Kinh tế

Nuôi tôm sinh thái trong rừng ngập mặn

Dự án MAM (Bảo tồn rừng ngập mặn dựa vào nuôi tôm bền vững và giảm phát thải) được thực hiện tại tỉnh Cà Mau​​ nhằm hỗ trợ việc nuôi tôm sinh thái kết hợp với rừng ngập mặn đang tạo ra hiệu quả trông thấy khi vừa phát triển kinh tế cho người nông dân vừa phục hồi và mở rộng diện tích rừng ngậm mặn đã mất.
Cà Mau hiện là tỉnh chiếm nửa diện tích rừng ngập mặn tại Việt Nam với diện tích gần 72.887 ha rừng ngập mặn tập trung ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi và Phú Tân. Những năm qua diện tích rừng ngập mặn ở Cà Mau giảm dần do việc mở rộng ồ ạt các ao nuôi tôm thâm canh (Cà Mau là tỉnh sản xuất 50% sản lượng tôm của Việt Nam). Tuy nhiên, ngành nuôi tôm đang gây ra những tổn hại nghiêm trọng đối với rừng ngập mặn và môi trường. Vì vậy, phải có hướng đi bền vững cho ngành nuôi tôm và rừng ngập mặn. Chính vì thế, Cà Mau là nơi được chọn làm giai đoạn 1 của dự án MAM.

Dự án MAM bắt đầu thực hiện từ năm 2012 được hỗ trợ bởi Sáng kiến Khí hậu quốc tế do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên Bang Đức (BMUB) tài trợ, do Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thực hiện nhằm giúp khôi phục rừng ngập mặn và xúc tiến chứng chỉ sản phẩm hữu cơ tôm sinh thái (Naturland) tại Cà Mau.



Dự án MAM - Bảo tồn rừng ngập mặn dựa vào nuôi tôm bền vững và giảm phát thải thực hiện tại tỉnh Cà Mau​​ 
nhằm hỗ trợ việc nuôi tôm sinh thái kết hợp với rừng ngập mặn.



Trước tác động của biến đổi khí hậu, nuôi tôm kết hợp trong rừng ngập mặn là một ví dụ điển hình về thích ứng dựa trên hệ sinh thái.


Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cùng chia sẻ kinh nghiệm
cũng như hướng phát triển nuôi tôm sinh thái cho người nông dân ở Cà Mau.



Các chuyên gia của SNV và IUCN Khảo sát thực địa nuôi tôm sinh thái trong rừng ngập mặn của MAM.


Kiểm tra độ mặn môi trường nước.

Mô hình nuôi tôm sinh thái trong rừng ngập mặn của MAM bắt buộc nông dân phải thực hiện theo yêu cầu của mình là kết hợp nuôi tôm truyền thống quảng canh với môi trường ngập mặn tự nhiên. Đó là trong ao nuôi tôm phải có 50% độ che phủ rừng ngập mặn. Con giống chất lượng cao và thả không được vượt quá 20 con/m2/ năm. MAM sẽ tổ chức huấn luyện các kỹ thuật nuôi tôm sinh thái cho nông dân. Đáp ứng được tiêu chí đó, nông dân sẽ được cấp chứng chỉ Naturland (Sản phẩm hữu cơ tôm sinh thái) và giấy chứng nhận này được công nhận trên toàn cầu.

Gia đình ông Võ Minh Tuấn (xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) tham gia dự án MAM chia sẻ: “Nuôi tôm sinh thái trong rừng ngập mặn là hướng đi rất chắc ăn và hiệu quả vì giảm đi rất nhiều chi phí về thức ăn và công sức chăm sóc tôm do sống trong môi trường tự nhiên. Hơn nữa, tôm ít bị dịch bệnh nên phát triển tốt, mức độ rủi ro thấp. Ngoài ra, nông dân có thu nhập thêm về khoản tiền gọi là dịch vụ hệ sinh thái rừng do bảo vệ rừng ngập mặn”. Với 5 ha nuôi tôm sinh thái, mỗi năm gia đình ông Tuấn thu về 200 triệu.

Với mỗi ha tôm sinh thái, người nuôi sẽ lãi 40 triệu đồng. Tuy không lời nhiều bằng hình thức nuôi tôm thâm canh và tôm lúa nhưng nó lại là hướng phát triển bền vững vì nó giữ được rừng, không ô nhiễm môi trường và gần như người nông dân không thua lỗ. Hơn nữa, giá tôm sinh thái cao hơn 10 – 15 % giá nuôi tôm thường. Tôm sinh thái được dự án MAM đàm phán với Công ty Minh Phú (Công ty chế biến thủy sản lớn thứ hai thế giới về giá trị xuất khẩu tôm) mua toàn bộ cho bà con nông dân. Trong 3 năm qua, dự án MAM đã tập huấn gần 2.000 hộ về hệ sinh thái, chứng chỉ tôm sinh thái quốc tế và các kỹ thuật nuôi tôm sinh thái. Gần 800 hộ nuôi tôm đã được cấp chứng chỉ, 1.500 hộ hiện đang trong quá trình xin cấp chứng chỉ. Hơn 200 hộ dân đã được chi trả tổng cộng gần 300 triệu đồng cho dịch vụ hệ sinh thái rừng.

Đến nay, hiệu quả mà dự án MAM mang lại là rất rõ rệt đã được khẳng định bằng giá trị kinh tế và bền vững môi trường. Mô hình nuôi tôm sinh thái ngày càng thu hút nhiều hộ dân tham gia và là con đường thoát nghèo và làm giàu của nông dân. Đặc biệt, chỉ 3 năm qua, 80 ha rừng ngập từng bị phá hủy để nuôi tôm trong các thập kỷ trước đã được dự án MAM trồng lại.



Thành quả tôm sinh thái.


Ngoài tôm, cá Nâu cũng đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ nuôi trong vùng.


Cua thành phẩm trong đầm tôm sinh thái.


Nguyên liệu tôm sinh thái thành phẩm...


... được Dự án MAM đàm phán với Công ty chế biến thủy sản Minh Phú mua toàn bộ cho bà con nông dân...


... và xử lý đóng gói sản phẩm tôm sinh thái đưa ra bán ở các thị trường trong và ngoài nước.

Tại hội nghị tổng kết giai đoạn I (Từ 2013 – 2015) của Dự án MAM vào tháng 2 năm 2016 tại Tp. Hồ Chí Minh, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau cho biết: “Cà Mau dự kiến nâng diện tích tôm sinh thái có chứng chỉ lên 20.000 ha vào năm 2020 nhằm nâng cao diện tích rừng ngập mặn được bảo vệ tại khu vực. Hướng đến thành lập một “Vùng bờ biển sinh thái”, vừa sản xuất tôm có chứng nhận với giá trị kinh tế cao, vừa bảo vệ chống nước biển dâng và các cơn bão mạnh. Trước tác động của biến đổi khí hậu, nuôi tôm kết hợp trong rừng ngập mặn là một ví dụ điển hình về thích ứng dựa trên hệ sinh thái”./.
 
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Đặng Kim Phương

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Với mong muốn giải quyết tình trạng thiếu cơ hội sinh kế và thu nhập thấp của thanh niên dân tộc thiểu số, Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản đã triển khai dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho Thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Giang và Lai Châu” giúp các thanh niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động có thêm kiến thức về phát triển kinh tế và mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

Top