Ẩm thực

Bánh trôi - bánh chay cùng Tết Hàn Thực trong tâm thức người Việt

Người Việt có tích kể lại rằng bánh trôi bánh chay có từ thời Hùng Vương và tục làm hai thứ bánh này để nhắc nhớ về sự tích “bọc trăm trứng” của Âu Cơ.
Không biết từ bao giờ, bánh trôi, bánh chay cũng đã trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày tết Hàn Thực của người Việt. Vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm - tức Tết Hàn thực, người Việt thường làm bánh trôi, bánh chay, nấu xôi chè để lễ Phật và cúng gia tiên như một cách tưởng niệm người thân trong những ngày cuối Xuân.

Tuy là hai loại bánh dễ làm nhưng để có được viên bánh ngon, người làm bánh cũng phải lựa chọn nguyên liệu rất cầu kỳ. Gạo làm bánh trôi, bánh chay phải là nếp cái hoa vàng và pha theo tỷ lệ cứ 8 phần nếp với 2 phần gạo tẻ.

Bánh trôi làm bằng bột nếp nhào nặn với nước, có nhân bằng đường phên già. Đường làm nhân bánh trôi ngon nhất là đường phên Dương Liễu, Cát Quê, với màu đỏ thắm, rắn đanh, giòn cùng hương thơm mát.



Nguyên liệu làm bánh trôi gồm có bột xay, nhân là đường phên, bánh chay gồm bột sắn nhân đậu xanh.


Viên đường phên được bao bởi lớp bột trắng mịn để làm nên bánh trôi.


Nhân đậu xanh được bao bởi lớp bột trắng mịn để làm nên bánh chay.


Bánh sau khi được nặn đêm thả vào nước đến khi 7 phần bánh nổi và 3 phần bánh chìm là bánh chín.


Bánh trôi được vớt ra đĩa tròn...


...Sau đó được rắc một lớp vừng lên trên.


Bánh chay được cho vào bát và chan thêm một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi.


Tết hàn thực là dịp để mọi người trong gia đình quay quần cùng làm món bánh trôi và bánh chay.


Món bánh trôi và bánh chay được người Việt kính cẩn dâng lên bàn thờ gia tiên trong tết hàn thực.


Món bánh trôi được đựng trong đĩa và bánh chay được đựng trong bát.


Bánh trôi còn được biến tấu làm thành nhiều màu bởi các nguyên liệu tạo mầu tự nhiên
như màu đỏ của gấc, màu tím của khoai môn...

Cũng làm từ chất liệu bột như bánh trôi nhưng kích thước của viên bánh chay thường to hơn với nhân được làm từ đậu xanh nấu chín trộn đường và dừa nạo sợi. Muốn có viên bánh chay ngon, người ta thường chọn giống đỗ tiêu hạt nhỏ, thơm để làm nhân. Bánh chay được đựng trong bát, chan thêm một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi. Tùy nơi, người ta có thể rắc thêm chút vừng, dừa hay đỗ xanh lên mặt bánh.

Ngày nay, xung quanh cách làm bánh trôi, bánh chay cổ truyền, còn có rất nhiều biến thể như bánh trôi, trộn bột bánh với lá dứa, gấc, khoai lang để có màu thật đẹp mắt. Bánh chay thay vì đậu xanh thì có thể là bánh chay bí đỏ, bánh chay nhân đậu đỏ... nhằm phục vụ nhiều khẩu vị khác nhau./.



 

Tết Hàn Thực là một ngày Tết vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch. Hàn Thực nghĩa là "thức ăn lạnh". Ngày Tết truyền thống này xuất hiện tại một số tỉnh tại Trung Quốc, miền bắc Việt Nam và một số cộng đồng người gốc Hoa trên thế giới.


Thực hiện: Trần Thanh Giang

Quán miến lươn Chân Cầm được Michelin Guide vinh danh

Quán miến lươn Chân Cầm được Michelin Guide vinh danh

Từ một gánh hàng rong giữa lòng phố cổ cho đến khi về bán trong ngôi nhà nhỏ ở phố Chân Cầm (Hà Nội), quán miến lươn của bà Nguyễn Thị Lan không biển hiệu cầu kỳ, không quảng bá rầm rộ, thế nhưng suốt gần 40 năm qua vẫn đều đặn đông kín khách từ người Hà Nội gốc đến du khách quốc tế. Mới đây, quán miến lươn Chân Cầm chính thức được Michelin Guide vinh danh trong danh sách Bib Gourmand 2024.

Top