Chân dung

GS.TS Nguyễn Thế Hoàng và kỳ tích ghép bàn tay sống

Ca ghép chi thể đầu tiên từ người cho sống trên thế giới được thực hiện thành công tại Việt Nam đã mở ra những hi vọng cho những bệnh nhân không may bị mất đi một phần cơ thể. Ca ghép chi thể có một không hai này do Giáo sư, Tiến sỹ khoa học (GS.TS) Đại tá Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BVTWQĐ 108) cùng các bác sĩ khoa Chi trên và Vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình thực hiện.
Ngày 27/2/2020, hơn 1 tháng sau ca ghép bàn tay sống cho bệnh nhân Phạm Văn Vương, chúng tôi có dịp gặp gỡ GS.TS Nguyễn Thế Hoàng tại  phòng hồi sức cấp cứu, nơi điều trị và đánh giá tình hình bàn tay sống của bệnh nhân Phạm Văn Vương.

Mỗi ngày, anh Vương đang cố gắng tập phục hồi chức năng, dự kiến từ 6 đến 12 tháng tay anh sẽ phục hồi hoàn toàn như người bình thường. Theo anh Vương, cho đến khi có bàn tay mới, với anh vẫn như một giấc mơ khi không tin nổi mình lại có cơ hội trở thành người lành lặn. Bên anh, GS.TS Nguyễn Thế Hoàng luôn gần gũi, ân cần trao cho anh những yêu thương như một người cha. Bất cứ lúc nào ở bệnh viện, ông đều đến động viên anh Vương, hướng dẫn anh cách tập luyện phục hồi đúng phương pháp.


GS.TS. Đại tá Nguyễn Thế Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Tất Sơn


GS.TS. Đại tá Nguyễn Thế Hoàng trình bày phương án, kỹ thuật ghép chi với Ban lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. 
Ảnh: Tư liệu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

 


Thành công của ca ghép chi thể tiếp thêm động lực cho GS.TS. Đại tá Nguyễn Thế Hoàng
và các đồng nghiệp thực hiện thêm nhiều ca ghép chi nữa trơng thời gian tới. Ảnh: Tất Sơn


Các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cùng bệnh nhân Phạm Văn Vương
sau thành công của ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Tư liệu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108


GS.TS Nguyễn Thế Hoàng là một chuyên gia tài năng của y học Việt Nam khi ông đã mổ hàng nghìn ca thành công trong vi phẫu thuật, cấy ghép vạt, tái tạo tổ chức đem lại sức khỏe và niềm vui hồi sinh sự sống cho bệnh nhân tại Việt Nam và trên thế giới. Năm 2008, GS.TS Nguyễn Thế Hoàng là một trong 5 chuyên gia ghi dấu trong lịch sử y học thế giới với ca mổ ghép chi cho bệnh nhân ở Munich, Đức. Ca mổ  ghép bàn tay sống tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nơi GS.TS  Hoàng đã  cống hiến hơn 30 năm trong nghề có một ý nghĩa đặc biệt, khẳng định chuyên môn của bác sĩ Việt Nam trên bản đồ y học quốc tế. 

Theo GS.TS Nguyễn Thế Hoàng, ca mổ ghép tay cho anh Vương khó và phức tạp gấp nhiều lần so với ca mổ năm 2008 tại Đức. Tuy nhiên, đây cũng là bước tiến của y học Việt Nam khi chuẩn bị hồ sơ bệnh án công phu, sẵn sàng đón nhận thời cơ trong lịch sử  để phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau 3 năm chuẩn bị mọi phương án, phác đồ và các thủ tục xét nghiệm, bệnh nhân Phạm Văn Vương đón nhận cơ hội hiếm có là được bệnh nhân trao bàn tay sống để ghép cho mình. Đặc biệt, GS.TS Nguyễn Thế Hoàng và kíp mổ đã làm việc tâm huyết, trách nhiệm cao khi đã thực hiện ca mổ suốt 8 tiếng thành công ngoài mong đợi.

GS.TS Nguyễn Thế Hoàng từng là một chuyên gia giàu kinh nghiêm trong chuyên môn và cũng là vị bác sĩ lăn lộn với các bệnh nhân trong những năm tháng khốc liệt tại chiến trường Campuchia. Khi đó, mới 22 tuổi, vừa tốt nghiệp Học viện Quân Y ông đã xung phong lên đường sang chiến trường Campuchia và trở thành đội trưởng đội mổ dã chiến.



