Tiềm năng địa phương

Tượng gỗ làng Vũ Lăng

Tượng gỗ làng Vũ Lăng (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng khắp miền Bắc bởi sự khéo léo, tài hoa của những người thợ. Đến nay, nghề tạc tượng gỗ truyền thống ở Vũ Lăng trở thành thế mạnh trong việc phát triển kinh tế của địa phương.
Chúng tôi đến thăm nhà anh Nguyễn Văn Chính, một gia đình có truyền thống làm nghề tạc tượng gỗ hơn 20 năm ở làng Vũ Lăng. Tại xưởng gia đình anh Chính, công nhân đang khẩn trương hoàn thành 10 pho tượng để trả hàng cho khách đúng hạn.

Anh Chính cho biết, làng Vũ Lăng đã có truyền thống làm tượng gỗ từ lâu đời, có thời gian đã tưởng chừng bị mai một nhưng khoảng từ năm 1985-1987, nghề tạc tượng mới được khôi phục nhờ những nghệ nhân già có tay nghề cao truyền nghề lại cho con cháu và sản phẩm có thị trường tiêu thụ. Đến nay, những sản phẩm được người dân Vũ Lăng làm đa dạng hơn về mẫu mã và chất lượng nên đã được khách thập phương tìm đến đặt mua. Thời điểm đông khách nhất là vào dịp gần Tết, những lúc đó xưởng nhà anh Chính lúc nào cũng phải có từ 15-20 thợ làm mới có thể kịp trả hàng đúng hẹn cho khách. Mỗi năm xưởng của anh sản xuất khoảng 2.000 tượng Phật lớn nhỏ.



Cơ sở sản xuất tượng gỗ của gia đình anh Nguyễn Văn Chính ở làng Vũ lăng.


Công đoạn đốt lửa làm khô gỗ.


Công đoạn phủ đất sét và mùn cưa lên tượng gỗ tạo bề mặt tượng phẳng nhẵn .


Chế tác gỗ theo mẫu của khách hàng.


Nghề tạc gỗ ở làng Vũ Lăng hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con trong vùng.

Để làm một pho tượng phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau như xẻ gỗ, đục phá, sửa, đục gọt, quét đất sét, sơn lót, đánh bóng, sơn tượng... Trong đó, công đoạn sơn tượng đòi hỏi kỹ thuật cao và mất khá nhiều thời gian vì phải sơn đi sơn lại, mài đi mài lại cho đến khi nào bề mặt tượng phẳng nhẵn mới xong. Tùy theo yêu cầu của khách mà tượng dát vàng hay dát bạc, tượng càng lớn, lượng vàng dát càng cần nhiều và càng kỳ công. Thời gian làm một pho tượng nhỏ thường mất từ 5 -7 ngày công, còn những pho tượng to có khi phải mất đến cả tháng trời mới hoàn thiện.

Theo anh Chính, điều quan trọng trong mỗi sản phẩm là cái "hồn", vì vậy người thợ làm tượng phải có tư duy hội họa và tập trung cao bởi nếu không thì pho tượng sẽ sai tỉ lệ.

Đến nay, những sản phẩm tượng gỗ Vũ Lăng được nhiều đền chùa thuộc các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh… đặt mua. Sản phẩm tượng làng Vũ Lăng khá đa dạng như tượng Phật Di Lặc, Phật Thích Ca Mâu Ni, tượng Cô, tượng Cậu, tượng La Hán…





Một số sản phẩm tượng gỗ Vũ Lăng.


Sản phẩm chân nến bằng gỗ của làng Vũ Lăng.


Sản phẩm đồ thờ bằng gỗ của làng Vũ Lăng.


Sản phẩm tượng gỗ đã hoàn thiện của Vũ Lăng.


Sản phẩm tượng gỗ thờ có kích thước lớn ở làng Vũ lăng.

Theo thống kê của UBND xã Dân Hòa, cả thôn Vũ Lăng hiện có 20 tổ hợp và 30 cơ sở sản xuất với khoảng 500 thợ tạc tượng, thu nhập bình quân cho các thợ lành nghề khoảng 9 triệu/tháng, còn thợ học nghề khoảng 4-5 triệu/tháng. 100%  chủ xưởng ở Vũ Lăng là những nhà doanh nghiệp trẻ, năng động, họ đã mở rộng thị trường ra nước ngoài, một số sản phẩm tượng đẹp, độc đáo đã được xuất khẩu sang Thái Lan, Đài Loan./.
 
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Tất Sơn


Top