Phóng sự chuyên đề

Địa đạo Củ Chi trên hành trình trở thành Di sản thế giới

Địa đạo Củ Chi là hệ thống đường hầm phòng thủ trong lòng đất do dân quân huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh đào trong vòng 22 năm từ năm 1946 - 1968 bằng các dụng cụ thô sơ nhưng có thiết kế thành hệ thống khoa học, góp phần vào thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ngày nay, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là địa danh thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá trong sự bất ngờ xen lẫn thán phục.
Hệ thống địa đạo bí ẩn

Địa đạo Củ Chi bao gồm một hệ thống nhiều địa đạo khác nhau nằm trong hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An thuộc huyện Củ Chi. Ban đầu, địa đạo chỉ là những đoạn hầm ngắn, cấu trúc đơn giản dùng để ẩn nấp, cất giấu tài liệu, vũ khí, che giấu lực lượng kháng chiến, liên lạc, hỗ trợ thông tin. Mỗi làng làm một địa đạo riêng, về sau do nhu cầu đi lại, liên lạc giữa các làng xã, hệ thống hầm đã được nối liền nhau tạo thành một hệ thống địa đạo liên hoàn, phức tạp. Đến năm 1965, đã có khoảng 200km địa đạo được đào và 500km chiến hào giao thông xung quanh. Địa đạo lúc này đã được định hình một cách bài bản và khoa học với 3 tầng sâu khác nhau, tầng trên cách mặt đất khoảng 3m, tầng giữa cách mặt đất khoảng 6m, tầng dưới cùng sâu 8-12m với nhiều đường hầm lớn nhỏ, nhiều khu vực được phân chia tùy theo chức năng khác nhau, như: Phòng ăn, phòng họp, phòng cứu thương, phòng chiếu phim, giếng nước nhà bếp với loại bếp Hoàng Cầm (bếp nấu giấu khói), lối thoát hiểm thông ra sông Sài Gòn… cùng với hệ thống thông hơi lên mặt đất được nguy trang một cách bí mật và khoa học.
Đến năm 1965, Địa đạo Củ Chi đã có khoảng 200km địa đạo được đào và 500km chiến hào giao thông xung quanh.

Địa đạo được đào ở vùng đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, ít bị sụt lở, hệ thống địa đạo có thể chịu được sức công phá của các loại vũ khí hạng nặng. Ðường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật, nắp hầm thông lên mặt đất được che đậy kín đáo bằng lá cây, cỏ tự nhiên. Lối đi trong địa đạo có nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau thông thường chỉ đủ chiều cao cho từng người đi khom lưng.


Quân và dân xã Nhuận Đức, Củ Chi đào địa đạo trong khoảng từ năm 1946 - 1968. Ảnh: Tư liệu Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi


Nhân dân xã Trung Lập Hạ, Củ Chi đào chiến hào phục vụ chiến đấu (1966). Ảnh: Tư liệu Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi


Phòng họp lớn có thể họp được hơn 20 người trong Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Lê Minh/VNP


Các đường đi trong Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Lê Minh
/VNP


Sa bàn Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Thông Hải
/VNP


Tái hiện mô hình phòng mổ dưới Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Lê Minh
/VNP


Khách tham quan khu bếp Hoàng Cầm trong Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Lê Minh
/VNP


Các dụng cụ làm việc của bồ đội trong Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Thông Hải
/VNP


Đường hầm bên trong Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Tư liệu Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi



Giếng nước trong Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Lê Minh
/VNP


Du khách bên trong Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Tư liệu Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi
 

Du khách chui từ dưới Địa đạo Củ Chi lên mặt đất. Ảnh: Thông Hải
/VNP
 

Tái hiện mô hình hầm nghỉ và làm việc của bộ đội trong thời kỳ chiến tranh. Ảnh: Tư liệu Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi


Các đường hầm thông nhau bên trong Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Lê Minh/VNP

Để có được một địa đạo hoàn chỉnh như thế, hàng vạn chiến sĩ và nhân dân Củ Chi đã bất chấp các cuộc đánh phá thường xuyên của quân địch, ngày đêm thay nhau, bí mật đào những đường hầm dưới lòng đất và khéo léo ngụy trang vận chuyển một khối lượng đất rất lớn chỉ với sức người và những công cụ thô sơ như cuốc, xẻng… Nhiều đoạn hầm đã phải đào lên đắp lại nhiều lần do bị bom pháo, xe tăng của địch phá hủy, càng cho thấy sự kiên trì và sáng tạo của quân và nhân dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến.
Đến tham quan Địa đạo Củ Chi năm 1995, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Cuba Armando Hart Davalos đã ghi lưu niệm:
Chỉ có lòng dũng cảm và danh dự con người mới hiểu được Củ Chi. Trí tưởng tượng phong phú và nền văn hóa Việt Nam đã biến nơi đây thành một địa điểm thiêng liêng và là một trong những huyền thoại lớn nhất trong thời đại của chúng ta.

