Phóng sự chuyên đề

Hải Hậu- Điểm sáng Nông thôn mới Việt Nam

Với truyền thống văn hóa, lịch sử và phát triển hàng nghìn năm, Hải Hậu luôn giữ được bản sắc văn hóa người Việt Nam chân chất, hồn hậu. Ngày nay, được cộng hưởng từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới đã đưa Hải Hậu (Nam Định) trở thành một trong điểm sáng kiểu mẫu của Phong trào xây dựng Nông thôn mới ở Việt Nam. Nhiều người đánh giá Hải Hậu là vùng quê đáng sống, ông Nguyễn Văn Tìm, Bí thư Huyện ủy cho biết, Hải Hậu tiếp tục xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu với phương châm “Đường có điện có hoa, nhà có tên, sông không rác, cán bộ chuyên cần, nhân dân đồng thuận”.
Hải Hậu- Nông thôn xanh

Đến ngay cửa ngõ của huyện Hải Hậu, chúng tôi đã cảm nhận được nhịp sống thật bình yên và trù phú. Đường làng, ngõ xóm xen lẫn giữa màu xanh của 350.000 cây bóng mát. Không chỉ sạch nhà, ngõ xanh, hệ thống kênh mương thủy lợi được quy hoạch đầu tư, nâng cấp bảo đảm tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Sông nước Hải Hậu  trong xanh in bóng những hàng cây hai bên đường tạo nên bức tranh quê êm đềm.

Người dân Hải Hậu rất có ý thức cộng đồng tạo thành sức mạnh để phát triển. Dân nhường đất cho chính quyền mở đường, quyên góp tiền làm đường điện chuyên biệt của từng xóm, đóng góp kinh phí xây nhà văn hóa thôn... đã trở thành phong trào được nhân rộng ở huyện Hải Hậu. Trong 2 năm gần đây, nguồn vốn Hải Hậu huy động cho đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng của nông thôn là hơn 299 tỷ đồng thì người dân đóng góp hơn 50 tỷ đồng chiếm 17% tổng các nguồn lực được huy động.



Với thế mạnh là vùng nông nghiệp của đồng bằng Bắc Bộ,
khu dân cư nằm trong vùng vựa lúa tạo nên một cảnh quan đẹp cho nông thôn Hải Hậu.


Hải Hậu đẹp và sống động bởi sông nước bình yên, những hàng cây xanh tỏa bóng mát.


Cầu ngói Chợ Lương tại xã Hải Anh được xây dựng từ năm 1509 với kiến trúc “thượng gia, hạ kiều” 
đến nay vẫn giữ được nét đẹp cổ kính của quá khứ và phảng phất nét đẹp của sự hiện đại.


Sông Múc được kè đá hai bên bờ chảy qua thị trấn Yên Định trung tâm thị trấn Hải Hậu cho thấy bộ mặt mới của vùng.


Rất nhiều loại hoa được trồng theo mùa đảm bảo không gian đường hoa luôn có sắc thắm trong khu dân cư.


Trình diễn cà kheo của ngư dân xã Hải Lý trong ngày hội Thể dục thể thao của huyện Hải Hậu. Ảnh: tư liệu


CLB Dưỡng sinh người cao tuổi với bài tập cùng quạt tại nhà văn hóa xóm 4 xã Hải Bắc.


Với cơ sở vật chất tốt, khu vui chơi giải trí của hệ thống trường mầm non huyện luôn được đầu tư quy mô.


Phòng chạy thận nhân tạo của bệnh viện tuyến huyện được trang bị máy móc hiện đại.


Thầy và trò Trường THPT A Hải Hậu trong một tiết học.

Anh Mai Quang Đỉnh (48 tuổi) tổ dân phố số 3, thị trấn Yên Định cho biết: “ Dân Hải Hậu rất ủng hộ chính quyền và đồng lòng trong các phong trào xây dựng Nông thôn mới, chúng tôi sẵn sàng đóng góp thu nhập của mình để xây dựng làng quê đẹp và văn minh”.

Ngày 23- 6 - 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 921/QĐ -TTG công nhận Hải Hậu đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới. Bức tranh Nông thôn Hải Hậu với “Xanh làng, sạch xóm, đẹp quy mô”, hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ đã mang lại sức sống mới cho làng quê nơi đây.
Hải Hậu rất chú trọng đầu tư cơ sở vật chất quy mô cho hệ thống giáo dục, y tế. 100% trường từ Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở và 5/7 trường Trung học phổ thông học đạt tiêu chuẩn quốc gia. Bệnh viện tuyến huyện được xây dựng khang trang với hệ thống máy móc hiện đại.

