Sơn ta là loại sơn lấy từ nhựa cây sơn (tên khoa học là
Rhussueel dannéa). Cây sơn được trồng nhiều trên các vùng đồi dọc hai bờ sông Hồng ở tỉnh Phú Thọ. Cây sơn từ lúc gieo hạt đến lúc lấy được nhựa mất khoảng 3 năm và thời gian lấy nhựa có thể kéo dài từ 6 đến 8 năm. Nhựa cây sơn qua chế biến sẽ tạo nên sơn ta. Sơn ta truyền thống có 3 màu chính là: sơn then màu đen, sơn cánh dán màu nâu và sơn son màu đỏ.
Sơn ta có độ dính cao, khi khô rất bền, không bong tróc, không rạn vỡ, không thấm nước, không bị mối mọt. Màu sơn có độ trong và bóng cao giúp tôn màu sắc trở nên rực rỡ, sâu thẳm và bền màu. Đây chính là những nét ưu việt của sơn ta. Chính vì vậy, xưa kia, sơn ta được dùng nhiều cho việc sơn son thếp vàng ở những nơi trang nghiêm như đình chùa miếu mạo… cho đến những vật dụng hàng ngày như hộp, tráp, cơi trầu, bàn ghế…
Năm 1930 được xem là thời kỳ có bước ngoặt đối với kỹ thuật dùng sơn ta khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội lập xưởng nghiên cứu sơn ta.
Từ đây, sơn ta có điều kiện ứng dụng trong hội họa, cụ thể là nghệ thuật sơn mài. Bằng chất liệu sơn ta, nhiều họa sỹ bậc thầy của Việt Nam trước đây như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Trần Quang Trân, Nguyễn Khang, Phạm Hậu, Lê Phổ… đã sáng tác nên những bức tranh sơn mài nổi tiếng thế giới. Ví dụ như bức “Bờ ao” của họa sỹ Trần Quang Trân, bức “Phong cảnh Bắc kỳ” của họa sỹ Lê Phổ…
Kỹ thuật làm tranh sơn mài bằng sơn ta rất công phu. Đầu tiên là kỹ thuật làm vóc, tức làm nền tranh, khá phức tạp vì phải dùng nhiều loại vật liệu khác nhau. Khi có vóc, nghệ nhân vẽ tranh trên vóc. Vẽ xong, phủ sơn rồi đem ủ, sau mới lấy ra mài, đánh bóng nhiều lần cho nét vẽ hiện lên lớp sơn phủ. Muốn lớp sơn khô phải ủ tranh kín gió, có độ ẩm cao. Sơn khô phải mài mòn đi mới thấy hình. Nan giải nhất là đòi hỏi người họa sỹ phải ước tính được cả thời gian, độ bay màu của sơn để có được màu tươi như ý muốn… Sơn ta có thể gây dị ứng độc hại cho người tiếp xúc, thường gọi là “sơn ăn”. Vì vậy tục ngữ có câu “sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người”.
Ngoài ba màu truyền thống là đỏ son, cánh dán và đen, nhiều họa sỹ sau này đã sáng tạo thêm nhiều kỹ thuật xử lý màu độc đáo khác như rắc bột kim loại, dát vàng, dát bạc, khảm ttrai, gắn vỏ trứng gà, vịt… lên tranh.
Họa sĩ Phùng Dzi Thuần, tác giả của bộ tranh sơn ta độc đáo.
Triển lãm tranh bằng chất liệu sơn ta độc đáo của họa sĩ Phùng Dzi Thuần
đã gây ấn tượng mạnh tới người yêu hội họa trong nước và du khách nước ngoài. |
Do kỹ thuật làm sơn ta cầu kỳ và rất khó nên bẵng đi một thời gian, sơn ta ít được dùng trong hội họa. Mới đây, ở tuổi 77, họa sỹ Phùng Dzi Thuần đã cho ra mắt bộ sưu tập 34 bức tranh sơn mài được làm bằng chất liệu sơn ta truyền thống rất độc đáo. Họa sỹ Phùng Dzi Thuần theo học tại trường Mỹ thuật Việt Nam bắt đầu từ năm 1955, và từng là học trò của các họa sỹ thuộc thế hệ vàng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như: Phạm Hậu, Trần Quang Trân, nghệ nhân Đinh Văn Thành.
Chất liệu sơn ta được họa sỹ Phùng Dzi Thuần xử lý nhuần nhuyễn, sáng tạo và tinh tế trong bộ tranh sơn mài của mình. Vì vậy, người xem cảm nhận được những sắc màu trầm ấm đầy hoài cổ qua những bức tranh như “Ô Quan Chưởng”, “Phố cổ”, “Chợ Hàng Bè”…, hay sự mạnh mẽ, sôi động qua các bức tranh vẽ về các nhân vật lịch sử, văn hóa như “Hồ Xuân Hương”, “Bà Huyện Thanh Quan”, “ Thị Màu lên chùa”, “Tuần Ty đào Huế”… Trong mảng tranh mô tả cuộc sống đời thường, ông lại cho thấy sự mềm mại với sắc màu hài hòa giữa nóng và lạnh, ví dụ như bức “Một đêm trăng”, “Ba ông về thăm phố cổ” (vẽ về nhà văn Nguyễn Tuân, họa sỹ Bùi Xuân Phái và nhạc sỹ Văn Cao), “Đêm trừ tịch”, “Trăng về sáng”, “Mùa thu lá rụng”, “Một cõi đi về”...
Dưới bàn tay tài hoa của họa sỹ, các gam màu xanh, đỏ, nâu, trắng, đen hòa quyện tinh tế qua từng đường nét, làm sống lại vẻ đẹp vàng son lộng lẫy một thời của nghệ thuật sơn ta truyền thống.
Một số tác phẩm tranh sơn ta của họa sỹ Phùng Dzi Thuần:
Tác phẩm “Thiếu nữ với mùa thu” , kích thước 90x120cm.
Tác phẩm “Tuần Ty Đào Huế”, kích thước 90x120cm.
Tác phẩm “Mối tình họa sý”, kích thước 80x120cm.
Tác phẩm “Đêm trừ tịch”, kích thước 90x120cm.
Tác phẩm “Một thời đã qua”, kích thước 90x120cm.
Tác phẩm “Chợ Hàng Bè”, kích thước 90x120cm.
Tác phẩm “Thị Màu lên chùa”, kích thước 90x120cm.
Tác phẩm “Hương đồng gió nội”, kích thước 80x120cm.
Tác phẩm “Cô gái và những người đàn ông”, kích thước 110x120cm.
Tác phẩm “Bà Huyện Thanh Quan”, kích thước 145x120cm.
Tác phẩm “Ô Quan Chưởng xưa”, kích thước 160x120cm.
Tác phẩm “Thi sĩ Hồ Xuân Hương”, kích thước 145x120cm.
Tác phẩm “Ảo ảnh quê hương”, kích thước 80x120cm.
Tác phẩm “Trở lại lối xưa”, kích thước 80x110cm.
Tác phẩm “Cơn dông”, kích thước 80x120cm.
Tác phẩm “Phố Đồng Xuân”, kích thước 90x120cm.
Tác phẩm “Phố cổ”, kích thước 80x120cm.
Tác phẩm “Cơn mưa chiều”, kích thước 90x120cm. |
Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Trần Công Đạt