Từ lâu, người Việt đã trồng cây đinh lăng trong vườn nhà và sử dụng rễ cây vào nhiều bài thuốc cổ truyền chữa bệnh rất hiệu quả. Đinh lăng hiện là cây dược liệu quý được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc như Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình…. Nhiều công ty Dược đã chú trọng quy hoạch phát triển loại cây này thành vùng nguyên liệu để khai thác làm thuốc.
Huyện Hải Hậu hiện đã phát triển được hơn 457 ha trồng cây dược liệu đinh lăng, tập trung nhiều nhất ở các xã Hải Hà và Hải Quang.
Vườn cây đinh lăng hơn 3 năm tuổi của ông Pham Hồng Khanh được Công ty Traphaco đầu tư giống và mua bao tiêu sản phẩm.
Người dân Hải Hậu làm sạch củ đinh lăng sau thu hoạch.
Công đoạn sấy củ đinh lăng ở gia đình anh Lâm Văn Tinh (xã Hải Hà, huyện Hải Hậu).
Gia đình anh Nguyễn Văn Thích (xã Hải Quang) sơ chế củ đinh lăng. Hiện gia đình anh nhận thái và phơi,
sấy sơ chế cho hơn 10 hộ gia đình chuyên canh trồng đinh lăng trước khi giao hàng cho công ty Traphaco.
Đinh lăng thái lát đạt tiêu chuẩn chế biến dược liệu.
Củ đinh lăng thái lát sau khi sấy được gia đình anh Lâm Văn Tinh bảo quản cẩn thận đợi tới đợt thu mua của công ty Traphaco.
Vào mùa thu hoạch đinh lăng, người dân còn tận dụng lá đinh lăng phơi khô
chế biến làm nước uống hoặc bán cho các cơ sở sản xuất thực phẩm làm nem. |
Những năm gần đây tại huyện Hải Hậu (Nam Định) vùng dược liệu rộng hàng trăm ha đã phủ kín đinh lăng. Với chân đất màu mỡ, được phù sa bồi đắp, cây đinh lăng ở đây quanh năm xanh tốt. Sản phẩm đinh lăng trồng tại Hải Hậu cho nhiều chất dầu hơn so với các vùng đất khác. Hải Hậu hiện là 1 trong 2 huyện của tỉnh Nam Định được Công ty Dược phẩm Traphaco chọn thực hiện dự án: Phát triển dược liệu đinh lăng theo Hướng dẫn trồng trọt và thu hái cây thuốc theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).
Theo số liệu của Chi cục Thống kê huyện Hải Hậu, địa phương này hiện có 457 ha cây dược liệu đinh lăng. Mỗi năm, Hải Hậu xuất ra thị trường từ 1.500 - 2.000 tấn sản phẩm đinh lăng tươi bán cho các tiểu thương và Công ty Dược phẩm Traphaco. Trên địa bàn huyện có hơn 20 hộ thu mua, xuất bán đinh lăng. Với giá thu mua toàn bộ rễ, gốc, thân lá tại thị trường huyện hiện nay từ 20 – 25 nghìn đồng/kg, nếu trồng 1 sào, 2 năm sau cho thu nhập 30- 45 triệu đồng/sào; trừ giống và các chi phí người nông dân lãi ròng 19- 21 triệu đồng/ năm (tương đương 520- 580 triệu đồng/ha/1 năm). Vì vậy, đinh lăng đang được xem là “nền kinh tế xanh” của địa phương.
Để trồng và thu hái cây đinh lăng đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn của GACP-WHO, Công ty Traphaco đã thường xuyên mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng và thu hái cây thuốc cho các hộ dân trồng đinh lăng trên địa bàn huyện. Theo ông Đỗ Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Hậu cho biết, vùng nguyên liệu phát triển trồng đinh lăng dược liệu đã và đang là thế mạnh giúp đổi mới bộ mặt nông thôn mới, từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu cây đinh lăng Hải Hậu với thị trường Thế giới.
Công đoạn chiết xuất củ đinh lăng ở công ty Traphaco.
Quy trình ép vỉ viên nhộng hoạt huyết dưỡng não được chiết xuất từ củ đinh lăng.
Kiểm tra chất lượng viên nang mềm Cebraton trước khi xuất xưởng.
Với vùng nguyên liệu dồi dào và ổn định từ Hải Hậu, sau 2 năm công ty Traphaco đã chế biến được 10 triệu viên nang mềm Cebraton. |
Nhờ có vùng dược liệu cung cấp nguyên liệu ổn định ở huyện Hải Hậu, sau 2 năm Công ty Traphaco đã sản xuất được 10 triệu viên Cebraton hoạt huyết dưỡng não cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Trong quá trình này, Traphaco đã đóng vai trò trung tâm kết nối hợp tác 4 nhà: nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp để mở rộng và phát triển bền vững vùng cung cấp dược liệu mà vùng dược liệu đinh lăng Hải Hậu là một ví dụ điển hình./.
«
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, rễ cây đinh lăng là bài thuốc quý để tăng cường sức khỏe, chống mỏi mệt và tăng sức dẻo dai cho cơ thể, lá đinh lăng còn có tác dụng giải nhiệt, có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, chữa ho ra máu, kiết lỵ, đắp lên vết thương cho chóng làn, thân và rễ để ngâm rượu hoặc sắc uống giống như thuốc bắc sau khi đã phơi khô, sao vàng hạ thổ.
» |