Kinh tế

Trên cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

“Xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển; là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với cảng quốc tế Lạch Huyện; phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới”. Đó là những nội dung chính trong Nghị quyết Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 về Vùng biển và ven biển phía Bắc đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành tháng 10 năm 2018 và đến nay, các địa phương trên đã và đang triển khai đồng bộ.
Để triển khai Nghị quyết này, tỉnh Quảng Ninh đã đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của tư nhân, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn đầu tư từ ngân sách hơn 10 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa gần 20 nghìn tỷ đồng.

Đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2018, Quảng Ninh lần đầu đón hơn 12 triệu lượt khách, thu về 24 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt là việc 3 dự án giao thông tầm cỡ quốc tế, có tổng mức đầu tư khoảng 25 nghìn tỷ đồng gồm cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai đồng loạt được đưa vào khai thác.

Dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn sẽ kết nối tam giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để thúc đẩy liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đây cũng là dự án hạ tầng mở đường quan trọng cho động lực phát triển mới của Khu Kinh tế Vân Đồn.



Tuyến đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) có tổng mức đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng, dài gần 60 km, tốc độ thiết kế 100km/h
với quy mô 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp. Đây là một trong những tuyến cao tốc trọng điểm, có vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế, xã hội
của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN phát


 Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) là sân bay do tư nhân đầu tư xây dựng đầu tiên của Việt Nam
do Tập đoàn Sun Group đầu tư theo hình thức BOT (đầu tư – khai thác – chuyển giao) với tổng mức vốn đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng. Ảnh: Văn Đức – TTXVN

Tàu mang tên Celebrity Millennium thuộc hãng tàu biển Royal Caribbean Cruise Lines của Mỹ, xuất phát từ Hồng Kông (Trung Quốc)
đưa hơn 2.000 hành khách và gần 1.000 thủy thủ đoàn thuộc nhiều quốc tịch đến tham quan Vịnh Hạ Long và các điểm du lịch ở Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN


Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đã rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển giữa TP Hạ Long (Quảng Ninh)
và Hải Phòng, Hà Nội. Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng có chiều dài toàn tuyến là 24,6 km, bao gồm đường cao tốc nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng.
Trong đó, cầu Bạch Đằng có tổng mức đầu tư 7.600 tỷ đồng, là một trong những cây cầu dây văng hệ cáp 2 mặt phẳng dây
4 nhịp lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Trung Nguyên - TTXVN


 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long tiếp Đoàn đại biểu các hãng thông tấn tham dự
Hội nghị lần thứ 44 Ban Chấp hành Tổ chức các hãng thông tấn châu Á - Thái Bình Dương (OANA)
tới thăm Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).  Ảnh: TTXVN



Tân Cảng – Cảng Hải Phòng là một trong những Cảng có trang thiết bị tiên tiến hiện đại nhất khu vực bán đảo Đình Vũ - Hải Phòng. Ảnh: An Đăng – TTXVN


Cảng Đình Vũ là cảng biển đầu tiên tại Hải Phòng có đủ điều kiện kỹ thuật cho phép tàu có trọng tải 2 vạn tấn
ra vào làm hàng, phù hợp với Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía bắc định hướng đến năm 2020. Ảnh: An Đăng – TTXVN



Cảng container quốc tế Hải Phòng là cảng nước sâu đầu tiên của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc,
có khả năng tiếp nhận tàu container sức chở 14.000 TEU, tàu tổng hợp có trọng tải đến 16 vạn DWT làm hàng tại cảng. Ảnh: An Đăng - TTXVN


Khách du lịch trong nước và quốc tế tham quan, nghỉ dưỡng tại đảo Cát Bà, TP.Hải Phòng. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là cảng hàng không đầu tiên trong cả nước được xây dựng bằng hình thức BOT. Đây không chỉ là “cánh cửa bầu trời” mới cho Quảng Ninh, mà còn được coi là công trình điển hình của ngành GTVT Việt Nam, thí điểm mô hình tư nhân đầu tư sân bay, mở đầu cho giai đoạn phát triển sân bay mới trong cả nước.

Năm 2018, Cảng Hải Phòng đạt sản lượng hàng hóa trung chuyển hơn 32 triệu tấn, tổng doanh thu hơn 2 nghìn tỷ đồng, tiếp tục giữ vững vị trí cảng biển đứng đầu khu vực miền bắc Việt Nam.
Mới đây, cảng hành khách quốc tế Hòn Gai đã đón chuyến tàu đầu tiên cập bến. Công trình có khả năng tiếp nhận những loại tàu khách hiện đại nhất thế giới, đón đồng thời 2 tàu khách cỡ lớn có trọng tải đến 225.000 GT, sức chở mỗi tàu lên đến 6.500 hành khách.Với cảng tàu hiện đại, các loại tàu khách quốc tế đến vịnh Hạ Long không phải đậu ở ngoài xa và du khách phải tăng bo vào bờ bằng tender, vừa mất thời gian, vừa kém an toàn như trước. Đây cũng là cảng khách tàu biển chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam.

Hải Phòng xây dựng cảng Lạch Huyện bắt đầu vào năm 2013, với chi phí lên đến 1 tỷ USD. Khi giai đoạn đầu tiên được hoàn thành vào tháng 5/2018, cảng đã có công suất xử lý khoảng 300.000 container 20-feet (TEUs). Con số này sẽ tăng lên khoảng 2-3 triệu TEUs vào năm 2019 khi năng lực tăng lên.

Kết hợp với công suất của các cảng hiện tại, Hải Phòng sẽ có khả năng xử lý khoảng 5 triệu TEUs. Điều đó nâng công suất của thành phố hoa phượng đỏ lên ngang bằng với cảng của TP.HCM, nơi xử lý 5,94 triệu TEUs trong năm 2018.

Các dự án cơ sở hạ tầng khác cũng đang được triểu khai nhằm bổ sung cho dự án cảng của Hải Phòng. Một đường cao tốc mới nối thành phố cảng với thủ đô Hà Nội giảm thời gian đi lại xuống còn một nửa, chỉ khoảng 90 phút. Một tuyến đường cao tốc khác đến Quảng Ninh, nơi có các nhà máy của các công ty Nhật Bản, sẽ mở cửa trong năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cảng Lạch Huyện giữ vai trò then chốt trong chiến lược hàng hải của Việt Nam. Miền Bắc Việt Nam đang dần trở thành một trung tâm sản xuất cho các ngành máy móc thiết bị điện tử, ô tô và chính xác. Samsung Electronics đã thành lập các nhà máy điện thoại di động trong khu vực đó. Khu công nghiệp Deep C gần Lạch Huyện đã thu hút khoảng 80 công ty từ trong và ngoài nước./.

 
Bài: Hải Yến - Ảnh: TTXVN

Pantio và hành trình đưa thời trang ứng dụng cao cấp đến với cuộc sống

Pantio và hành trình đưa thời trang ứng dụng cao cấp đến với cuộc sống

Cũng như món ăn và tinh thần của cuộc sống, thời trang hiện đại là sự kết nối gần gũi với đời sống của mỗi người đặc biệt là tôn lên vẻ đẹp tri thức, sự khát vọng đổi thay ở người phụ nữ. Với thông điệp trên, thời trang Pantio đã và đang nỗ lực mang những bộ sưu tập mới của mình để nâng tầm phong cách phái đẹp Việt.

Top