Tiềm năng địa phương

Xen canh cây cacao - mô hình kinh tế bền vững ở Trảng Bom

Với 17 câu lạc bộ, tổ hợp tác trồng cacao và 426 hội viên tham gia, mô hình xen canh cacao với các loại cây trồng khác hiện phát triển nhanh tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai). Đây là một mô hình kinh tế bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương thời gian qua.
Huyện Trảng Bom hiện đã hình thành tổng cộng 17 câu lạc bộ, tổ hợp tác trồng cacao với 426 hội viên tham gia. Phong trào trồng xen canh cây cacao phát triển mạnh khi các hộ nông dân nhờ sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai cũng như Trạm Khuyến nông huyện Trảng Bom, nơi đã hỗ trợ giống, vật tư và kỹ thuật để các nông hộ canh tác, đặc biệt là chương trình hỗ trợ vay vốn 25 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, giá cacao liên tục tăng thời gian gần đây cũng là nguyên nhân thu hút người nông dân đầu tư xen canh và mở rộng diện tích.

Theo ông Nguyễn Viết Thê, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Trảng Bom thì mô hình xen canh cacao ở đây đã được áp dụng nhiều năm nay và phát triển nhanh khoảng 4 năm trở lại đây. Với lợi thế của loài cây này là cho thu hoạch quanh năm, tận dụng diện tích để xen canh với các cây trồng khác bởi tính sinh trưởng tốt trong điều kiện bóng che.

Trong điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, diện tích cacao trên địa bàn huyện Trảng Bom đến nay đã lên tới 79ha. Đặc biệt, loại cây cacao có đặc điểm là càng lớn tuổi thì năng suất trái càng cao. Đây thực sự là một điều tích cực để các hộ nông dân ở Trảng Bom kiên trì với loại cây này và coi việc xen canh cây cacao là một mô hình kinh tế bền vững.



Bón phân đạm xung quanh gốc ca cao.


Được trồng theo đúng hướng dẫn kĩ thuật của Trung tâm khuyến nông Trảng Bom, cây cacao hiện cho năng suất
và chất lượng quả tốt.



Cây cacao có thể trồng xen canh với các loại cây khác trên cùng một diện tích canh tác.


Quả cacao chủ yếu mọc sai ở thân và gốc cây.


Cây cacao sinh trưởng và phát triển tốt cho năng suất thu hoạch trái tươi rất cao, đạt 30 tấn/ha.


Thu hoạch quả cacao tại một gia đình ở huyện Trảng Bom.


Quả cacao được thu hoạch với nhiều màu sắc khác nhau do áp dụng kĩ thuật cấy, ghép.


Hạt cacao trong thân quả sau thu hoạch.


Trung bình hạt cacao khô sẽ có giá dao động từ 26.000 đồng/kg trở lên.


Hạt cacao thu hoạch được sấy khô sử dụng làm nguyên liệu sản xuất chocolate .


Sản xuất chocolate từ nguyên liệu ca cao thu hoạch tại các vùng ở Việt Nam như Trảng Bom tại
công ty Marou Faiseurs de Chocolat ở quận Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh
.

Một trong những yếu tố quan trọng khiến mô hình xen canh cacao được nhân rộng nhanh chóng chính là nhờ đầu ra được đảm bảo, giúp bà con nông dân yên tâm canh tác. Đa số cacao sau thu hoạch đều được bán trái tươi cho Công ty Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) và Công ty TNHH Đầu tư phát triển nông nghiệp Nguyên Lộc (thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Đây là các doanh nghiệp đặt các điểm thu mua ngay tại câu lạc bộ, tổ hợp tác để thuận tiện việc thu gom cacao tươi về sơ chế xuất khẩu.

Mới thu hoạch mùa thứ hai nhưng 600 cây cacao trồng xen canh với nhiều loại cây ăn trái khác trên diện tích 1ha của gia đình anh Huỳnh Hải (ấp 3, xã Sông Trầu) đã cho thu 10 tấn/năm và dự kiến sẽ tăng năng suất trong nhiều năm tới. Còn mô hình cacao của ông Phạm Văn Lập (ấp An Bình, xã Trung Hòa) lại mang đến năng suất vượt trội. Nhờ sự hỗ trợ giống vật tư và kỹ thuật xây dựng mô hình xen canh cacao với diện tích 0,3ha của địa phương, ông Lập mạnh dạn tự bỏ vốn đầu tư thêm 1,1ha. Kết quả đạt thu được còn hơn cả mong đợi khi sau 4 năm trồng và chăm sóc, hiện nay vườn cacao xen canh với cây điều của ông Lập sinh trưởng, phát triển và cho năng suất thu hoạch trái tươi rất cao, đạt 30 tấn/ha. Với giá 6.000đ/kg trái tươi được Công ty Cacao Trọng Đức cam kết thu mua, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 155 triệu đồng tiền lãi sau khi trừ chi phí sản xuất. Thêm cả nguồn thu từ cây điều, hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích canh tác đã mang lại cho gia đình ông cuộc sống ổn định nhờ việc áp dụng mô hình xen canh cacao.

Hiện Trung tâm tỉnh Khuyến nông Đồng Nai đã tổ chức tập huấn được 70 lớp hướng dẫn kỹ thuật, phòng trị bệnh trên cây cacao cho hơn 2.800 lượt nông dân tham gia. Ngoài ra, nhiều cuộc hội thảo tại các mô hình điển hình về trồng và chăm sóc, thu hoạch cacao cũng thu hút 600 lượt nông dân; tổ chức 12 cuộc tham quan các các điển hình tiên tiến trong và ngoài tỉnh giúp bà con nông dân có cơ hội được học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình canh tác cacao. Và để hỗ trợ nông dân trồng cây ca cao đạt hiệu quả, vừa qua ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai cũng đã biên soạn hoàn tất tài liệu “Quy trình trồng, chăm sóc ca cao xen với cây điều và cây lâm nghiệp” để cấp phát hàng ngàn cuốn cho nông dân áp dụng./.


Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Thông Hải
 
 

Mãng cầu Bà Đen, sản vật của vùng đất phương Nam

Mãng cầu Bà Đen, sản vật của vùng đất phương Nam

Vùng đất Nam Bộ xưa nay nổi tiếng là vựa trái cây lớn nhất của cả nước. Tại Tây Ninh, mãng cầu Bà Đen là một đặc sản. Chiếm tới hơn 40% thị phần mãng cầu cả nước, mãng cầu Bà Đen đang được xem là một trong những mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế lớn của địa phương.

Top