Chân dung

Chuyên gia Vũ Ngọc Thành: Hơn 25 năm theo dấu chân “nữ hoàng” linh trưởng

Hơn 25 năm nghiên cứu về linh trưởng, đặc biệt là loài voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, chuyên gia Vũ Ngọc Thành, Giám đốc Quỹ Bảo tồn Voọc vá (Douc Langur Foundation) của Hoa Kỳ tại Việt Nam là người đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác nghiên cứu và bảo tồn loài voọc quý, được mệnh danh là “nữ hoàng” linh trưởng, biểu tượng của thành phố biển nổi tiếng này.
5 giờ sáng, trời còn tờ mờ, cơn mưa rừng giữa tháng Mười sầm sập đổ xuống khiến nước mưa thi nhau quất vào mặt rát rạt. Tôi nghĩ bụng, mưa gió kiểu này chắc ông Vũ Ngọc Thành và nhà nhiếp ảnh động vật hoang dã người Mỹ Ryan Deboodt sẽ chẳng thể nào lên Sơn Trà đúng giờ như dự kiến.

Ấy thế mà tôi đã nhầm, bởi khi lên đến đỉnh núi đã thấy hai người ở đó tự bao giờ. Mặc cho mưa gió và dường như cũng chẳng để ý đến sự có mặt của tôi, ông Thành và Ryan Deboodt mải miết chăm chú với chiếc ống kính máy ảnh đặc chủng dài ngoẳng hướng về phía sườn núi xa xa, nơi có hai mẹ con nhà voọc chà vá chân nâu đang ôm nhau ngồi tránh mưa run rẩy trong đám cây rừng rậm rạp. Bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng là nơi voọc vá chân nâu có màu sắc đẹp nhất và kích thước lớn nhất so với các nơi khác. Và đây cũng là nơi duy nhất trên thế giới có thể quan sát được voọc dễ dàng ngoài thiên nhiên.


Ông Vũ Ngọc Thành, Giám đốc Quỹ Bảo tồn Voọc vá Hoa Kỳ tại Việt Nam, chuyên gia uy tín về các loài linh trưởng ở Việt Nam. Ảnh: Thanh Hòa


Chuyên gia Vũ Ngọc Thành và nhà quay phim đông vật hoang dã nổi tiếng người Mỹ Ryan Deboodt
trong chuyến thực địa tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, tháng 7/2018. Ảnh: Thanh Hòa


Chuyên gia Vũ Ngọc Thành sử dụng ống nhòm quan sát hoạt động của một bầy voọc chà vá chân nâu
đang kiếm ăn trên sườn núi dốc của bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa


Chuyên gia Vũ Ngọc Thành và các cộng sự ở Quỹ Bảo tồn Voọc vá Hoa Kỳ tại Việt Nam
cùng xem lại kết quả thu được từ chuyến khảo sát voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa


Chuyên gia Vũ Ngọc Thành bàn bạc kế hoạch làm việc với các cộng sự trong bóng chiều nhá nhem tối đang dần buông trên đỉnh Sơn Trà (Đà Nẵng). Ảnh: Thanh Hòa


Những chuyến đi rừng thường xuyên và xa nhà từ lâu đã trở thành niềm đam mê của nhà linh trưởng học Vũ Ngọc Thành. Ảnh: Thanh Hòa


Voọc chá vá chân nâu, loài linh trưởng đặc hữu và được 
xem như một biểu tượng của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa

Voọc chà vá chân nâu là loài loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam và Lào, được xem như một biểu tượng của thành phố Đà Nẵng. Đây là loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao, có tên trong sách đỏ về động vật nguy cấp của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và danh sách cấm buôn bán toàn cầu của CITES. 
Ông Vũ Ngọc Thành là một chuyên gia uy tín trong giới nghiên cứu về linh trưởng. Đến Đà Nẵng lần đầu vào năm 1994, khi ấy ông đang là cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Khoa Sinh học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chuyến ấy, ông đi cùng một chuyên gia người Mỹ, người trước đó vào năm 1973 đã từng nghiên cứu về voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà. Lần ấy hai người vào Đà Nẵng để tìm hiểu thực hư thông tin về một bản báo cáo cho rằng loài voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà đã không còn. Và đó cũng được xem là lần đầu tiên ông Thành chính thức bắt tay vào việc nghiên cứu về loài voọc, mặc dù một thời gian dài trước đó ông đã từng nghiên cứu sâu về các loài thuộc họ khỉ.

Từ khi về làm cho Quỹ Bảo tồn Voọc vá ông có thời gian và điều kiện chuyên tâm hơn cho việc nghiên cứu về loài voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà. Từ đó đến nay, hầu như năm nào ông cũng bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng. Thậm chí có năm đi 2 – 3 chuyến, chuyến ngắn thì khoảng 1 tuần, dài có khi cả tháng trời để thực hiện những chuyến nghiên cứu điền dã thu thập thông tin về loài động vật quý hiếm này.



