Văn hóa

Trường Sa vững vàng nơi đầu sóng

Kể từ ngày được giải phóng, đã 45 năm trôi qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) vẫn luôn vững vàng bám biển, bám đảo. Với biết bao hy sinh và nỗ lực của quân và dân ta, Trường Sa hôm nay đã có một diện mạo hoàn toàn mới, sức sống mới đang hiện diện khắp nơi.
Giữa sóng nước Trường Sa, cuộc sống của quân và dân trên các xã đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa diễn ra bình dị và tràn ngập tiếng cười vui, điển hình như sự thay da đổi thịt ở Song Tử Tây. Đặt chân lên đảo, khung cảnh rất thanh bình với những mái nhà đỏ tươi nằm xen giữa cây xanh, những con đường nhỏ đổ bê tông sạch sẽ… Đặc biệt, đảo còn có tượng đài Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, chùa Song Tử Tây nằm sát biển. Đi trên làng đảo, nghe tiếng trẻ em học bài, cùng tiếng chuông chùa ngân nga lúc ban chiều, cảm thấy yên bình đến lạ.

Những năm gần đây, xã đảo Song Tử Tây còn trở thành điểm tựa của ngư dân đánh bắt xa bờ. Đội dịch vụ hậu cần nghề cá âu tàu đảo Song Tử Tây cung cấp miễn phí nước ngọt, các dịch vụ y tế, sửa chữa tàu thuyền cho bà con ngư dân. Ngư dân muốn sử dụng nhiên liệu, nhu yếu phẩm cũng được cung cấp với giá như trong đất liền.

Trên đảo Song Tử Tây còn có ngọn hải đăng rất đẹp đầu tiên được xây dựng trên quần đảo Trường Sa (tháng 10-1993). Đây là hải đăng cấp 1, thuộc hệ thống bảo đảm an toàn hàng hải quốc tế. Trên đảo còn có một trạm khí tượng thủy văn.
 


Hải đăng trên đảo Đá Tây B có chức năng giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Trường Sa định hướng và xác định vị trí của mình. Ảnh: Thông Hải


Lớp học trên Trường Tiểu học xã đảo Sinh Tồn. Ảnh: Thông Hải 


 Quân và dân đảo An Bang tiễn đoàn khách từ đất liền ra thăm đảo. Ảnh: Phong Thu


Tổ dân phố trên xã đảo Sinh Tồn. Ảnh: Thông Hải


Cán bộ chiến sỹ trồng rau xanh trên đảo Tiên Nữ. Ảnh: Thông Hải 


Cụm công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, hệ thống điện gió trên xã đảo Sinh Tồn. Ảnh: Thông Hải 


Khách từ đất liền ra thăm huyện đảo và vãn cảnh chùa Trường Sa Lớn. Ảnh: Thông Hải


Quân và dân trên xã đảo Sinh Tồn tổ chức thi kéo co để rèn luyện sức khỏe. Ảnh: Thông Hải  


Khu vui chơi dành cho trẻ nhỏ trên xã đảo Sinh Tồn. Ảnh: Thông Hải


Trên đảo Trường Sa Lớn nuôn rất nhiều chó để giữ nhà, giữ đảo và làm bạn với lũ trẻ. Ảnh: Phong Thu

Riêng ở thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn) còn có rặng tre - món quà của một người bố mang ra đảo khi thăm con. Đó là hình ảnh thân thuộc, thương nhớ với biết bao người lính ở những vùng quê miền Bắc, miền Trung khiến cho đảo xa như một miền quê thân thương giữa đại dương mênh mông.

Trường Sa đã trồng và phát triển được nhiều loài cây nước lợ, thậm chí gần đây có cả một số loài cây ăn trái, rau xanh mà trước kia vốn chỉ sinh trưởng ở đất liền. Từ một quần đảo không có sẵn các điều kiện tự nhiên thích hợp cho sự sống, giờ đây cây xanh ở các đảo đều sinh trưởng tốt và đầy sức sống trong nắng gió Biển Đông.

Trên đảo những chú bò thảnh thơi dưới bóng cây, đàn vịt nước mặn kiếm ăn bên bờ biển, đàn chó bắt cá cùng chiến sĩ, những vườn rau xanh mướt, đàn cá kìm bơi tung tăng bên cầu cảng như ở ao nhà, những cây bàng vuông, phong ba, bão táp cổ thụ ngát hương hoa… Tất cả những hình ảnh bình yên ấy chẳng khác gì bức tranh thôn quê đầy sức sống nơi đất liền.

Nhiều đảo như Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn... có trường học, có người dân ra lập nghiệp sinh sống, có trụ sở ủy ban xã đảo, có bệnh xá, có cả dân quân tự vệ. Đến nay đã có năm ngôi chùa được xây dựng ở đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca và Sinh Tồn.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước bằng tinh thần “cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, nơi đảo xa ngày càng thay đổi, vươn mình kiêu hãnh và càng vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.

Tháng rồi năm, mưa rồi nắng, những người con từ mọi miền đất nước vẫn nối nhau đến, ở lại tuyến đảo tiền tiêu, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc và để cùng nhau nở nụ cười tự hào khi nhìn về đất Mẹ.

Trường Sa - hai tiếng thiêng liêng và rất đỗi tự hào. Còn đảo, còn tàu, còn người, còn Tổ quốc; đảo là nhà, biển cả là quê hương; vững tay súng bảo vệ vững chắc biển đảo là nhiệm vụ được giao, tất cả vì Trường Sa thân yêu... những khẩu hiệu ấy không chỉ của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi đây mà còn là ý chí, quyết tâm của cả dân tộc bởi Trường Sa là một phần máu thịt không thể tách rời./.

 
Bài: VNP tổng hợp - Ảnh: Thông Hải, Phong Thu


Top