Đi vào các thôn xóm của Hải Hậu, chúng tôi cứ ngỡ như mình đang đi du lịch vào một miền quê đẹp như tranh. Toàn huyện có 546 nhà văn hóa được xây dựng khang trang, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, cứ 2 năm lại trùng tu một lần với kinh phí khoảng 19 tỷ đồng.

Để có một không gian Nông thôn mới thanh bình và trong lành, Hải Hậu đẩy mạnh ở công tác xử lý rác thải môi trường. Huyện đã đầu tư xây dựng 28 lò đốt rác bằng khí tự nhiên với 6.073 tỷ đồng. Điển hình như  lò  đốt rác tại xã Hải Thanh được xây dựng từ năm 2013 với diện tích 1ha, xử lý 5 tấn rác một ngày.

Hàng ngày, từ 5h sáng các nhà văn hóa xóm thôn đã tưng bừng chào ngày mới. Người già thì tập dưỡng sinh, thanh niên tập bóng chuyền, cầu lông, trẻ con tập múa võ, ca hát. Phong trào tập thể dục nâng cao sức khỏe là nét đẹp văn hóa của toàn dân ở huyện Hải Hậu.

Chúng tôi đã hòa mình vào không khí sinh hoạt làng quê nơi đây trong một buổi chiều tối tại nhà văn hóa xóm 4, xã Hải Bắc. Cả xóm có gần 340 gia đình với trên 1.200 người sinh sống và làm nhiều nghề như nghề mộc, đan lát, dịch vụ …Bận rộn là vậy nhưng người dân rất sôi nổi tham gia các  phong trào văn hóa của thôn, xóm. Ấn tượng là các cụ già ai cũng có điện thoại kết nối internet, họ chụp ảnh, quay phim lưu lại những nét sinh hoạt của làng quê như một thú vui. Xóm có website, facebook riêng để bà con nông dân theo dõi thông tin của địa phương mình.

Ông Trần Xuân Bang, Trưởng xóm 4 cho biết: “Chúng tôi có tủ sách với hàng nghìn ấn phẩm để người dân đến tìm hiểu thông tin tri thức. Nhà văn hóa cũng có đầy đủ thiết bị cho hoạt động văn nghệ, thể thao”.

Ông Vũ Ngọc Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu khẳng định: “Chúng tôi xây dựng văn hóa từ nếp nhà đến khu dân cư, luôn giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương, có hương ước xóm được nhân dân hưởng ứng, nhà văn hóa, khu thể thao thường xuyên hoạt động, lễ hội, sinh hoạt cộng đồng được duy trì văn minh”.

Kinh tế đa sắc làm giàu một vùng quê


  
“Chiến lược xây dựng nông thôn mới của Hải Hậu đến năm 2020 chúng tôi phấn đấu 100% xóm đạt nông thôn kiểu mẫu “ Sáng, xanh, sạch, đẹp” hoàn thành 3 tiêu chí: “Có hạ tầng nông thôn kiên cố - đồng bộ - kkết nối”, “Có hạ tầng nông thôn Xanh - Sạch”, “Có nếp sống văn hóa đẹp”.

(Ông Phạm Văn Chiến - Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu) 
 
Tận dụng thế mạnh của vùng quê có cả biển và đồng bằng, người dân nơi đây cần mẫn lao động mang lại thu nhập cao làm giàu cho quê hương. Hải Hậu  hiện nay không chỉ có trồng lúa mà còn phát triển chăn nuôi gia đình, đánh bắt hải sản, trồng cây dược liệu, làng nghề truyền thống và làm dịch vụ.

Đến với xã Hải Phúc là vùng nuôi trồng hải sản nước lợ lớn nhất Hải Hậu với diện tích khoảng 300 ha, chúng tôi thấy người dân đã quy hoạch khu nuôi tôm hiện đại mang lại thu nhập mỗi gia đình từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng một vụ tôm.

Tận dụng thế mạnh có biển, dân làng chài các xã Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều, thị trấn Thịnh Long,…đã mua sắm thuyền đánh bắt hải sản ven bờ mang lại thu nhập cao cho từng hộ dân từ 30- 50 triệu một tháng.

