Chân dung

Người đối đầu với dịch bệnh

Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, người có thâm niên hơn 30 năm trong lĩnh vực điều trị bệnh truyền nhiễm, và cũng là người đã nhiều lần đối mặt với những “đại dịch” chết người để cứu sống bệnh nhân.
Những ngày hè oi bức, đường phố Hà Nội hầm hập nóng, các phòng khám ở Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương chật kín người. Chờ đợi khá lâu, chúng tôi mới gặp được bác sĩ Nguyễn Hồng Hà sau khi ông vừa cùng các đồng nghiệp đi thăm khám một ca bệnh nhiễm khuẩn nặng trở về.

Mặc dù bận rộn với công tác quản lý nhưng bác sĩ Nguyễn Hồng Hà vẫn dành thời gian trực tiếp khám chữa bệnh và cấp cứu cho các bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm; tham gia các lớp tập huấn, giảng dạy chuyên môn cho các bác sĩ ngành truyền nhiễm trong cả nước. Ông còn tham gia và chủ trì nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước về phòng chống bệnh dịch như: cúm A (H5N1), cúm A (H1N1), bệnh chân tay miệng… Ngoài ra, ông còn được mời hợp tác nghiên cứu với nhiều tổ chức y tế và trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới như: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Trung tâm Y tế Quốc tế Nhật Bản (IMCJ), Đại học Oxford của Anh...

Năm 1977, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà tốt nghiệp chuyên ngành truyền nhiễm Đại học Y Hà Nội. Ra trường, ông về làm việc tại Khoa truyền nhiễm của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Tại đây, ông trực tiếp tham gia điều trị các bệnh truyền nhiễm nặng và cùng các đồng nghiệp tham gia nhiều đợt chống dịch tại nhiều địa phương trong cả nước.

Qua 29 năm làm bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai (từ 1977 đến 2006), trong đó có 25 năm làm ở Khoa cấp cứu, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà đã trực tiếp cứu chữa và điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân.
 

Bác sỹ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương.


Ông là một chuyên gia đầu ngành của Việt Nam về các bệnh nhiệt đới.


Mặc dù bận rộn với công tác quản lý nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian để trực tiếp khám và điều trị cho người bệnh.


Đặc biệt, ông thường trực tiếp theo dõi và điều trị cho những ca bệnh nặng.


Gần 30 năm trong nghề, ông đã cứu chữa cho hàng nghìn bệnh nhân.

Đặc biệt, năm 2003, đại dịch SARS bùng nổ khiến cả thế giới hoảng loạn, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Chỉ trong một thời gian ngắn, dịch SARS, một căn bệnh mới lạ mà trong y văn thế giới hoàn toàn không có bất cứ một thông tin gì, đã bao trùm 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm 8422 người mắc, trong đó có 916 người chết. Riêng tại Việt Nam có 63 ca nhiễm SARS. Trong đó Bệnh viện Việt Pháp ở Hà Nội có 37 cán bộ nhân viên y tế nhiễm bệnh, 5 bệnh nhân tử vong.

Trước tình huống khẩn cấp ấy, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Bạch Mai (nay là Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương) được Bộ Y tế giao nhiệm vụ trực tiếp thu nhận và điều trị bệnh nhân SARS. Ngay lập tức, Viện quyết định thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt.

Vào thời điểm đó, với vai trò là Trưởng Khoa cấp cứu của Viện, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà cùng toàn thể đội ngũ y bác sĩ của Viện đều ý thức được mức độ nguy hiểm của bệnh dịch, nhưng bằng tấm lòng của người thầy thuốc và trách nhiệm trước xã hội, ông và các đồng nghiệp bất chấp nguy hiểm, sự xa lánh của người thân vì sợ lây bệnh, kiên trì bám Viện để dập dịch, cứu người.

Bản thân ông cũng thường xuyên có mặt, kể cả ngoài giờ làm việc, để trực tiếp tham gia khám, chăm sóc, chữa bệnh và chỉ đạo kiểm tra đôn đốc các cán bộ y tế hoàn thành nhiệm vụ. Sau 43 ngày đêm kiên trì bám trụ, bằng hàng loạt phác đồ điều trị, bao gồm cả việc táo bạo cho mở cửa phòng bệnh để giúp thông thoáng, giảm tích tụ mầm bệnh, lợi dụng ánh sáng mặt trời tiêu diệt mầm bệnh và đặc biệt là lòng dũng cảm, bất chấp nguy hiểm, dám xả thân vì người bệnh, ông và các đồng nghiệp đã làm nên kỳ tích cứu sống 34 bệnh nhân, không để nhân viên nào của Viện bị lây nhiễm, góp phần khống chế thành công đại dịch SARS ở Việt Nam. Với thành tích này, năm 2003, Việt Nam được thế giới công nhận là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công đại dịch SARS. Cũng với thành công này, năm 2005, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà được trao giải thưởng Kova vì có thành tích chống SARS.

Sau thành công với dịch SARS, năm 2004, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà cùng tập thể y bác sĩ của Viện tiếp tục đối mặt với thử thách khắc nghiệt thứ hai, đó là dịch cúm A (H5N1) với bệnh cảnh suy hô hấp nặng và tỉ lệ tử vong rất cao (trên 60%). Không ngại nguy hiểm, ông cùng các đồng nghiệp lại tiếp tục lao vào trận chiến mới, tích cực tìm hiểu nghiên cứu các tiến bộ y học thế giới để tìm ra giải pháp điều trị thích hợp.

Năm 2006, ông về làm Phó Giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, trung tâm điều trị các bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Việt Nam. Tại đây, ông tiếp tục phát huy sở trường của mình.

Không chỉ đối đầu với những trận đại dịch kinh hoàng như SARS, cúm A (H5N1), ở đất nước nhiệt đới gió mùa nóng ẩm rất dễ hình thành các loại bệnh truyền nhiễm như Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà còn phải trực tiếp tham gia xử lý nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm khác như dịch cúm A (H1N1), dịch tả, sốt xuất huyết, dịch sởi, dịch Rubela, bệnh do liên cầu lợn gây nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não…

Có thể nói, cả cuộc đời hơn 30 năm trong nghề, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà luôn đối diện và lăn xả trong những cuộc chiến chống lại các loại bệnh truyền nhiễm, trong đó có những trận “đại dịch” nguy hiểm không chỉ sẵn sàng cướp đi sinh mạng của người bệnh mà kể cả tính mạng người thầy thuốc tham gia chống dịch.

Với những đóng góp lớn trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm, năm 2005, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Tháng 10/2010, ông được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội truyền nhiễm Việt Nam.

Dù ở bất kỳ cương vị nào, làm thầy thuốc hay nhà quản lý, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hồng Hà vẫn luôn tâm niệm: “Niềm vui lớn nhất của tôi là mỗi bệnh nhân của mình được trở về với cuộc sống”./.
Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Tất Sơn

Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Tất Sơn

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Với bàn tay tài hoa và cái tâm của người thầy thuốc, Lương y Cao Văn Minh - người được kế thừa các bài thuốc quý gia truyền của dòng tộc Cao và được đào tạo bài bản tại trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, đã và đang điều trị các bệnh lý về xương khớp, đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ và bại liệt cho hàng chục ngàn bệnh nhân ở Việt Nam và nước ngoài.

Top