Asean

Tô thắm tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt - Lào

Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào giành thắng lợi hoàn toàn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tô thắm tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt - Lào.
Cách đây 70 năm, ngày 30-10-1949, lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam chính thức được thành lập. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình", nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam không quản ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận mọi hy sinh, sát cánh cùng các lực lượng của cách mạng Lào.

Từ năm 1949 – 1953, với các phương thức hoạt động chủ yếu như ban xung phong công tác, vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, bộ đội Việt Nam cùng cán bộ Lào đi sâu vào các làng bản, thực hiện “ba cùng” với dân, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia kháng chiến, xây dựng cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang địa phương. Đặc biệt, chiến thắng Điện Biên Phủ và những thắng lợi liên tiếp trên mặt trận quân sự đã tạo đà để Việt Nam và Lào giành thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneve, khôi phục hòa bình tại Đông Dương.


Liên quân Lào – Việt trong kháng chiến chống Pháp, năm 1950. Ảnh: Tư liệu TTXVN


Chiến sĩ liên quân Lào – Việt trong kháng chiến chống Pháp, năm 1950. Ảnh: Tư liệu TTXVN


Thiếu tướng Nguyễn Trung Vĩnh (giữa) trình bày với Ban Công tác miền Tây kế hoạch bảo vệ vùng giải phóng Lào. Ảnh: Tư liệu TTXVN


Một đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến đấu trên chiến trường Lào. Ảnh: Tư liệu TTXVN


Hoàng thân Souphanouvong trao tặng đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam mặt trận miền Tây 2 Huân chương Giải phóng. Ảnh: Tư liệu TTXVN


Các đồng chí trong Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào yêu nước làm việc với chuyên gia Việt Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN


Chuyên gia quân sự Việt Nam với các chiến sĩ Lào. Ảnh: Tư liệu TTXVN


Chuyên gia quân sự Việt Nam với các chiến sĩ Lào. Ảnh: Tư liệu TTXVN



Lễ truy điệu và an táng 16 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào và Campuchia, tại Kon Tum. Ảnh: Quang Thái - TTXVN


Lễ truy điệu và an táng 104 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào, tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Từ nửa cuối năm 1954, Việt Nam và Lào cùng bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Theo yêu cầu của Chính phủ kháng chiến Lào, Đảng, Nhà nước Việt Nam quyết định cử lực lượng Cố vấn quân sự (từ năm 1959 là Chuyên gia quân sự) sang giúp đỡ cách mạng Lào.

Từ năm 1960, trên chiến trường Lào, Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng Pa-thét Lào đã mở chiến dịch Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng (1961), Nậm Thà (1962), Đường số 8, Đường 12 (1963), Nậm Bạc (1968), Cánh Đồng Chum (1964, 1969)... Những thắng lợi to lớn cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, đặc biệt là quân sự trên chiến trường ba nước Đông Dương đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (ngày 27-1-1973) về Việt Nam và Hiệp định Viên Chăn về Lào (ngày 21-2-1973).

Tuy nhiên, sau ngày giải phóng hoàn toàn đất nước, trước tình hình chính trị phức tạp, tháng 12-1976, Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào chính thức yêu cầu Bộ đội Việt Nam trở lại hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân Lào ổn định an ninh, trật tự. Với tinh thần đó, ngày 22-9-1977, Hiệp định hợp tác phòng thủ giữa hai Bộ Quốc phòng Việt Nam và Lào được ký kết, hợp pháp hóa về mặt pháp lý quốc tế cho sự có mặt của Quân đội Việt Nam trên đất nước Lào. Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục kề vai, sát cánh cùng nhân dân Lào xây dựng và bảo vệ đất nước cho đến năm 1987 mới rút hết về nước, hoàn thành trách nhiệm lịch sử của mình.

Nhìn lại lịch sử, có thể thấy được rằng, trong suốt chiều dài của hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng sự liên minh, phối hợp chiến đấu với quân và dân Lào. Đặc biệt, phối hợp hành động với quân và dân Lào, Quân tình nguyện Việt Nam đã đóng góp tích cực vào những thắng lợi to lớn trong chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng đất nước của cả hai dân tộc.

Chủ tịch Kaysone Phomvihane đánh giá: Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào vô cùng tự hào thấy rằng: Qua những thử thách gay go, quyết liệt trong nhiều thập kỷ, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân hai nước đã thề hy sinh tất cả, kể cả hy sinh xương máu của mình vì thắng lợi và độc lập dân tộc của mỗi nước... Chủ tịch Kaysone Phomvihane khẳng định: “Núi có thể mòn, sống có thể cạn, song tình nghĩa Lào-Việt Nam sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.



Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith
nhân dịp sang Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949-30/10/2019).
Ảnh: Trí Dũng – TTXVN


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến và chiêu đãi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounnhang Vorachith
nhân dịp sang dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gắn Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân lên lá cờ truyền thống
của Ban Liên lạc Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Ban Liên lạc Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào.
Ảnh: Trọng Đức - TTXVN


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachith tặng quà lưu niệm Ban Liên lạc Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam.
Ảnh: Trọng Đức - TTXVN


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachith,
nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và các đại biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachith tiếp Đoàn đại biểu Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào đến chào.
Ảnh: Dương Giang- TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Volachith khẳng định: nhân dân các dân tộc Lào mãi mãi không bao giờ quên, trên từng mảnh đất thiêng liêng của đất nước Lào đều ghi dấu sự hy sinh mồ hôi, xương máu của các cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam, mồ hôi xương máu của họ đã hòa quyện với mồ hôi, xương máu của các cán bộ, chiến sỹ Lào.

Những năm gần đây, quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam được tiếp tục quan tâm vun đắp, củng cố, tăng cường; là tài sản vô giá, là quy luật giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng, phát triển của mỗi nước./.

 
Bài: VNP tổng hợp - Ảnh: TTXVN

Dấu ấn 50 năm quan hệ ASEAN-Australia

Dấu ấn 50 năm quan hệ ASEAN-Australia

Tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia diễn ra hồi tháng 3 vừa qua tại Melbourne, Australia, lãnh đạo các nước ASEAN và Australia bày tỏ hài lòng với sự phát triển quan hệ và thành quả hợp tác. Để góp phần thúc đẩy hợp tác ASEAN-Australia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự hội nghị và phát biểu đề xuất 3 đột phá, 3 tăng cường và 3 cùng, trong đó có phấn đấu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại trong 10 năm tới.

Top