Biển Hải Hậu cũng là thế mạnh cho nghề làm muối của bà con xã Hải Đông. Trên cánh đồng muối của Hợp tác xã Đông Hải, người dân khai thác muối mỗi ngày khoảng 1 tấn.



Đánh bắt hải sản là một thế mạnh của người dân vùng biển tại Hải Hậu.


Muối được vận chuyển về nhà kho.


Nước mắm Ninh Cơ là đặc sản nổi tiếng của vùng quê Hải Hậu.


Vùng nuôi trồng thủy hải sản nước lợ tại xã Hải Phúc diện tích 300 ha, với hàng trăm hộ nuôi tôm sinh thái.


Các đoàn thuyền đánh cá của hộ dân đánh bắt hải sản gần bờ trở về sau một ngày làm việc.

Chúng tôi đã đến thăm mô hình trồng cây dược liệu đinh của gia đình anh Bùi Văn Sấm. Với 8 mẫu đinh lăng, gia đình anh cung cấp nguyên liệu lớn cho công ty Traphaco. Đinh lăng được trồng theo công nghệ Vietgap, 3 năm thu hoạch một lần, giá trị kinh tế là 50 triệu một sào. Trồng đinh lăng không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình anh Sấm mà anh còn tạo ra cảnh quan xanh, môi trường sinh thái đẹp cho làng quê.

Hiện nay, tại Hải Hậu còn có nhiều cụm công nghiệp thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất trên địa bàn, điển hình như chi nhánh của công ty may Sông Hồng, Công ty may Smart Shirts Hải Hà, Công ty Viet Power sản xuất giày thể thao xuất khẩu, Công ty may Hải Đường, Công ty điện tử MSL Hải Thanh đã thu hút, tạo việc làm cho trên12.000 lao động địa phương.



Hải Hậu là vựa lúa lớn của Việt Nam với năng xuất lúa thu họach 106 tạ/ha/1 vụ mùa.


Nhà máy may của công ty May Sông Hồng tại Hải Hậu đã tạo 2,200 việc làm cho lao động địa phương.


Khảm trai lên hoành phi với hoa văn tinh xảo thể hiện tay nghề của người thợ tại xã Hải Minh.


Trang trại chăn nuôi vịt siêu đẻ trứng là mô hình mà nhiều nông dân xã Hải Thanh
đang làm. Trong ảnh là trang trại vịt của gia đình anh Mai Văn Sơn.

Có thể nói Hải Hậu là vùng quê có tiềm năng kinh tế vì hội tụ được  sản phẩm nông nghiệp và thủy hải sản. Thương hiệu gạo Hải Hậu nức tiếng Việt Nam với những cánh đồng mẫu lớn 5 ha trở lên đã đưa huyện thành địa phương có tiềm năng xuất khẩu gạo lớn. Năng xuất lúa cả năm đạt hơn 107 tấn, nhiều gia đình làm chuyên canh gạo Hải Hậu chất lượng bán ra thị trường Việt Nam thu nhập rất cao.

Kinh tế đa sắc tại Hải Hậu còn thể hiện ở nghề làm cây cảnh nghệ thuật, đồ gỗ mỹ nghệ, làm nước mắm... Hải Hậu có 45 hợp tác xã trong đó có 34 HTX dịch vụ nông nghiệp, 4 HTX dịch vụ khai thác thủy hải sản, 3 HTX chăn nuôi, 1 HTX nuôi trồng thủy sản, 1 HTX sản xuất nấm, 1 HTX môi trường, 1 HTX sản xuất, kinh doanh nông thủy sản an toàn. Các HTX đã xây dựng thành công các chuỗi liên kết trong sản xuất mang lại thu nhập cho người lao động 4-6 triệu đồng một tháng. Từ đó đã tạo ra không khí thi đua sản xuất để huyện Hải Hậu phát triển bền vững./.


- Hải Hậu có tốc độ tăng trưởng kinh tế là 7,22%/ năm. Năm 2017, tổng thu ngân kinh tế trên địa bàn là 256,443 tỷ đồng, thu nhập của bình quân đầu người là 40 triệu trên một người, toàn huyện tỉ lệ hộ nghèo là 2%. Người dân Hải Hậu tham gia làm kinh tế trên nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, thủy sản, ngành nghề dịch vụ.

- Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng do Chính phủ Việt Nam xây dựng và triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc, căn cứ tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (ngày 5/8/2008). Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt có mục tiêu đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Bài: Bích Vân - Ảnh: Thanh Giang & Tư liệu


Top