Chuyên gia Vũ Ngọc Thành với chú voọc chà vá chân nâu con được cứu hộ ở Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, tỉnh Kon Tum, Việt Nam. Ảnh: Tư liệu


Chuyên gia Vũ Ngọc Thành cứu một chú khỉ con bị mắc bẫy trong rừng đêm ở Sơn Trà, Đà Nẵng. Ảnh: Tư liệu


Ông Vũ Ngọc Thành với nữ chuyên gia người nước ngoài trong chuyến khảo sát rừng Sơn Trà (Đà Nẵng) vào năm 2009. Ảnh: Tư liệu


Chuyên gia Vũ Ngọc Thành (ngồi) tập huấn về kĩ năng nhận dạng động vật cho cán bộ kiểm lâm Khu Bảo tồn Sao la của tỉnh Thừa Thiên Huế Ảnh: Tư liệu


Chuyên gia Vũ Ngọc Thành với lớp giáo dục về bảo vệ voọc chà vá chân nâu cho học sinh tiểu học ở Đà Nẵng. Ảnh: Tư liệu


Chuyên gia Vũ Ngọc Thành và các nhà khoa học được giải thưởng bảo tồn năm 2016 của 
Hội Linh trưởng học Quốc tế (IPS). Ảnh: Tư liệu

Qua nhiều chuyến khảo sát công phu, ông và các đồng nghiệp đã thực hiện thành công nhiều công trình nghiên cứu có giá trị công bố hình ảnh, số lượng, tình trạng, chuỗi thức ăn... thậm chí cả các mối de dọa đối với loài voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín.

Ông Vũ Ngọc Thành là cán bộ nghiên cứu của Khoa Sinh học, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm 2014, ông nghỉ hưu và làm việc cho Quỹ Bảo tồn Voọc vá của Hoa Kỳ tại Việt Nam, và hiện là Giám đốc của tổ chức này. Năm 2016, ông được giải thưởng về bảo tồn của Hội Linh trưởng học Quốc tế (IPS); Ông cũng là tác giả có tên trong cụm công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2012: “Động vật chí Việt Nam và Thực vật chí Việt Nam, Sách đỏ và Danh lục đỏ Việt Nam
Ông Thành cho biết, phát hiện ra loài voọc ở Sơn Trà thì dễ nhưng việc nghiên cứu để bảo tồn và phát triển đàn là cả một quá trình dài hơi, gian nan, vất vả và rất công phu của các chuyên gia để nhằm giải đáp cho được hàng loạt câu hỏi kiểu như: Có bao nhiêu cá thể voọc ở Sơn Trà? Địa bàn sinh sống của chúng ra sao? Voọc hay ăn gì? Cấu trúc đàn thế nào? Sinh sản ra sao?...

Ví dụ như chỉ riêng chuyện nghiên cứu về tập quán ăn uống của loài voọc này ông và các cộng sự đã phải bỏ ra hơn 15 năm nghiên cứu nhưng đến nay vẫn chưa xong. “Bởi có những cây năm nay thì thấy nó ăn lá, sang năm thấy nó ăn quả, năm nữa lại thấy nó ăn hoa... nói chung là rất nhiêu khê”, ông Thành tâm sự.

Hơn 25 năm gắn bó với từng khoảnh Sơn Trà, với nhịp sống của từng cá thể voọc đủ để cho ông thấy gắn bó và có nhiều kỉ niệm khó quên với bán đảo nhỏ bé mà xinh đẹp này. Có lẽ vì thế mà ông luôn trăn trở làm sao phải giữ cho được đàn voọc và môi trường sống của chúng ở bán đảo Sơn Trà. Đây là nơi có môi trường sinh sống lí tưởng nhất và cũng là nơi có đàn voọc đông nhất, đẹp nhất thế giới. “Đặc biệt, nếu nhỡ sau này không may voọc ở các nơi khác có tuyệt chủng thì Sơn Trà sẽ chính là nơi chúng ta có thể nghiên cứu để phát triển đàn trở lại”, chuyên gia Vũ Ngọc Thành trải lòng tâm sự./.


Bài: Thành Hòa - Ảnh: Thanh Hòa & Tư liệu

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Với bàn tay tài hoa và cái tâm của người thầy thuốc, Lương y Cao Văn Minh - người được kế thừa các bài thuốc quý gia truyền của dòng tộc Cao và được đào tạo bài bản tại trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, đã và đang điều trị các bệnh lý về xương khớp, đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ và bại liệt cho hàng chục ngàn bệnh nhân ở Việt Nam và nước ngoài.

Top