GS.TS. Đại tá Nguyễn Thế Hoàng cùng đồng nghiệp thực hiện hiện ca ghép chi cho bệnh nhân Phạm Văn Vương. Ảnh: Tư liệu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108


GS.TS  Nguyễn Thế Hoàng cùng các đồng nghiệp đã làm nên kỳ tích khi ghép thành công chi thể đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Tất Sơn


Bàn tay mới của bệnh nhân Phạm Văn Vương hiện đã liền sẹo và cử động được. Ảnh: Tất Sơn


Bệnh nhân Phạm Văn Vương đang trong quá trình tập hồi phục, bàn tay mới của anh đã có thể cử động và di chuyển được quả bóng nhỏ như trong ảnh. Ảnh: Tất Sơn


GS.TS Nguyễn Thế Hoàng hướng dẫn bệnh nhân Phạm Văn Vương cách vận động hồi phục bàn tay... Ảnh: Tất Sơn


... và ông trực tiếp kiểm tra phản xạ bàn tay mới của bệnh nhân. Ảnh: Tư liệu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108


Bệnh nhân Lò Văn Sam, dân tộc Thái (Sơn La) bị cụt tay do tai nạn lao động hiện đang được chăm sóc tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
là người sẽ được đăng ký ghép nối tay chi thể tiếp theo nếu có người hiến tặng. Ảnh: Tất Sơn

Theo chân GS.TS Nguyễn Thế Hoàng, chúng tôi tới thăm bệnh nhân Nguyễn Văn Tý, người thương binh bị cụt hai chân trong chiến tranh và hiện đang điều trị tại Bệnh viện từ năm 1981. GS.TS Nguyễn Thế Hoàng đã 3 lần mổ thay chi, cắt chi chân và điều trị cho anh Tý và hiện bệnh nhân đã phục hồi. Đặc biệt, bệnh nhân Nguyễn Văn Tý chính là đồng đội của bác sĩ Hoàng tại chiến trường Campuchia.

Ca ghép tay thành công cho bệnh nhân Phạm Văn Vương đã mở ra những hi vọng mới cho các bệnh nhân bị cụt chi còn đang chờ cơ hội phẫu thuật tại Việt Nam. Theo GS.TS Nguyễn Thế Hoàng, hiện ông đang điểu trị và chờ cơ hội ghép tay cho bệnh nhân trẻ Lò Văn Sam, dân tộc Thái, ở Sơn La. Anh Sam bị cụt tay do tai nạn lao động và đang tràn đầy niềm tin chuẩn bị tinh thần để có được đôi tay lành lặn sau khi ghép như bệnh nhân Vương trước đó./.


Bệnh nhân Phạm Văn Vương cụt 1/3 tay trái đã chờ ghép tay 3 năm nay. Ngày 3/1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một nam bệnh nhân bị băng chuyền máy tải gạch cuốn đè ép 1/3 cẳng tay đến sát nách. Trong 3 tuần điều trị với 3 lần mổ, các bác sĩ đã nỗ lực giữ lại cánh tay bệnh nhân nhưng tình trạng hoại tử vùng khuỷu tay và cơ, nhiễm trùng, không cứu vãn được. Bệnh nhân phải cắt cụt chi thể ngang 1/3 trên cánh tay.

Phần thừa của chi thể cắt cụt còn tương đối bình thường và có thể sử dụng để ghép cho người bị cụt ở vị trí tương ứng. Bệnh nhân tự nguyện hiến một phần chi thể của mình ghép cho anh Vương. Sau ca ghép tay, tất cả cấu trúc giải phẫu đã phục hồi và bàn tay ghép đồng loại được tưới máu đầy đủ giống như tay lành. Ngay sau ca phẫu thuật, anh Vương đã có thể tự vận động nhúc nhích được các ngón của bàn tay ghép.
Bài: Bích Vân - Ảnh: Tất Sơn và Tư liệu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
 

Quyền Thiện Đắc và hành trình phát triển Jazz Việt

Quyền Thiện Đắc và hành trình phát triển Jazz Việt

Được đào tào tại trường âm nhạc Berklee College of Music - Mỹ, trở về nước với số điểm tốt nghiệp cao nhất của ngành nhạc Jazz, trải qua nhiều chặng đường âm nhạc, nghệ sĩ saxophone nổi tiếng Quyền Thiện Đắc đã xác định sứ mệnh của mình đó là phát triển và hình thành dòng nhạc Jazz tại Việt Nam dựa trên chất liệu dân gian – dân tộc.

Top