Tiềm năng địa phương

Phú Mỹ phát triển nghề thủ công từ cỏ bàng

Từ những cây cỏ bàng mọc hoang dại rất nhiều ở vùng biên giới thuộc xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, đồng bào Khmer đã biến chúng thành những món đồ thủ công đẹp mắt, giúp người dân địa phương ổn định thu nhập từ nghề thủ công truyền thống.
Hiện nay, đồng cỏ bàng ở xã Phú Mỹ có diện tích tự nhiên hơn 2.500ha, cho thu hoạch quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa nước nổi, từ tháng 8 - 11 hàng năm. Hầu hết phụ nữ người Khmer ở Phú Mỹ đều biết đan cỏ bàng từ nhỏ, bởi công việc này không quá nặng nhọc, chỉ cần chăm chỉ, chịu khó dậy sớm để đi thu hoạch cây cỏ bàng.

Chúng tôi ghé vào nhà chị Trần Thị Xêm, ngụ tại ấp Kinh Mới, xã Phú Mỹ đúng lúc chị đang ngồi đan cỏ bàng làm chiếu. Đôi bàn tay thoăn thoắt với những đường đan rất đều và khéo tay của một người đã theo nghề hơn 20 năm đang chuẩn bị hoàn thành một sản phẩm đẹp mắt. Khoảng sân rộng phía trước là nơi dùng để phơi những bó cỏ bàng mà chị vừa mới đi thu hoạch về. Chị Xêm kể, hằng ngày chị phải dậy từ rất sớm để đi nhổ cỏ bàng, tới tầm 9-10h sáng thì mang về và phơi ngoài sân khoảng 2-3 ngày cho khô. Chị Xêm cho biết việc nhổ cỏ cũng phải đúng cách nếu không sẽ bị đứt gốc, hay bị dập thân cỏ, sợi cỏ bàng sẽ không đều nhau.


Khu trồng cỏ bàng thử nghiệm của Ban quản lý Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Phú Mỹ
góp phần bảo tồn và duy trì diện tích đồng cỏ bàng và hệ sinh thái trong khu vực.


Phụ nữ Khmer thu hoạch cỏ bàng.


Cỏ bàng sau khi thu hoạch về sẽ được phơi khô.


Công đoạn đưa cỏ bàng sau khi phơi khô vào máy ép để chọn lọc và tạo ra kích thước đồng đều.


Kích thước của cỏ bàng khác nhau sẽ làm ra những sản phẩm thủ công khác nhau.


Đôi bàn tay lành nghề của người phụ nữ Khmer thoăn thoát và khéo léo đan từng sợi cỏ bàng một cách đều và đẹp mắt.


Các tấm đệm cỏ bàng sau khi đan xong sẽ được mang đi phơi lại để đạt được độ khô nhất định.


Công đoạn dán miếng vải hoặc miếng da để làm quai xách cho giỏ làm từ cỏ bàng.


Dùng máy may để may lại miếng dán cho chắc chắn.


Các công nhân đang làm việc tại Khu bảo tồn loài  – sinh cảnh Phú Mỹ.

Sau khi phơi khô, cỏ bàng được lựa chọn những cọng đều nhau, sau đó đưa vào máy ép để cho ra những sản phẩm đồng đều, rồi mang đi nhuộm, phơi khô trước khi đan. Công việc đan lát các sản phẩm từ cỏ bàng khá nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự khéo léo, nên phù hợp cho phụ nữ và trẻ em làm công việc này.

Anh Lý Hoàng Bảo, phụ trách bộ phận Thủ công mỹ nghệ Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ cho biết, trước đây bà con người Khmer chủ yếu dùng cỏ bàng để đan đệm, túi, nhưng hiện theo xu thế của thị trường và được hỗ trợ dạy nghề nên bà con đã biết đan rất nhiều loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng, trong đó có các sản phẩm chính như túi thời trang, đồ gia dụng, chiếu, nệm, nón, giỏ xách bao bì...

Nghề đan cỏ bàng Phú Mỹ hiện còn nhiều tiềm năng vì đây là sản phẩm thân thiện với môi trường, rất được nhiều người ưa chuộng, nhất là ở các nước phát triển. Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ đang tạo công ăn việc làm cho khoảng hàng trăm lao động nhận việc làm các sản phẩm cỏ bàng tại nhà cũng như trực tiếp làm việc tại cơ sở, trong đó 90% là bà con người Khmer. 

Các sản phẩm cỏ bàng do bà con làm ra được ký kết với Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Vĩnh Long đảm bảo đầu ra 100%. Tổng số lượng mặt hàng sản phẩm của làng nghề khoảng 200.000 sản phẩm/năm, doanh thu đạt 6-7 tỷ đồng. Sảm phẩm từ cỏ bàng xuất đi nhiều nước ở châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc./.


Một số sản phẩm thủ công đẹp mắt được làm từ cỏ bàng:













 
Bài và ảnh: Sơn Nghĩa – Thành Đạt


Top