Văn hóa

Vu Lan báo hiếu

Lâu nay, một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo đã chuyển thành ngày lễ có ảnh hưởng không nhỏ trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam là lễ Vu Lan. Lễ Vu Lan có ý nghĩa cao cả, tưởng nhớ công ơn trời biển của đấng sinh thành, giáo dục về đạo làm con, tình thương yêu đồng bào, cộng đồng.
Lễ Vu Lan được tổ chức vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch nhưng ngay từ những ngày đầu tháng, tại Thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM), nhiều hoạt động, sinh hoạt tôn giáo truyền thống của Đại lễ Vu Lan báo hiếu đã diễn ra tại hầu hết các ngôi chùa, tổ đình, tịnh xá lớn nhỏ thu hút hàng trăm nghìn các tăng ni, Phật tử tham gia. Tại các ngôi chùa lớn như chùa Vĩnh Nghiêm ở quận 3, Việt Nam Quốc tự ở quận 10, chùa Phổ Quang ở quận Tân Bình cho đến những Trung tâm văn hóa, tịnh xá…, lễ cầu siêu, lễ gắn hoa cài áo, lễ phóng sinh, thả hoa đăng đều được tổ chức long trọng.
 

Đông đảo tăng ni, Phật tử và bà con kiều bào xa gần về dự Đại lễ Vu Lan tại Trường hạ Tổ đình Vĩnh Nghiêm.

Hoa hồng đỏ dành cho những ai còn mẹ.

Không ít Phật tử đứng tuổi ngậm ngùi nhận hồng trắng khi không còn cha mẹ.

Đã có hàng trăm nghìn Phật tử tham gia các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo truyền thống của Đại lễ Vu Lan.

Các Phật tử viết thông tin về người thân để cầu an, cầu siêu.

Các em học sinh đến chùa Phổ Quang giúp Phật tử cài hoa hồng trong ngày lễ.

Những hình ảnh cảm động trong ngày lễ Vu Lan luôn để lại ấn tượng đẹp trong lòng mỗi người. Cái khoảnh khắc cậu bé sáu tuổi cài bông hoa đỏ lên áo mẹ, cảnh một bé gái thả chim phóng sinh tại chùa Vĩnh Nghiêm, chàng trai trẻ thắp nến thả hoa đăng hay một bà cụ thắp nén hương thơm… tưởng nhớ về người mẹ, người cha và cầu mong sự bình an cho những người thân trong gia đình.

Tại chùa Phổ Quang, nghe tiếng kinh giảng bài về công đức, về những khó khăn nhọc nhằn phải vượt qua, về những yêu thương của cha mẹ cả đời dành cho con cái vang lên trong lời đọc ấm áp của vị sư già. Cô gái trẻ khoảng chừng hơn 20 tuổi, đôi bàn tay chắp lại, quỳ phía dưới râng râng nước mắt, trên áo là bông hoa màu trắng được cài phía bên trái. Cô đang nhớ về người mẹ của mình vừa mới mất đầu năm nay sau một cơn đột quỵ.
 

Cúng dường chư Tăng tại Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên.
 
Lễ cầu an, cầu siêu của các tăng ni, Phật tử tại Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên.

Hơn 1000 vị chư tôn giáo phẩm, tăng ni đến từ nhiều tỉnh thành đã làm các nghi lễ Phật pháp
như tụng kinh Vu Lan, tụng kinh địa tạng... tại Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên.

Tại Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, hơn 1000 vị chư tôn giáo phẩm, tăng ni của hệ phái Nam tông đến từ nhiều tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, An Giang và cả đoàn tăng ni nước Campuchia đã làm các nghi lễ Phật pháp như tụng kinh Vu Lan, tụng kinh địa tạng… Ngay sau phần khai lễ, các tăng ni, Phật tử đã đi bố thí, phát quà nhân đạo cho những người khó khăn… thể hiện nghĩa cử cao đẹp của con người.

Đặc biệt năm nay, lễ Vu Lan đã thu hút giới trẻ tham gia. Tại các chùa, đền hay những lớp giảng kinh Phật, người ta thấy rất nhiều nam, nữ thanh niên. Giới trẻ giờ ngày càng ý thức được sự đẹp đẽ, ý nghĩa của lễ Vu Lan để những ai đã sai lầm có thể hồi tâm thức giấc, càng trân trọng, hiếu thảo, sống có trách nhiệm với bản thân mình và xã hội. Bạn Lê Thị Hằng, sinh viên năm 3 của Trường Đại học Công nghiệp Tp.HCM tâm sự: “Ba mẹ em đều làm nghề nông ở quê, cuộc sống vất vả. Lễ Vu Lan cũng là dịp em cầu mong cho cha mẹ mạnh khỏe, sống vui cùng những người thân”.
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Đặng Kim Phương

Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Đặng Kim Phương

Dấu ấn Triển lãm Quốc tế quốc phòng Việt Nam 2024

Dấu ấn Triển lãm Quốc tế quốc phòng Việt Nam 2024

Nhằm tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đồng thời chia sẻ chính sách, chủ trương xây dựng quân đội và phát triển nền công nghiệp quốc phòng giữa Việt Nam và các nước, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 từ ngày 19-22/12/2024 tại Sân bay Gia Lâm (đường Nguyễn Sơn, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội).

Top