Tết Chol Chnam Thmay là Tết cổ truyền của đồng bào Khmer ở Nam bộ, diễn ra vào các ngày 14, 15, 16 tháng 4 dương lịch hằng năm (vào năm nhuận sẽ có thêm ngày 13/4). Từ bao năm qua, các hoạt động trong những ngày Tết được người Khmer ở Trà Vinh tổ chức tại các chùa luôn là sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm.
Chiều ngày 13 tháng 4, chúng tôi đến thăm gia đình ông Thạch Ri (ấp Lưu Cự 2, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay và được mời ở lại ăn Tết cùng gia đình. Đồng bào Khmer với tín ngưỡng Phật giáo Nam Tông nên phần lớn Tết cổ truyền của họ gắn liền với nhiều hoạt động thờ cúng tâm linh và hầu hết diễn ra trong các ngôi chùa Khmer gần nơi họ sinh sống.
Vào dịp Tết Chol Chnam Thmay, đồng bào Khmer thường đi chùa lễ Phật.
|
Người dân và các sư sãi thực hiện nghi thức tắm Phật,
một nghi thức quan trọng trong dịp Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer.
|
Thành tâm dâng hương Lễ Phật để cầu mong điều tốt lành.
|
Lễ đón Têvađa (còn gọi là bà Tiên, Chư Thiên) xuống trần để chăm lo cho đời sống của người dân.
|
Người dân quỳ lạy trước tượng Phật ở chùa Tà Niếp.
|
Các nhà sư thực hiện nghi thức tắm cho sư trụ trì chùa Xoài Xiêm mới (huyện Trà Cú).
|
Các nhà sư làm phép cầu an cho mọi người nhân dịp năm mới. |
Như thông lệ, vào chiều ngày cuối năm cũ, người dân sẽ đổ ra đường tham gia Lễ rước Đại lịch Khmer vào chùa để chuẩn bị mừng năm mới. Người Khmer tin rằng mỗi năm sẽ có một vị Têvađa (còn gọi là bà Tiên, Chư Thiên) xuống trần để chăm lo cho đời sống của họ. Tùy vào mỗi năm mà họ tính ra Lễ rước bà Tiên vào các khoảng thời gian khác nhau. Năm nay, buổi Lễ diễn ra vào lúc 14h 02 phút ngày 14 tháng 4. Trước đó, những ngôi “mộ cát”, “mộ gạo” tượng trưng đã được xây trong khuôn viên các ngôi chùa để vào ngày đầu năm mới, mọi người đến cúng bái, cầu duyên và phúc lành.
Sáng ngày 14 tháng 4, gia đình ông Thạch Ri cũng như bao người khác trong làng đã chuẩn bị sẵn những phần cơm để mang lên chùa Tà Niếp (còn gọi là chùa Mich) gần nhà để làm Lễ Khất thực đầu năm. Sau khi cùng các sư trong chùa tụng kinh và thực hiện nghi thức cúng Phật, các phần cơm sẽ được mời các sư dùng bữa, sau đó bà con mới quây quần ngồi ăn cùng nhau. Lễ Khất thực là một hình thức cầu an, thể hiện tấm lòng thành kính dâng lên đức Phật, cầu mong được no đầy trong năm mới của người Khmer.
Sáng ngày hôm sau, bà con tiếp tục mang cơm vào chùa làm Lễ Thuyết pháp để cầu an. Ông Thạch Ri cho biết, vào các ngày lễ, Tết, người Khmer thường thể hiện tấm lòng hướng Phật bằng cách mang cơm vào cho các sư, sãi. Đáp lại các nhà sư sẽ làm Lễ tạ ơn, Lễ chúc phúc cho những người đã có lòng mang lễ vật đến cúng chùa.
Những lúc không lên chùa cúng Phật, mọi người thường đi thăm hỏi người thân, hàng xóm, chúc những lời chúc tốt lành và dùng bữa với nhau trước khi ra về.
Trong những ngày Tết, mỗi chùa sẽ tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, các hoạt động mua bán, ẩm thực diễn ra trong khuôn viên chùa rất nhộn nhịp. Vào các đêm Tết, ở các chùa Khmer thường diễn ra hoạt động biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân tộc. Các điệu múa truyền thống của người Khmer như múa Rôbăm với những bộ trang phục đặc biệt cùng những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh luôn thu hút nhiều thanh niên tham gia. Những bài hát Dù Kê, một loại hình sân khấu hát và múa của người Khmer, được các diễn viên tại địa phương biểu diễn rất đặc sắc, hấp dẫn người xem.
Người dân Khmer đi diễu hành và múa hát mừng Tết Chol Chnam Thmay.
|
Điệu múa truyền thống của người Khmer với những bộ trang phục và mặt nạ trang trí sặc sỡ.
|
Lễ rước Phật ở chùa Tà Niếp.
|
Người Khmer thực hiện nghi thức tắm Phật để cầu mong những điều tốt lành.
|
Những ngôi “mộ cát”,“mộ gạo” tượng trưng được xây trong khuôn viên chùa Xoài Xiêm mới (huyện Trà Cú)
để vào ngày đầu năm mới, mọi người đến cúng bái, cầu duyên và phúc lành.
|
Một gia đình người Khmer sum vầy trong ngày Tết Chol Chnam Thmay.
|
Người Khmer biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống trong ngày Tết Chol Chnam Thmay.
|
Mọi người tụ tập xem hát Dù Kê, một loại hình nghệ thuật đặc sắc của đồng bào Khmer. |
Người Khmer rất vui vẻ, chân tình và hiếu khách. Chúng tôi được mời ăn món bún nước lèo, bánh tét Trà Cuôn, uống thử rượu ngâm trái quách, là những đặc sản nơi đây. Ngoài ra, nhiều người còn vui vẻ chỉ chúng tôi cách đánh trống chhay dăm, cách đeo mặt nạ và học múa chhay dăm rất thú vị.
Lễ tắm Phật là phần nghi thức quan trọng nhất và cũng là phần Lễ cuối cùng trước khi kết thúc Tết Chol Chnam Thmay. Buổi Lễ tắm Phật diễn ra vào chiều ngày 16 tháng 4. Sau ba hồi trống dài vang lên ở các ngôi chùa, các tượng Phật được lau sạch và mang ra trước một khoảng sân rộng. Mỗi người dân mang theo một bình nước thánh (nước sạch có bỏ hoa và dầu thơm) vào chùa để làm Lễ tắm Phật. Sau khi thực hiện nghi thức tụng kinh cầu an, cầu siêu tại chánh điện, mọi người lần lượt tụ tập ra trước các tượng Phật để thực hiện nghi thức tắm Phật. Họ dùng nước thánh tắm cho các tượng Phật nhằm thể hiện tấm lòng hướng Phật, cầu mong sự che chở và mang đến những điều tốt lành từ đức Phật từ bi. Sau đó, các Phật tử sẽ mang phần nước thánh còn lại về nhà thực hiện nghi thức tắm rửa cho các bậc sinh thành, thể hiện sự biết ơn công lao nuôi dưỡng của họ.
Tết Chol Chnam Thmay mang đậm dấu ấn tín ngưỡng Phật giáo của người Khmer thông qua các nghi thức, hoạt động tâm linh diễn ra xuyên suốt trong những ngày Tết. Một số nghi thức có thể khác nhau ở mỗi địa phương nhưng điều đó càng làm cho đời sống tinh thần của đồng bào Khmer ở vùng đất Tây Nam bộ thêm phong phú, đa dạng./.
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân