Khám phá

Lễ mừng nhà Rông mới của người Bahnar

Đối với cư dân Bắc Tây Nguyên nói chung, nghi lễ mừng nhà Rông mới được coi là lễ hội lớn nhất trong các nghi lễ của người Bahnar. Lễ hội này được tiến hành ở nhà Rông của làng nơi cộng đồng dân tộc Bahnar sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội họp và là địa điểm để phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đến bà con nhân dân.
Nghi lễ mừng nhà Rông mới là dịp để toàn thể dân làng thực hiện lời hứa và trả ơn thần linh về những giúp đỡ của các thần linh đối với cộng đồng dân làng.

Trong khi thực hiện nghi lễ, già làng sẽ khấn, cầu xin thần linh tiếp tục giúp đỡ để cả cộng đồng được mạnh khỏe, bình yên và có những mùa vụ sắp tới tốt tươi. Cộng đồng dân làng thường dùng 2 con heo, 3 con gà và từ 5-6 ghè rượu cần để tế thần linh trong nghi lễ này. Mỗi hộ gia đình thường đóng góp một ghè rượu để cột vào các cột trong nhà Rông mới nhằm cùng chung vui với dân làng.

Điều hành công việc tế lễ mừng nhà Rông mới của người Bahnar là những già có uy tín trong làng và do một già làng (Bok Kra) đứng đầu. Dân làng tin rằng, Bok Kra là người được thần linh thừa nhận, giao trọng trách hướng dẫn bà con trong làng nên uy tín rất cao.


Khi tiếng chiêng báo hiệu cất lên, mọi người trong buôn từ già, trẻ, gái, trai đều tập trung về khu vực nhà Rông để chuẩn bị làm lễ.


Các già làng chuẩn bị những lễ vật cho lễ cúng mừng nhà rông mới.


Cây nêu được dựng trước cửa nhà rông chuẩn bị cho lễ cúng.


Những vật phẩm được chuẩn bị cho lễ cúng trước cửa nhà rông.


Các già làng thực hiện nghi lễ.


Rượu cần và thịt được chuẩn bị bên trong nhà rông.


Quang cảnh nơi làm lễ bên trong nhà rông.


Các già làng làm nghi lễ cúng trong nhà rông và thực hiện nghi thức uống rượu cần.


Đội cồng chiêng nhí người Bahnar vừa đi xung quanh các già làng vừa diễn tấu cồng chiêng trong lúc diễn ra các nghi thức cúng mừng nhà Rông mới.


Già làng làm phép lên những chi tiết bên trong nhà Rông.


Sau khi kết thúc nghi lễ cúng mừng bên trong, mọi người cùng tập trung trước nhà Rông để tiếp tục làm lễ.


Các nghệ nhân nhí đánh cồng chiêng


Các già làng và người dân thưởng thức rượu cần trước nhà Rông.


Đội cồng chiêng diễn tấu trong suốt quá trình diễn ra nghi lễ cúng mừng nhà Rông mới.


Sau khi kết thúc lễ cúng mừng nhà rông mới, các già làng, nghệ nhân cồng chiêng
và du khách tạo thành vòng xoang cồng chiêng, nhảy múa và thưởng thức rượu cần.

Khi nhà Rông được cả làng chung tay hoàn thành, già làng sẽ tập hợp các già khác trong làng lên nhà Rông và bàn bạc thống nhất vật chất hiến tế và chọn thời gian phù hợp để làm lễ mừng nhà Rông mới.

Theo truyền thống, già làng và những người giúp việc dựng một giàn tế nhỏ ngay dưới chân cầu thang nhà Rông để làm lễ thông báo với ông bà tổ tiên về lễ hội được tiến hành. Lễ vật dâng cúng là 2 con heo, 3 con gà và 6 ghè rượu.

Sau khi 3 già làng có uy tín cùng đọc lời khấn tổ tiến, già làng chính lấy huyết gà trộn với rượu khấn ngay chân nhà Rông. Thanh niên trong làng chuẩn bị nến, ghè, chén đồng, bầu và ghè rượu, thịt rượu bố trí theo đúng yêu cầu của già làng. Theo đó, ghè rượu cúng tế thần linh được cột ngay chính giữa nhà Rông, vị trí quan trọng nhất. Ghè rượu thứ 2 được cột chỗ dựng cây Nêu có sẵn trong nhà Rông và sau đó các ghè của hộ gia đình cột nối theo.

Công tác chuẩn bị xong, những người già có uy tín trong làng bắt đầu làm lễ khấn báo lên ông bà tổ tiên. Hướng về phía mặt trời mọc, đồng thanh đọc lời khấn, sau đó già làng lấy rượu pha với huyết đổ từng cột nhà Rông, đọc lời khấn, rồi các già làng cùng nhau uống rượu trước.

Sau khi làm xong những nghi lễ ở ngoài sân, các già làng tiến vào nhà rông, buộc 1 ghè rượu cúng vào cây Nêu cố định có sẵn đã được trang trí ở chính giữa nhà Rông đối diện cửa ra vào. Và dàn trống chiêng, xoang bắt đầu đánh, múa 3 vòng quanh sân nhà Rông.

Cúng khoảng 45 phút các già làng di chuyển để thực hiện những công việc có tính chất nghi lễ tiếp theo: Rượu hòa với huyết sẽ được dùng làm nước tẩy rửa những vật linh thiêng (lấy rượu với huyết quét lên từng cột nhà Rông) sau đó cái bầu đựng huyết với rượu được cất giữ trong nhà Rông.

Cuộc vui với những điệu xoang uyển chuyển và điệu cồng chiêng rộn ràng vẫn tiếp tục như thế trong vòng 3 ngày.

Ngày nay, dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng lễ cúng nhà Rông mới của người Bahnar ở Tây Nguyên vẫn được tổ chức, góp phần bảo tồn, gìn giữ, quảng bá một nét đẹp trong đời sống văn hóa các dân tộc Tây Nguyên./.
Thực hiện: Công Đạt

Độc đáo Lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng

Độc đáo Lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng

Nằm tại phía Bắc Việt Nam, Cao Bằng tự hào là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Trong số đó, Lễ hội Nàng Hai ở xã Tiên Thành, Cao Bằng là một điểm sáng nổi bật vì nó mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Tày. Lễ hội diễn ra nhằm thể hiện lòng biết ơn, tôn kính với thiên nhiên và cầu mong cầu cho mùa màng bội thu.

Top