Văn hóa

Màu xanh trên kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè

Nhiều năm trước, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là dòng kênh bẩn nhất Tp. Hồ Chí Minh, nhưng giờ đây nó đã thay da đổi thịt, khoác lên mình chiếc áo mới màu xanh và là con kênh đẹp nhất của Thành phố.

Trước 1975, hai bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nhà dân san sát và đại bộ phận là dân lao động nghèo. Họ từ khắp nơi dạt về Sài Gòn kiếm sống. Không có chỗ ở, họ phải tìm đến bên bờ kênh cắm cọc, lót sàn, che vách dựng tạm túp lều tá túc qua ngày. Mỗi nhà chỉ vài ba chục mét vuông, lợp tôn, giấy dầu hay lợp lá… Trong những căn nhà ấy là năm, bảy đến mười người chen chúc sinh sống cùng mối, dán, bọ, chuột… Mọi thứ sinh hoạt đều xả xuống kênh rạch. Dần dần, bờ kênh đầy rác, nước đen kịt, đặc quánh, hôi thối nồng nặc. Đoạn này trải dài trên địa phận của 7 quận, trong đó có các quận trung tâm thành phố như quận 1 và quận 3. Đây là nơi ngụ cư của 50.000 hộ với dân số sống dọc kênh khoảng 1,2 triệu người.

Sau giải phóng, Ủy ban Nhân dân Tp.Hồ Chí Minh xác định cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là công trình trọng điểm phải bắt tay vào nghiên cứu và thực hiện ngay, quyết tâm xóa sổ dòng kênh đen, thối và nhếch nhác này để thay đổi cuộc sống của người dân cũng như tạo dựng bộ mặt mới cho cảnh quan đô thị.

Cùng với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, năm 1993 Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh triển khai dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1 với số tiền là 8.600 tỷ đồng, trong đó vốn ODA của WB là 5.252 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách Thành phố là 3.348 tỷ đồng và phải di dời tới 7.000 hộ dân. Dự án đã đã nạo vét hơn 1,1 triệu tấn bùn, đóng hơn 16.000m cừ betong kè hai bên bờ kênh và xây dựng hai tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa chạy dọc hai bên bờ kênh với tổng chiều dài 15km giúp giao thông thông thoáng. Sau gần 20 năm thi công với rất nhiều hạng mục quan trọng, đến tháng 8/2012, dự án được khánh thành trong niềm vui của hàng triệu người dân.

Dự án hoàn thành đã làm thay đổi bộ mặt thành phố, tác động rất lớn về mặt kinh tế, dân sinh và xã hội, mang lại lợi ích trực tiếp cho trên 1,2 triệu người thông qua việc cải tạo điều kiện vệ sinh, giảm nguy cơ ngập lụt, đồng thời còn giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến đường như Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng Tám, Nam Kỳ Khởi Nghĩa…

 


Chạy dọc hai bờ kênh là hai tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa.


Một đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở khu vực quận 3.


Lan can bảo vệ an toàn được thiết kế dọc theo hai bờ kênh với vẻ đẹp hài hòa.


Hệ thống tưới nước tự động cho cây xanh hai bờ kênh.


Những giàn cây leo phủ xanh trên một cây cầu bắc qua dòng kênh.


Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là địa giới tự nhiên
tách biệt khu trung tâm thành phố với các quận ngoại thành ở Tp.Hồ Chí Minh.


Một trung tâm thể dục thể thao hiện đại bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.


Những hàng cây xanh rợp bóng mát hai bên bờ kênh.


Vỉa hè thoáng mát tạo không gian thư giãn cho người dân.


Nhiều thiết bị tập thể dục được lắp đặt hai bên bờ kênh
giúp cho người dân có điều kiện luyện tập thể thao, nâng cao sức khỏe.


Bóng dáng một ngôi chùa cổ in bóng xuống dòng kênh xanh.


Vẻ đẹp hiện đại của các đô thị mới ngày càng xuất hiện nhiều bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Ngày nay, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở thành niềm tự hào của người dân Tp. Hồ Chí Minh. Dòng kênh nước đen xưa nay đã trở lại với dòng nước xanh, những đàn cá cũng đã trở về tung tăng trong dòng nước trong lành và chiều chiều người dân lại đi bộ dọc hai bên bờ để hóng mát. Con đường Trường Sa và Hoàng Sa hai bên bờ kênh rợp bóng những hàng cây xanh. Bên những thảm cỏ xanh ven đường là vỉa hè rộng, sạch dành cho người đi bộ… Đêm đến, hoạt động kinh doanh nhộn nhịp, sầm uất với các dãy hàng ăn, quán cà phê... Khi Thành phố lên đèn, dòng kênh như một dải lụa mềm mại, uốn lượn vắt qua các quận trong ánh sáng lung linh sắc màu. Các công ty du lịch bắt đầu mở tour trên dòng kênh này.

Dân sinh sống dọc hai bờ kênh đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng lại nhà cửa. Cả không gian trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè nói chung và dọc hai bờ con kênh này nói riêng đã thay đổi hoàn toàn. Ông Nguyễn Thanh Sương, nhà ở quận 3, sống bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ năm 1992 chia sẻ: “Hồi đó, có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ dòng kênh này lại sạch đẹp như bây giờ. Hôm khánh thành con kênh, bà con nơi đây vui mừng khôn xiết”.

Theo ông Phan Châu Thuận, Giám đốc Ban quản lý Dự án vệ sinh môi trường Tp. Hồ Chí Minh giai đoạn 2 cho biết, dự án sẽ được khởi công từ năm 2015. Tổng số vốn thực hiện giai đoạn 2 là 542 triệu USD, trong đó vốn vay ODA là 450 triệu USD, số còn lại từ nguồn vốn đối ứng của Thành phố. Dự án gồm các hạng mục chính như: xây tuyến cống bao từ giếng Bờ Đông đến Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè tại quận 2, xây nhà máy xử lý nước thải công suất 480.000 m3/ngày, xây mạng lưới cống thoát nước cấp 2, cấp 3 và hệ thống đấu nối hộ gia đình tại quận 2… Đến năm 2019, dự án sẽ hoàn thiện toàn bộ./.

 
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Nguyễn Luân

Nhớ tranh Tết làng Sình

Nhớ tranh Tết làng Sình

Ngày xưa, những ngày áp Tết, khắp các khu chợ ở Huế đâu đâu cũng có bày bán tranh làng Sình, loại tranh thờ nổi tiếng của làng Lại Ân ở Huế, thành ra cứ nhắc đến tranh làng Sình là người Huế lại nôn nao nỗi nhớ Tết về.

Top