Tin tức

Quân đội triển khai khử khuẩn, tiêu độc toàn Thành phố Hồ Chí Minh


Bộ đội phòng hóa phun khử khuẩn, tiêu độc trên địa bàn TP Thủ Đức. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN
Sáng 23/7, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ra quân khử khuẩn, tiêu độc diện rộng bằng hóa chất chuyên dụng trên toàn địa bàn Thành phố để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Ngay sau lễ ra quân, lực lượng vũ trang Bộ Tư lệnh Thành phố cùng cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn Phòng hóa 38, Quân khu 7 và Lữ đoàn Phòng hóa 87, Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) tiến hành phu khử khuẩn hóa chất Cloramin B (5%) bằng xe đặc chủng, xe tiêu tẩy đa năng trên các tuyến đường, khu dân cư của thành phố Thủ Đức và huyện Bình Chánh. Đây là hai địa phương có nhiều ca mắc COVID-19, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại tá Từ Minh Sơn, Trưởng phòng Hóa học, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cho biết, chiến dịch phun khử khuẩn toàn Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến thực hiện từ nay đến ngày 29/7. Mỗi ngày, lực lượng Quân đội với xe chuyên dụng sẽ tiến hành phun khử khuẩn từ 2-4 đơn vị quận, huyện và thành phố Thủ Đức của Thành phố Hồ Chí Minh. Tại các khu vực dân cư, khu vực phương tiện chuyên dụng cỡ lớn khó di chuyển, bộ đội hóa học và lực lượng vũ trang Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh sẽ áp dụng các biện pháp và phương tiện phù hợp với đặc điểm tình hình tại địa bàn.

Cũng theo Đại tá Từ Minh Sơn, trước diễn biến dịch phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn Quân khu, ngày 24/4, lực lượng phòng hóa và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương sẽ phun khử khuẩn các điểm nóng về dịch COVID-19 tại Bình Dương. Tại các địa phương khác trên địa bàn Quân khu 7 sẽ tùy tình hình diễn biến thực tế về dịch bệnh để xây dựng kế hoạch triển khai công tác phun khử khuẩn, tiêu độc phòng, chống COVID-19.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 48.800 trường hợp mắc COVID-19; toàn thành phố có trên 3.000 khu vực phong tỏa, cách ly y tế./.

TTXVN/VNP

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương!

“Tôi đã khóc, không chỉ là nỗi tiếc thương trước sự mất mát của đất nước, của dân tộc Việt Nam, mà còn là những giọt nước mắt hạnh phúc trước tình cảm sâu đậm của người dân thôn Lại Đà dành cho chúng tôi. Họ đã thay mặt người con ưu tú vừa nằm xuống đáp lại tình cảm của những người dân về đây dự lễ viếng”, chị Lương Ngọc Hà, dân tộc Tày, ở tỉnh Lào Cai rưng rưng cho biết.

Top