Phố Hàng Than ở Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm bánh cốm. Bánh cốm là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi, giỗ chạp và là món quà đặc trưng dành cho du khách mỗi khi đến với Hà Nội.
Bánh cốm có xuất xứ rất cụ thể. Năm 1865, ông tổ dòng họ Nguyễn Duy ở phố Hàng Than đã nghĩ ra cách đem sấy khô hạt cốm để làm nên bánh cốm. Cho tới ngày nay, phố Hàng Than đã có trên 50 cửa hàng bánh cốm với nhiều mẫu mã, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm để đáp ứng hầu hết mọi yêu cầu thị trường.
Bánh cốm Bảo Minh.
Những chiếc bánh cốm xanh dẻo thơm nổi tiếng của Hàng Than.
Bánh cốm thành phẩm. |
Theo bà Ngô Thị Tính, chủ cửa hàng bánh cốm Bảo Minh, để làm nên thương hiệu của bánh cốm Hàng Than người làm bánh phải có một quy trình làm rất công phu và tỉ mỉ. Nguyên liệu bánh cốm được chọn từ hạt thóc nếp, đều là những bông nếp già. Cốm làm xong sấy khô, đóng gói thật kĩ cho khỏi ẩm. Khi làm bánh trộn cốm với nước cho hạt mềm, rồi pha cùng đường, đặt lên bếp đem xào trên chảo nóng khoảng 2 giờ. Khi đảo cốm cần lưu ý đảo đều tay, cho tới khi cốm nhuyễn lại, giữ được màu xanh ngọc.
Bánh cốm là một phần không thể thiếu trong mâm lễ cưới truyền thống của người Hà Nội.
Một cửa hàng bán bánh cốm trên phố Hàng Than.
Khách đến mua bánh cốm.
Làm bánh cốm là một nghề truyền thống của phố Hàng Than - Hà Nội
Một đoạn phố Hàng Than. |
Đậu làm nhân phải chọn lựa kĩ càng những hạt đậu đều mẩy, đem ngâm nước cho nở, đãi sạch vỏ, đồ lên. Tiếp đến trộn đỗ với đường, nước hoa bưởi, mứt sen hoặc mứt bí đã xay nhuyễn cùng dừa tươi. Người ta chia nhân thành từng viên, rồi dùng cốm đã nấu bọc bên ngoài.
Bánh cốm Hàng Than có vị dẻo thơm của cốm và ngọt bùi của đỗ xanh, béo ngậy của dừa tươi quyện với hương thơm hoa bưởi nên đậm đà khó quên. Khi ăn bánh thường kèm với nước chè mạn, tạo nên hương vị rất hòa hợp. Ngày nay, bánh cốm Hàng Than đã trở thành một nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội./.
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Công Đạt
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Công Đạt