủ (Mường Tè – Lai Châu), chiếc khăn đội đầu cầu kỳ, độc đáo thể hiện khát vọng sinh sống hài hòa với thiên nhiên.
Người La Hủ vấn khăn rất cẩn thận, đây là tập hợp của nhiều công đoạn để xếp chồng lên đầu bốn lớp tạo nên chiếc khăn liền với tóc hoàn chỉnh. Đầu tiên họ rẽ ngôi giữa mái tóc dài rồi cố định bởi một chiếc vòng làm bằng nhựa có màu nâu đỏ. Sau đó họ sẽ đội lên đầu chiếc khăn vải được thêu hoa văn cầu kỳ có đính cườm trắng. Là phần chính của chiếc khăn nên đây là nơi để mỗi người phụ nữ La Hủ thể hiện sự khéo léo, chăm chút trong thêu thùa.

Thường họ dùng vải màu xanh, đỏ làm nền rồi thêu hoa văn với chỉ màu để làm khăn. Tuy có nhiều màu nhưng qua những bàn tay khéo léo khăn được xử lý khi thêu khá hài hòa và quan trọng nhất nó phù hợp và đẹp theo quan niệm thẩm mĩ của người La Hủ.



Chiếc vòng làm bằng nhựa màu nâu đỏ dùng để cố định những nếp tóc là lớp đầu tiên của khăn đội đầu người La Hủ.


Lớp khăn thứ hai của chiếc khăn đội đầu của những người phụ nữ La Hủ.
Nó được làm bằng vài nhiều màu và được gấp lại trước khi đội lên.


Người  phụ nữ La Hủ cố định lớp thứ 2 của chiếc khăn truyền thống.


Sau khi đội lớp thứ 2, họ dùng dải dây thun vấn, che hết phần tóc còn lại.


Lớp thứ 3 của chiếc khăn đội đầu có những sợi tua rua dài che phía sau đầu những người phụ nữ La Hủ.


Thường từ lớp thứ 3 của chiếc khăn, họ cần một người khác giúp để hoàn thành chiếc khăn đội đầu sao cho đẹp nhất.


Dải tua rua là lớp cuối cùng trên chiếc khăn đội đầu.


Người con gái La Hủ luôn thường nuôi tóc dài để vấn tóc, đội chiếc khăn truyền thống rất cầu kỳ này.


Chiếc khăn đội đầu của người phụ nữ La Hủ nhìn từ phía sau.


Hai thế hệ phụ nữ người La Hủ ở Bum Tở. Vào ngày thường phụ nữ La Hủ mặc chiếc áo tà dài có màu đen truyền thống.
Nhưng trong dịp lễ họ mặc thêm một chiếc áo khoác ngắn được đính trang trí khá cầu kỳ.


Chiếc khăn đội đầu sặc sỡ là điểm nhấn làm nên sự khác biệt trong trang phục của người La Hủ.


Những dải tua rua trên chiếc khăn đội đầu tạo nên nét rất sinh động trong trang phục của người phụ nữ La Hủ.


Những cô gái La Hủ ở xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu
trong trang phục truyền thống đang tập múa, hát trong sân nhà văn hóa của bản.

Tiếp đến họ sẽ cột, che kín đuôi tóc dài bằng một sợi dây thun màu rồi vấn quanh đầu. Ở công đoạn vấn khăn cuối cùng, những người phụ nữ trẻ La Hủ sẽ đội lên đầu một chiếc khung tua rua đầy màu sắc. Đây là điểm dễ thấy để phân biệt lứa tuổi của phụ nữa La Hủ bởi thường thì người lớn tuổi không đội phần này.

Xưa, khi người La Hủ chưa sống quần tụ thành bản làng, mỗi quả núi có dăm ba hộ gia đình sinh sống, trong quá trình đi rừng, đi chợ, chắc khăn đội đầu là tín hiệu để họ nhận ra những người đồng tộc. Mặt khác, người La Hủ sinh sống phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, trong quán trình đi nương, đi rừng, chiếc khăn sắc màu để phân biệt giữa người và thú rừng, không bị thợ săn bắn nhầm.

Ngày nay, người La Hủ đã định cư, chiếc khăn đội đầu và bộ trang phục bắt mắt vẫn được các thế hệ người phụ nữ La Hủ giữ gìn để mặc trong những dịp lễ hội, cúng bản.

So với nhiều dân tộc khác vùng Tây Bắc, người phụ nữ La Hủ mặc những chiếc áo tà dài bó sát người duyên dáng có màu đen viền xanh khá giản dị. Bù lại chiếc khăn đội đầu sặc sỡ, cầu kỳ ôm sát đầu của họ lại tạo nét nổi bật, rất khác biệt. Không chỉ phản ánh một trình độ cao về thẩm mĩ, chiếc khăn đội đầu này là điểm nhấn tạo ra sự hài hòa trong bộ trang phục truyền thống tinh tế rất duyên dáng của người phụ nữ La Hủ./.



 

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người La Hủ ở Việt Nam có dân số 9.651 người, cư trú tại 16 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Đa số người La Hủ cư trú tập trung tại tỉnh Lai Châu (9.600 người, chiếm 99,47% tổng số người La Hủ tại Việt Nam. Trước kia người La Hủ sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy và săn bắn, hái lượm. Công cụ lao động chủ yếu là con dao, chiếc cuốc. Từ vài chục năm nay, người La Hủ đã phát triển cây lúa nước và lúa nương làm nguồn lương thực chính và dùng trâu cày kéo. Đàn ông La Hủ đan ghế, mâm, chiếu, nong nia, v.v. bằng mây rất giỏi và đa số biết nghề rèn.

 
Bài và ảnh: Việt Cường

Khám phá Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Khám phá Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Nằm khu vực Đại lộ Thăng Long (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là công trình trưng bày hơn 150.000 hiện vật, chứng tích lịch sử vô giá về những cuộc chiến tranh ở Việt Nam (đặc biệt là 2 cuộc chiến chống thực dân và đế quốc) nhằm giúp du khách tham quan tìm hiểu kỹ hơn về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đầy tự hào của quân và dân ta.

Top