 

Địa đạo Củ Chi đã góp phần không nhỏ trong cuộc kháng chiến, nhiều trận đánh lớn như Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, đại thắng mùa Xuân 1975 thống nhất Đất nước…

Với những giá trị độc đáo về mặt kiến trúc và ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử mà Địa đạo Củ Chi mang lại, UBND Tp.HCM đang lập hồ sơ di tích lịch sử địa đạo Củ Chi để trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Một vùng di tích lịch sử đặc biệt

Sau năm 1975, Địa đạo Củ Chi đã được bảo tồn, tôn tạo trở thành một di tích lịch sử cách mạng, mở cửa giới thiệu đến du khách tham quan tìm hiểu về kiến trúc và quá trình chiến đấu gian khổ cũng như đời sống của quân dân trong hầm địa đạo trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Theo Ban quản lý Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, hiện nay trung bình mỗi năm thu hút khoảng 1,5 triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Nơi đây cũng đã đón nhiều đoàn khách là lãnh đạo cao cấp nhà nước, quân đội của các quốc gia trên thế giới.

Đến với Địa đạo Củ Chi, du khách sẽ được tận mặt chứng kiến một hệ thống địa đạo quy mô, bài bản và chắc chắn nhưng lại được thực hiện hoàn toàn thủ công và bằng sức người đã tồn tại suốt hơn 75 năm qua.



Đoàn Bộ Ngoại giao liên bang Nga tham quan Địa đạo Củ Chi (ngày 24/02/2019). Ảnh: Tư liệu Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi


Đường hào trong làng giải phóng thuộc khu di tích Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Lê Minh
/VNP 


Xưởng tái chế các loại bom đạn thuộc khu di tích Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Lê Minh
/VNP


Mô hình bộ đội cưa bon thuộc khu di tích Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Thông Hải/VNP


Du khách tham quan các loại bẫy chông tự tạo thuộc khu di tích Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Lê Minh
/VNP


Tái hiện không gian, cuộc sống sinh hoạt trong làng giải phóng thuộc khu di tích Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Lê Minh
/VNP


Các loại bom đạn trưng bày tại Địa đạo Củ Chi.  Ảnh: Thông Hải
/VNP


Du khách thăm quan khu trưng bày xe tăng. Ảnh: Lê Minh
/VNP


Máy bay C130 tại khu trưng bày. Ảnh: Lê Minh/VNP


Du khách tham quan làng giải phóng. Ảnh: Tư liệu Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi


Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược. Ảnh: Tư liệu Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi

Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi rất xứng đáng được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Ngoài hầm địa đạo là điểm nhấn chính, một khu vực hấp dẫn nữa là khu vực tái hiện Vùng giải phóng Củ Chi giai đoạn từ 1960-1975. Nơi đây như một bức trang làng quê miền Nam thu nhỏ, yên bình nép dưới rừng tre xanh mát, nhiều hoạt cảnh tái hiện lại cuộc sống, sinh hoạt đặc trưng của người dân lúc bấy giờ rất sinh động. Các địa điểm khác như: Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, Khu trưng bày vũ khí chiến tranh, hồ mô phỏng biển Đông, rừng gỗ quý ba miền, ba mô hình mô phỏng làm đại diện của ba miền đất nước - gồm chùa Một Cột (Hà Nội), Ngọ Môn (Huế) và Bến Nhà Rồng (Tp.HCM) được tái hiện sinh động trong Khu di tích.

Bên cạnh đó, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động cấy lúa, bắt cá, tham gia các trò chơi thể thao như bắn súng sơn, bắn súng đạn thật, đi xe đạp, thưởng thức nhiều món ăn đặc sản miền đất Củ Chi, đặc biệt là món khoai mì luộc, vốn là món ăn truyền thống của vùng đất này trong thời kỳ chiến tranh gian khó.

Trải qua bao năm tháng, dấu vết chiến tranh đã mờ dần nhưng vẫn còn đó một hệ thống Địa đạo Củ Chi gần như nguyên vẹn, trở thành một địa danh lịch sử nổi tiếng rất đặc biệt. Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi rất xứng đáng được UNESCO công nhận là Di sản thế giới./.

 
Bài: Sơn Nghĩa 
Ảnh: Lê Minh, Thông Hải & T
ư liệu Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi

Khám phá văn hóa Mường ở Hòa Bình

Khám phá văn hóa Mường ở Hòa Bình

Cách thành phố Hà Nội chừng 70km về phía Tây Nam, tỉnh Hòa Bình được biết đến là “miền đất sử thi”, nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Mường. Trải qua nhiều thế hệ, đồng bào Mường nơi đây đã tạo dựng nên một kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Top