Khám phá

“Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”

Đã 30 năm miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà, trong những ngày kỷ niệm này mỗi người dân Việt Nam lại càng nhớ tới Bác Hồ kính yêu, Người luôn hướng về miền Nam và dành cho đồng bào miền Nam tình thương yêu sâu nặng trong suốt những tháng năm đất nước tạm thời bị chia cắt. nbsp;

Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu Mặt trận
Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần đầu tiên ra thăm miền Bắc
(20 - 10 - 1962)

Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi dũng sĩ diệt Mỹ miền Nam ra thăm miền Bắc
(13-2-1969)

Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu Mặt trận
Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra dự Hội nghị Quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ hoà bình (24 - 11 - 1964)

Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc
(28 - 2- 1969)

Đã 30 năm miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà, trong những ngày kỷ niệm này mỗi người dân Việt Nam lại càng nhớ tới Bác Hồ kính yêu, Người luôn hướng về miền Nam và dành cho đồng bào miền Nam tình thương yêu sâu nặng trong suốt những tháng năm đất nước tạm thời bị chia cắt.

Nếu ai đã từng đến thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ở bất kỳ nơi đâu từ những ngôi nhà, những con đường đến từng gốc cây, ngọn cỏ đều in đậm tình cảm của Bác dành cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Đầu Xuân 1955, đồng bào miền Nam gửi tặng Bác cây vú sữa. Cây vú sữa này được trồng trong vườn Phủ Chủ tịch, Bác thường dành thời gian buổi sáng và sau ngày làm việc buổi chiều để chăm tưới cho cây vú sữa. Năm 1958 khi Bác chuyển về ở và làm việc tại nhà sàn, Người gợi ý chuyển cây vú sữa trồng cạnh nhà sàn để hàng ngày Bác được nhìn thấy cây vú sữa của miền Nam, được gần đồng bào chiến sĩ miền Nam thân yêu.

Năm 1962, Bác tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu ra thăm miền Bắc. Bác rất xúc động khi được nghe các đại biểu kể về tinh thần bất khuất, bám đất giữ làng của đồng bào miền Nam. Giờ phút chia tay ai cũng bùi ngùi xúc động. Sau khi nhận những món quà của đồng bào miền Nam, Người xúc động nói: “Bác chẳng có gì tặng lại đồng bào miền Nam cả, Bác chỉ có cái này”, Bác đặt tay lên trái tim mình và nói: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”.

Năm 1965, Bác tiếp đoàn các anh hùng dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc. Trên con đường xoài trong khu Phủ Chủ tịch, buổi gặp mặt vô cùng xúc động. Vừa thấy Bác, cả đoàn đều chạy ùa lại ôm lấy Bác, sung sướng, nghẹn ngào, nhiều người đã khóc. Bác âu yếm nhìn các anh hùng dũng sĩ miền Nam, xúc động nói: “Bác mong các cháu lắm, Bác nhớ đồng bào miền Nam lắm! Sao các cháu lại khóc? Bác cháu ta gặp nhau thì phải vui lên chứ?” Bác ân cần hỏi thăm từng người một: “Các cháu ăn có no không? Các cháu mặc có đủ ấm không?...” Tình cảm yêu thương của Bác dành cho các anh hùng, dũng sĩ miền Nam như tình cảm của người Cha đón những đứa con thân yêu lâu ngày trở về.

Vào những năm 1967-1968, khi miền Nam đang bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước quyết liệt, Bác đã đề nghị Bộ Chính trị cho Bác vào thăm đồng bào miền Nam.

Bác đã viết thư cho đồng chí Lê Duẩn, trong thư Bác việt: “Nhớ lại mùa thu Noel năm ngoái, chú có ý khuyên Bác vào thăm đồng bào miền Nam sau ngày ta giành thắng lợi hoàn toàn, Bác rất tán thành. Nay Bác chỉ đổi chữ “sau” thành chữ “trước” ngày thắng lợi hoàn toàn”. Bác tự đặt cho mình một kế hoạch cụnbsp; thể, Bác cùng đồng chí thư ký Vũ Kỳ và hai đồng chí cảnh vệ cải trang thành ngư dân trên tàu để vào thăm miền Nam, nhưng kế hoạch đó của Bác không thực hiện được.

Bác thiết tha đề nghị: “Nếu không còn con đường nào khác thì các chú cho Bác đi bộ, các chú đi được thì Bác cũng đi được, chưa chắc Bác đã thua các chú đâu”. Bác tha thiết: “Nếu không vào được Nam Bộ thì các chú cho Bác vào thăm khu Năm và nếu không vào thăm được khu Năm thì các chú bố trí cho Bác vào thăm một vùng nào đó mới giải phóng cũng được” .

Ngày 14-7-1969, trả lời phóng viên Mác-ta-rô-hát – phóng viên báo Gramma (Cuba), khi được hỏi về tình cảm của Bác đối với đồng bào miền Nam, Bác xúc động nói: “Ở miền Nam, mỗi một người, mỗi một gia đình đều có những nỗi đau khổ riêng và gộp lại tất cả những nỗi đau của mỗi người, mỗi một gia đình chính là nỗi đau khổ của riêng tôi. Tôi nghĩ rằng tôi chưa làm trọn nghĩa vụ của mình đối với đồng bào miền Nam”.

Kỳ họp thứ VI, Quốc hội khóa 2 (1963), Quốc hội nhất trí trao tặng Bác tấm Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Biết được tin này, Bác rất vui mừng nhưng Bác đã đề nghị Quốc hội “... Chờ đến ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà, Quốc hội hãy cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi tấm Huân chương cao quý đó...”.

Nhưng rồi 9h47’ ngày 2-9-1969, Bác Hồ kính yêu đã ra đi vĩnh viễn, mang theo một nỗi niềm day dứt và trăn trở là miền Nam vẫn chưa được giải phóng, Bác chưa thực hiện ý nguyện thăm lại miền Nam.

Bài: Nguyễn Anh Minh

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Đến với Quy Nhơn (Bình Định), du khách không chỉ được khám phá những bãi biển đẹp, các danh lam thắng cảnh hùng vĩ mà còn được chiêm ngưỡng những tòa tháp Chăm cổ kính có niên đại trên dưới ngàn năm tuổi. Trong số đó, Tháp Đôi là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu luôn thu hút đông đảo du khách tới tham quan và khám phá.

Top