Khám phá

Túy Vân sơn thủy hữu tình

Túy Vân phong cảnh hữu tình, bốn mùa non xanh nước biếc, trên núi có chùa Thánh Duyên được phong vào hàng quốc tự, dưới chân núi có phá Tam Giang trời nước bao la thơ mộng, xứng đáng là một trong những thắng cảnh bậc nhất của xứ Thần Kinh.
Chúng tôi đến Huế vào những ngày hè đỏ nắng, thế nhưng dọc theo con đường Quốc lộ 49B, đoạn tiếp nối từ Quốc lộ 1A xuôi về phía cửa biển Tư Hiền, không khí vẫn mát rượi nhờ bóng mát của những hàng dương, hàng dừa, những khu vườn xanh mướt và cả những ngọn gió mang hơi ẩm thổi về từ phía phá Tam Giang.

Qua khỏi cầu Tư Hiền, theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đi thêm chừng 3 cây số nữa thì đến núi Túy Vân. Từ dưới chân núi ngước mắt nhìn lên là dãy bậc đá phủ mờ rêu xanh, phía trên cao thấp thoáng ánh vàng cổng tam quan của chùa Thánh Duyên nằm lẫn khuất trong bóng lá rừng xanh biếc. 

Dạo bước lên núi tham quan chốn cửa thiền, giữa cảnh bình yên non nước, khi bên tai chỉ còn lại tiếng lá rừng xào xạc xen lẫn trong tiếng rì rầm của sóng nước và tiếng kinh cầu man mác giữa buổi trưa hè, lòng người viễn khách bỗng trở nên thư thái lạ thường và bao nhiêu muộn phiền cũng dường như tan biến hết.


Cách giữa cổng tam quan và ngôi chánh điện là một khoảng sân nhỏ bằng gạch đỏ.


Dưới chân núi, ngay lối lên chùa có một bia đá nhỏ khắc ba chữ “Thúy Vân sơn” đặt trên một hòn đá lớn.


Những bậc đá rêu phong dẫn bước du khách lên phía tam quan chùa Thánh Duyên.


Hai cửa tả hữu của tam quan đều có khắc đôi câu đối bằng chữ Hán.


Ngôi chánh điện có quy mô vừa phải, được xây dựng theo lối nhà rường Huế có pha chút kiến trúc cung đình. 


Gian thờ chính trong chánh điện chùa Thánh Duyên. 


Một buổi tụng kinh Pháp Hoa của các nhà sư và Phật tử tại chánh điện chùa Thánh Duyên. 


Bia đá khắc 4 bài thơ ngự chế của vua Minh Mạng ca ngợi cảnh đẹp núi Túy Vân,
chùa Thánh Duyên, gác Đại Từ và tháp Điều Ngự.


Nhà sư trẻ chủ trì buổi lễ tụng kinh Pháp Hoa ở chùa Thánh Duyên.


Người Phật tử già thành tâm lễ Phật. 


Pho tượng cổ trên tam quan chùa Thánh Duyên.


Hệ thống kết cấu các vì kèo ngôi chánh điện được chạm trổ khá đơn giản nhưng tinh tế theo lối kiến trúc nhà rường Huế. 


Trải qua thời gian mái ngói của chùa đã nhuốm màu rêu phong cổ kính.


Cửa chùa luôn rộng mở nên đây cũng là nơi tới lui vui chơi thường xuyên của các cháu thiếu niên trong làng.


Dưới chân núi, cách cổng chùa không xa là bãi đá nằm đầm mình trong làn nước trong xanh của phá Tam Giang.



Thấp thoáng xa xa sau những xóm chài bình dị là ngọn núi nhỏ Túy Vân bốn mùa xanh biếc. 


Cuộc sống bình dị của người dân xóm chài dưới chân núi Túy Vân. 


Chiều chiều lũ trẻ xóm chài lại hồn nhiên chơi bóng trên bãi đất bên bờ phá Tam Giang lộng gió.

Lại nói về núi Túy Vân, còn gọi Thúy Vân, xưa được vua Thiệu Trị (1807-1847) liệt vào hàng thứ 9 trong "Thần kinh nhị thập cảnh", tức cảnh đẹp thứ 9 trong số 20 cảnh đẹp nổi tiếng của kinh đô Huế. Núi nằm bên bờ phá Tam Giang, trước thuộc tổng Diêm Trường, huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên; nay là xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Từ trung tâm Thành phố Huế, du khách có thể đi ôtô hoặc xe máy đến núi Túy Vân theo hai cung đường khác nhau. Tuyến thứ nhất dài khoảng hơn 50 cây số, đó là từ thành phố Huế về Thuận An, rồi đi theo đường ven biển để đến núi. Tuyến thứ hai dài khoảng hơn 60 cây số, theo đường Quốc lộ 1A đến đầu phía Bắc hầm đường bộ Phước Tượng thì rẽ trái theo đường Quốc lộ 49B đi chừng hơn 10 cây số thì đến.
Trên núi có chùa Thánh Duyên, dân gian quen gọi là chùa Túy Vân. Chùa được xây dựng vào khoảng nửa sau thế kỉ thứ XVII, tức dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần. Năm 1836, chùa được vua Minh Mạng ban sắc phong lên hàng quốc tự. Đây từng là nơi tu hành của nhiều vị cao tăng xứ Huế do chính các vua nhà Nguyễn cử đến làm trụ trì.

Chùa mang đậm phong cách kiến trúc thời nhà Nguyễn, không nguy nga, đồ sộ, lại có nét nhỏ nhắn, khiêm nhường mà tinh tế. Chánh điện được xây theo lối nhà rường truyền thống Huế pha lẫn chút kiến trúc cung đình với mái lợp ngói liệt, cửa sổ trang trí hình chữ "Thọ", xung quanh có tường thành bao bọc. Phía sau chánh điện, cách một khu vườn lớn, ở giữa lưng chừng núi có gác Đại Từ, gian giữa thờ Phật, gian bên phải thờ Đức Quan Âm và gian bên trái thờ Bồ Tát Đại Thế Chí. Phía sau cùng, trên đỉnh núi là tháp Điều Ngự 3 tầng cao chừng 13m. Đứng ở tầng cao nhất của tháp, phóng tầm mắt ra xa là cảnh non nước hữu tình với đầm phá bát ngát mênh mông và núi non xanh lam mờ ảo.

Là thắng cảnh nổi tiếng của kinh đô Huế nên trước đây núi Túy Vân và chùa Thánh Duyên thường là nơi lui tới của các bậc tao nhân mặc khách. Đặc biệt, vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cũng từng nhiều lần ghé thăm và để lại nhiều áng văn thơ tuyệt tác ca ngợi cảnh đẹp nơi này. Điển hình như bài thơ “Vân Sơn thắng tích” của vua Thiệu Trị và 4 bài thơ ca ngợi cảnh đẹp chùa Thánh Duyên, gác Đại Từ, tháp Điều Ngự, núi Tuý Vân của vua Minh Mạng. Các bài thơ này đều được khắc trên bia đá và hiện vẫn còn lưu giữ ở chùa.

Trải qua bao cuộc bể dâu với nhiều lần tu sửa, chùa Thánh Duyên nay vẫn còn trên núi Túy Vân. Năm 1996, di tích này đã được Nhà nước công nhận là di tích văn hóa-lịch sử cấp quốc gia. Ngày nay, đến với thắng cảnh này du khách không chỉ được đắm mình trong cảnh Phật an nhiên để tĩnh tâm, gột rửa mọi muộn phiền, mà còn có cơ hội được khám phá vẻ đẹp bình dị mà nên thơ của những xóm chài ven phá Tam Giang, vùng đầm phá rộng lớn và kì bí nhất Đông Nam Á./.

 
Thực hiện: Thanh Hòa

Khám phá Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Khám phá Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Nằm khu vực Đại lộ Thăng Long (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là công trình trưng bày hơn 150.000 hiện vật, chứng tích lịch sử vô giá về những cuộc chiến tranh ở Việt Nam (đặc biệt là 2 cuộc chiến chống thực dân và đế quốc) nhằm giúp du khách tham quan tìm hiểu kỹ hơn về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đầy tự hào của quân và dân ta.

Top